Chiều 24/12, đại diện VKSND Hà Nội đề nghị mức án với 36 bị cáo trong phần luận tội, sau hơn ba ngày xét hỏi.
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn) bị đề nghị 14-15 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và 16-17 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hình phạt 30 năm tù.
Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bị đề nghị 19-21 năm tù về hai tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ.
Theo VKS, vụ án vi phạm đấu thầu của AIC ở Đồng Nai là một minh chứng điển hình cho lợi ích nhóm, thể hiện sự móc ngoặc, thông đồng giữa doanh nghiệp và người có thẩm quyền. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng lợi hàng trăm tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Trong 36 người bị đưa ra xét xử, 8 người đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ trước hoặc sau khi vụ án bị khởi tố. Nhà chức trách đã phát thư kêu gọi nhưng hiện không có kết quả.
VKS đánh giá, việc toà án đưa các bị cáo ra xét xử là kịp thời, cần thiết, đúng trình tự, thủ tục pháp luật và đặc biệt là đúng tinh thần "có trốn cũng không trốn được". Ông Thành với cương vị Bí thư Tỉnh uỷ đã tác động đến cấp dưới, đề nghị tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng các gói thầu ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 150 tỷ đồng.
Quá trình điều tra và tại toà, ông Thành đã khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội và tác động để gia đình nộp lại toàn bộ 14,5 tỷ đồng tiền nhận hối lộ.
VKS cũng nêu ra các tình tiết giảm nhẹ cho ông Thành như trước khi phạm tội có quá trình cống hiến, được Thủ tướng tặng bằng khen, có đóng góp cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Lào. Tỉnh Đồng Nai cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Mức án VKS đề nghị với 36 bị cáo
Cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái bị cáo buộc 14 lần nhận tổng cộng 14,5 tỷ đồng để phê duyệt điều chỉnh dự án, phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án trái quy định pháp luật và tác động Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, giúp đỡ AIC trúng 16 gói thầu.
Hoàng Thị Thuý Nga, Phó tổng giám đốc AIC, bị VKS xác định là người duy nhất không khai nhận hành vi phạm tội ở giai đoạn điều tra, tại toà đã nhận tội nhưng không thừa nhận hành vi cụ thể nào. Tuy vậy, hành vi phạm tội của Nga được VKS dựa vào các tài liệu, chứng cứ cùng lời khai của những người khác.
VKS khẳng định có đủ căn cứ chứng minh Nga đã nhiều lần cùng bà Nhàn tiếp xúc với quan chức Đồng Nai để đặt vấn đề giúp đỡ cho AIC tham gia trúng thầu. Bà Nga còn chỉ đạo nhân viên nâng khống giá thiết bị, lập hồ sơ thầu, để thực hiện hành vi thông thầu. Tại phiên toà, Nga đã tự nguyện nộp 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả nên đây được xem xét là tình tiết giảm nhẹ.
Về dân sự, VKS đề nghị ba bị cáo Nhàn, Nga và Hà của AIC phải liên đới bồi thường cho Đồng Nai hơn 152 tỷ đồng nhưng được khấu trừ hơn 3,2 tỷ đồng các bị cáo trong vụ án đã tự nguyện bồi thường. Trong đó, bà Nhàn phải chịu trách nhiệm bồi thường 2/3, số còn lại bà Nga và ông Hà phải liên đới bồi thường.
Trong ba ngày xét hỏi, đứng đầu nhóm cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, cựu bí thư Tỉnh ủy Thành và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thái đều thừa nhận hành vi nhận từ AIC 14,5 tỷ đồng mỗi người.
Ông Thành nói nhận thức AIC là công ty lớn và uy tín, nhiều quan hệ cấp cao nên nhắc nhở các lãnh đạo sở ban ngành "tạo điều kiện" trên tinh thần chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, không có ý "ưu ái đặc biệt".
Ông Thái khai tiền nhận hối lộ hầu hết làm từ thiện, trong khi ông Thành đã đưa cho vợ đóng tiền cho con du học tại Mỹ.
Là người duy nhất trong nhóm 11 cán bộ tỉnh Đồng Nai bị truy tố hai tội danh, ông Vũ xin HĐXX "minh xét" khi nhiều người cũng nhận tiền như ông nhưng chỉ bị xét xử một tội. Cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chỉ thừa nhận 2 trong 7 cáo buộc, cho rằng chỉ tiếp nhận ý chí, chỉ đạo từ ông Thái, ông Thành tạo điều kiện cho AIC. Qua đó, Vũ nhận 14,8 tỷ đồng từ AIC, song bị cáo cho rằng đó "chỉ là quà cảm ơn".
Tổng giám đốc Công ty Mediconsult, bị cáo Nguyễn Thị Dung, khai nhận dự án tư vấn thiết bị y tế của bệnh viện Đồng Nai qua bà Nhàn AIC, như hình thức "gán nợ" do trước đó AIC nợ tiền Mediconsult. Bà Dung tâm niệm làm hết mình, nhưng "cấp dưới bị điều khiển, đi quá giới hạn của một chuyên gia tư vấn, dẫn đến sai phạm".
Trong 8 công ty "quân xanh", hai người bị xác định bỏ trốn ra nước ngoài, gồm Nguyễn Đăng Thuyết (Tổng giám đốc Công ty Thành An Hà Nội) và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên). Trong những ngày xét xử, hai bị cáo gửi luật sư và người nhà đơn trình bày về việc không bỏ trốn, chỉ sang Mỹ chữa bệnh và chăm sóc người nhà. Hai bị cáo chấp nhận xét xử vắng mặt và phán quyết của Tòa.
Phiên tòa đang tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.
Phạm Dự - Thanh Lam