Đại án "chuyến bay giải cứu" được TAND Hà Nội xét xử trong 4 ngày với gần 200 lượt xét hỏi 54 bị cáo của HĐXX, đại diện VKS và 105 luật sư. Trong 54 người, phần lớn bị cáo buộc ở hai nhóm tội Đưa hối lộ (23 người) và Nhận hối lộ (21 người).
Qua ba vòng thẩm vấn, hầu hết người bị truy tố tội Nhận hối lộ đều khai "không đòi". Còn các lãnh đạo doanh nghiệp bị cáo buộc Đưa hối lộ đứng ở hai thái cực: tự nguyện "cám ơn"; hoặc bị ngã giá, gây khó khăn khiến phải chi.
Qua 515 lần đưa - nhận hối lộ, tổng cộng 165 tỷ đồng (trung bình 320 triệu đồng mỗi lần) được nêu trong cáo trạng cho thấy một dạng "luật ngầm" đã được các bị cáo thiết lập.
Khi nào cần đưa tiền?
Theo mốc thời gian đưa - nhận hối lộ được cáo trạng liệt kê, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao là đơn vị có cán bộ để xảy ra tiêu cực đầu tiên tại vụ án.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan khi là Cục trưởng Lãnh sự bị cáo buộc nhận tiền lần thứ nhất vào ngày 3/12/2020, 500 triệu đồng, từ Tổng giám đốc Công ty An Bình Hoàng Diệu Mơ. VKS xác định bà Lan nhận nhiều tiền thứ ba trong 21 cựu quan chức bị truy tố, cũng là một trong những người nhận hối lộ đầu tiên của vụ án.
Bà Lan cùng một số cán bộ Cục Lãnh sự bị xác định "gây khó khăn nhũng nhiễu", không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải "tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí đưa hối lộ", theo kết luận điều tra.
Như hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp bị truy tố trong vụ án, tại phiên toà hôm 12/7, bà Mơ khai đã nộp rất nhiều hồ sơ xin cấp phép chuyến bay nhưng chưa bao giờ được cơ quan nào hồi âm đạt hay không đạt, cần bổ sung tài liệu nào.
Nhìn sang rất nhiều doanh nghiệp đã bay suôn sẻ, bà Mơ được họ "rỉ tai" cần đi "cửa sau". Thứ trưởng ngoại giao khi đó, ông Tô Anh Dũng, là "cánh cửa" đầu tiên bà tìm đến, nhưng người làm việc trực tiếp với bà lại là Cục trưởng Hương Lan, theo lời khai tại toà.
Cơ quan điều tra xác định, bà Lan và một số bị cáo tại Cục Lãnh sự đã "tạo thành nhóm lợi ích" và đưa ra nhiều yêu cầu, gây khó khăn nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Nhóm bà Lan buộc các doanh nghiệp phải chi tiền để được giải quyết thủ tục, với doanh nghiệp "chưa tiếp xúc, thỏa thuận đưa hối lộ sẽ gây khó dễ dưới nhiều hình thức".
Kiểu "khó dễ" phổ biến bà Lan tạo ra với doanh nghiệp là không sắp xếp tổ chức bay theo lộ trình đã được duyệt mà chỉ cho bay duy nhất chuyến đầu, các lần tiếp theo phải chờ ý kiến bằng văn bản của Cục Lãnh sự.
Bà cũng bị cáo buộc tự ý ra văn bản yêu cầu dừng triển khai chuyến bay trong khi doanh nghiệp đã bán hết vé máy bay cho khách và thuê tàu bay để đưa công dân về Việt Nam.
Theo kết luận điều tra, bà Hương Lan còn thường xuyên chỉ đạo cấp dưới sát ngày bay mới thông báo, hoặc thay đổi kế hoạch bay, thay đổi số công dân trên chuyến bay. "Doanh nghiệp không thể bay sẽ phải gặp chi tiền cho bà Lan để xin được lùi chuyến bay, xin thêm 'suất'".
Tại phiên toà, Chủ tịch Công ty Vija Sun Đào Minh Dương phân trần luôn bị duyệt cấp phép sát ngày, "sáng mai bay, tối nay mới biết có được cấp phép hay không". Trong khi đó, chi phí tổ chức một chuyến bay không nhỏ, riêng tiền thuê máy bay là 6-9 tỷ đồng và phải đặt cọc trước.
Bị cáo Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Thuận An) cũng khai sau 8 lần bị Cục Lãnh sự làm khó, đến lần thứ 9 công ty mới được cấp phép chuyến bay đầu tiên. Việc này suôn sẻ do ông Thắng đã "chi" 600 triệu đồng cho Cục trưởng Hương Lan.
Nhưng Cục Lãnh sự không phải "cánh cửa sau" duy nhất.
Như lời khai của Thắng, ngay sau giao dịch với bà Lan, ông Thắng nhận được điện thoại từ bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu phó phòng tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) yêu cầu "lên gặp nói chuyện". Tại phiên toà, đây cũng là hai cựu quan chức bị các bị cáo là doanh nhân "tố" vòi vĩnh nhiều nhất.
Ông Kiên, Tuấn bị xác định thường chủ động liên lạc với doanh nghiệp, yêu cầu đến phòng làm việc thỏa thuận giá. Hoặc khi doanh nghiệp "làm việc" với một trong hai người này sẽ được "dắt mối" để đưa hối lộ cho người còn lại. "Bên Bộ Y tế cũng thế thôi", ông Tuấn nói với bà Mơ, đồng thời đưa cho số điện thoại của ông Kiên.
Ngoài lý do bị ngâm hồ sơ, bị gây khó dễ, "luật ngầm" trong các lần hối lộ tại vụ án này còn là khi xong việc thì "cảm ơn".
"Anh Tô Anh Dũng không bao giờ đòi tiền. Khi xong việc, tôi đến cảm ơn anh vì được tạo điều kiện. Anh còn nói lần sau không được đưa nữa", bà Mơ khai tại tòa. Nhưng ông Dũng sau đó nhận thêm của bà Mơ 7 lần, tổng 8,5 tỷ đồng. Bà khai nhận thức nếu không đưa sẽ không được bay nhanh và nhiều chuyến đến vậy.
Bà Mơ bị cáo buộc đưa hối lộ 44 lần, tổng 34,6 tỷ đồng, nhiều thứ hai trong 19 chủ doanh nghiệp. Công ty của bà được cấp phép 66 chuyến, tức trung bình chi 524 triệu đồng "lót tay" cho mỗi chuyến bay trót lọt. Số tiền, như khai báo tại tòa, lấy từ lợi nhuận kinh doanh, vốn công ty.
Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty G1) cũng khai chủ động "tri ân" cán bộ do "thấy áy náy" khi những quan chức này phải làm việc vất vả. Bà xác nhận đưa tiền là tự nguyện. Theo cáo trạng, tổng số tiền bà Hạnh hối lộ 3,12 tỷ đồng, trong đó 1,2 tỷ đồng cho ông Kiên, 1,4 tỷ đồng cho Tuấn, 400 triệu đồng cho ông Tô Anh Dũng...
"Lót tay" mỗi lần bao nhiêu tiền?
Trong trường hợp đưa hối lộ khi xong việc để "tri ân", bà Mơ, bà Hạnh khai số tiền sẽ do doanh nghiệp tự quyết định, song mỗi lần không dưới 50 triệu đồng, tùy chức vụ của cán bộ được tri ân. Con số "lót tay" 150 triệu đồng sau này trở thành "barem chung" ông Kiên và Vũ Anh Tuấn cùng đưa ra khi giới thiệu, móc nối hối lộ cho nhau.
Người nhận nhiều nhất tới 3 tỷ đồng trong một lần là bà Hương Lan. Đây là quà cảm ơn của Tổng giám đốc Mơ, đưa ngay tại ôtô của bà cục trưởng, trước cổng Bộ Ngoại giao, ngày 28/10/2021.
Tại toà, nhiều bị cáo là chủ doanh nghiệp khai đã bị cựu thư ký Kiên ra giá tới 4-15 triệu đồng mỗi khách, khiến họ không thể "kham nổi". Khi xin giảm giá, các giám đốc này khai đều bị nói "không có tiền thì đừng có bay".
Cáo trạng xác định tại Văn phòng Chính phủ, bị cáo Mai Anh (chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế) đã nhận tới 500 triệu đồng cho mỗi chuyến bay được duyệt. Trong 14 ngày đầu tháng 4/2021, bà Mai Anh thu lợi tổng 3 tỷ đồng (214 triệu đồng/ngày).
Đưa tiền như thế nào?
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong 515 lần đưa hối lộ, các địa điểm giao nhận tiền hối lộ phổ biến nhất là phòng làm việc, với 132 lần. Địa điểm nhiều thứ hai là quán cà phê và hàng ăn, quán bia, được sử dụng 48 lần. Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đến quán cà phê tới 15 lần để nhận quà, cũng là người sử dụng địa điểm này nhiều nhất trong các bị cáo bị truy tố tội Nhận hối lộ.
Cựu thư ký Kiên bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất vụ án, cả về số lần và số tiền với 253 lần nhận, tổng 42,6 tỷ đồng trong 11 tháng. Tính trung bình ông nhận mỗi tháng gần 4 tỷ đồng, mỗi ngày 130 triệu đồng.
Với 253 lần nhận hối lộ, ông Kiên thu 228 lần qua chuyển khoản. Trong số này, 198 lần được các doanh nghiệp chuyển vào tài khoản ngân hàng của ông Kiên, và 30 lần, qua tài khoản của mẹ vợ và con trai ông, theo cáo buộc.
Nhờ người thân nhận giúp tiền hối lộ cũng là hình thức nhận phổ biến tại vụ án này. Phần lớn người thân của các bị cáo đã chuyển trả lại tiền cho chủ doanh nghiệp.
Riêng bị cáo Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải) bị cáo buộc 5 lần nhận tiền của bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA) thông qua tài khoản của chị gái, tổng 1,3 tỷ đồng. Song tại tòa, ông Tuấn không thừa nhận, nói không gặp, không quen Vy.
Được gọi đối chất, bị cáo Vy cho hay, ông Tuấn chủ động đưa số tài khoản của chị gái, rồi yêu cầu chuyển tiền vào. Đúng yêu cầu, bà Vy 5 lần chuyển tiền, đều ghi nội dung "Masterlife ck", "LHV ck", tức là công ty Masterlife và Công ty Lữ Hành Việt chuyển khoản.
Chị gái bị cáo Tuấn được tòa gọi đối chất song ba lần khẳng định tiền đó vay Vy để làm ăn, không liên quan em trai. Khi chủ tọa hỏi "cho vay mà để nội dung chuyển khoản vậy à?", chị ông Tuấn đáp "khi đó chỉ quan tâm số tiền, không để ý nội dung chuyển khoản là gì".
Bị cáo Vy sau đó tái khẳng định không quan hệ làm ăn, cho vay mượn. Việc chuyển tiền vào tài khoản chị này do Tuấn yêu cầu "lại quả".
Dù phiên toà chưa bước vào phần tranh luận, nhiều người bị truy tố nhận hối lộ đã thừa nhận "ăn năn và biết sai". Người nhận nhiều tiền nhất vụ án, ông Kiên, khai rất sợ hãi, thậm chí từng muốn chết vì ám ảnh tội lỗi.
Cựu phó chủ tịch Quảng Nam Trần Văn Tân trình bày 5 tỷ đồng nhận hối lộ đã sử dụng vào việc "có ý nghĩa", dù không được chủ tọa cho trình bày đó là việc gì. "Nhận hối lộ nhưng bị cáo không gây khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết các thủ tục hành chính rất nhanh", ông Tân nói.
Sau hai ngày nghỉ cuối tuần, sáng thứ hai, 17/7, VKS sẽ công bố bản luận tội và mức án đề nghị với 54 bị cáo.
Sau hơn một năm điều tra vụ án, ngày 12/7, 54 người bị xét xử về 5 tội: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Từ tháng 4/2020 đến 1/2022, 772 chuyến bay đưa công dân về nước đã được tổ chức, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo. Bộ Công an cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. 54 bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi vì mục đích cá nhân.
Thanh Lam - Phạm Dự