Đầu tháng 10, khi đến chốt kiểm soát dịch bệnh, ông Từ Tỷ (64 tuổi, TP HCM) bất ngờ bị một xe motor phân khối lớn tông thẳng từ phía sau. Va chạm khiến ông ngã mạnh xuống đường.
"Với thanh niên, cú ngã đó có thể chỉ gây trầy xước, chấn thương phần mềm, nhưng với tôi lại quá nặng. Tôi không đứng dậy nổi, tay không nhấc lên được. Tôi cảm thấy khó thở, nói khó khăn, như có một vật gì đó đâm vào lồng ngực đau nhói", ông Tỷ kể lại.
ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa tiếp nhận ca bệnh cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhận định đây là một trường hợp đa chấn thương nặng. Bệnh nhân đau nhiều ở vùng vai, hô hấp khó khăn, có hiện tượng đau mỗi khi hít thở. Đây là dấu hiệu của tình trạng gãy xương sườn làm tổn thương các tạng lân cận, cụ thể là phổi. Kết quả chụp cắt lớp CT scan cho thấy, ông Tỷ bị gãy xương bả vai và toàn bộ xương sườn cung sau. Xương bị gãy đâm vào phổi, làm phổi bị tổn thương và có hiện tượng tràn khí. Nếu không được can thiệp sớm, bệnh nhân vừa phải chịu đựng những cơn đau do gãy xương gây ra, vừa dễ tử vong vì bị suy hô hấp.
Những trường hợp này ngay lập tức sẽ được chỉ định mổ để kết hợp xương, sắp xếp các mảnh xương gãy. Tuy nhiên, ông Tỷ có bệnh nền ung thư đại tràng, từng được can thiệp điều trị cách đây 5 năm, sức khỏe yếu nên để ca phẫu thuật được an toàn, cần có sự phối hợp của các bác sĩ Lão khoa Cơ xương khớp, xử lý các vấn đề về nội hô hấp, nội tim mạch trước, trong và sau ca phẫu thuật kết hợp xương.
Với phương châm "phương pháp tối ưu, can thiệp tối thiểu", bác sĩ Khoa sử dụng phương pháp can thiệp ít xâm lấn. Đây là một kỹ thuật y khoa tiên tiến, đòi hỏi tay nghề khéo léo đang được các bác sĩ ngoại khoa áp dụng. Vài năm trước đây, phẫu thuật viên dùng phương pháp mổ mở kinh điển, người bệnh sẽ phải chịu những đường mổ dài, bị cắt nhiều cơ để tiếp cận được các vùng xương gãy. Do đó, cảm giác đau đớn nhiều hơn, mất máu nhiều, nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu cao và thời gian phục hồi kéo dài hơn.
Với phương pháp can thiệp ít xâm lấn, bác sĩ Khoa mở một cửa sổ bằng đường mổ nhỏ khoảng 5 cm, vén các bó cơ để lách qua, tránh tối đa nguy cơ cắt cơ, lột cơ delta khi tiếp cận xương bả vai; sau đó nắn lại xương, luồn nẹp nhỏ vào và bắt vít cố định xương gãy. Bàn mổ tiêu chuẩn có cánh C-Arm phát huy tác dụng khi chụp X-quang liên tục trong ca phẫu thuật, giúp bác sĩ tiếp cận chính xác nhất vùng xương gãy, sắp xếp kết hợp xương chính xác thông qua màn hình chất lượng cao. Nhờ đó bác sĩ thao tác chính xác, an toàn, tránh tối đa nguy cơ tổn thương cơ và dây thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh.
Với phương pháp mới này, thời gian ca mổ diễn ra chỉ trong khoảng 30 phút. Người bệnh tỉnh dậy đã có thể chống tay tự ngồi, vận động cánh tay mà không còn bất kỳ giới hạn nào.
"Sau mổ, tôi không có bất kỳ cảm giác đau đớn nào. Sức khỏe và tinh thần hầu như là trở lại bình thường", ông Tỷ bày tỏ bất ngờ về kết quả sau ca mổ của mình.
Với toàn bộ xương sườn bị gãy, ông Tỷ được cho cố định bằng băng dính, hỗ trợ dùng thêm thuốc giảm đau để theo dõi, chờ xương sườn tự lành trong khoảng 6 tuần. Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn các bài tập hít thở sâu để phục hồi hệ hô hấp, tăng cường sức khỏe cho lá phổi bị tổn thương.
Chấn thương gãy xương là tai nạn không mong muốn, thường xuyên gặp trong đời sống hàng ngày. Khi xương bị gãy, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói vùng bị tổn thương, sưng tấy, bầm tím, khó khăn khi vận động, sinh hoạt. Đặc biệt với vùng xương sườn, người bệnh sẽ bị đau tức ngực, thiếu hơi, khó thở.
Nếu không được xử lý đúng cách, kịp thời, phần nhọn đầu xương gãy sẽ xuyên vào các cơ quan nội tạng gần đó. Dễ tổn thương nhất là phổi, gây những biến chứng nghiêm trọng như tràn máu khoang màng phổi, tràn khí màng phổi, viêm phổi... đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Kỹ năng sơ cứu cho người bị thương đặc biệt quan trọng.
ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa chia sẻ thêm: "Với kỹ thuật can thiệp tối thiểu, chúng tôi sẽ hạn chế tối đa nguy cơ tổn thương các cơ, chảy máu... giúp người bệnh giảm đau đớn và hồi phục mau chóng trở về với gia đình.
Anh Ngọc (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)