Bà Dung, 68 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Mediconsult Việt Nam, là một trong 36 bị cáo tại đại án xảy ra ở AIC.
Trước bục khai báo, sáng 22/12, bà Dung tỏ ra bình tĩnh, nói "thưa HĐXX, bị cáo đã sẵn sàng", mời đặt câu hỏi. Bà cho rằng tội danh truy tố Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là đúng, nhưng "hơi nặng".
Trình bày về mối quan hệ với Tổng giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn), bà Dung cho hay, Mediconsult thành lập năm 2001, có ba ngành nghề: làm nghiên cứu, báo cáo phát triển, lập dự án; thiết kế bệnh viện và tư vấn đấu thầu mua sắm.
Khoảng năm 2007, bà Nhàn dẫn một đoàn nhân viên đến thăm. "Chị ấy bảo nghe nói Mediconsult là công ty tư vấn rất lớn, muốn nhờ viết một số đề xuất phát triển dự án. Công ty sau đó viết 4 cái cho chị Nhàn", bị cáo Dung khai.
Bà Nhàn cũng hứa hẹn, khi nào có tiền từ dự án sẽ trả "nhưng thực chất chị ấy không trả một xu nào trong 4 nghiên cứu đó". Sau 3 năm không đòi được tiền, bà Dung nói đã tự đến AIC và được bà Nhàn hứa hẹn "cứ đi về đi, sẽ giới thiệu cho một dự án".
Hai người sau đó không liên hệ gì.
Khoảng năm 2013, bà Dung bỗng nhận được cuộc gọi của bị cáo Phan Huy Anh Vũ, khi đó là Giám đốc bệnh viện Đồng Nai. Trong cuộc gọi này, ông Vũ nói qua giới thiệu của bà Nhàn AIC nên muốn mời bà Dung và đoàn chuyên gia Mediconsult vào Đồng Nai đánh giá năng lực và làm tư vấn cho dự án bệnh viện mới.
Nhận thấy việc xây mới Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là dự án quan trọng, quy mô lớn nhất nhì phía Nam, đánh giá ông Vũ là người "vô cùng cẩn thận, khó tính", Dung cho hay đã chỉ đạo cấp dưới "làm mọi cách hài lòng chủ đầu tư".
Người được giao "trọng trách" này là bị cáo Vũ Quang Ngọc, cấp phó của bà Dung, khi này lúc vẫn còn là Trưởng phòng Vật tư thiết bị. "Bị cáo dặn anh Ngọc phải chọn thiết bị xuất phát từ nước G7 và đảm bảo kỹ thuật chuyên môn; "vật lộn đủ cách", làm việc trong thời gian rất dài để ra được danh mục thiết bị cụ thể", bà Dung khai.
Theo bị cáo này, nhóm kỹ thuật do Ngọc đứng đầu đã có công trong việc tư vấn, giúp bệnh viện tiết kiệm rất nhiều chi phí. Biết tỉnh Đồng Nai khi đó đã phê duyệt gói 754 tỷ đồng mua thiết bị, nhưng Mediconsult đưa ra danh mục chỉ tốn 609 tỷ đồng vì nhiều máy ở bệnh viện cũ còn tốt".
Nhưng theo kết quả điều tra, bà Dung và Ngọc bị cáo buộc thông đồng, tạo điều kiện cho AIC nắm bắt trước cấu hình, thông số kỹ thuật để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, "tạo lợi thế" để AIC trúng 14 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 140 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sáng nay, bà Dung phủ nhận điều này, nói chưa bao giờ gọi cho nhân viên nào của AIC, cũng chưa có người nào của AIC gọi cho mình. "Bị cáo biết AIC có tham gia vào dự án nhưng còn bảo anh Vũ là 'kệ họ, cứ làm chặt chẽ, án tại hồ sơ'".
Còn bị cáo Vũ Quang Ngọc thừa nhận, sau khi được Dung giao nhiệm vụ đã tham gia một số cuộc họp đề xuất cấu hình thiết bị, trong đó mời đại diện nhiều hãng đến thuyết trình, trên cơ sở đó bệnh viện sẽ lựa chọn.
"AIC được chủ đầu tư xác định là nhà cung cấp. Thông số kỹ thuật các thiết bị do AIC đưa ra và sau này được sử dụng để xây dựng làm hồ sơ mời thầu", bị cáo Ngọc cho hay.
Bà Dung sau đó thừa nhận là tổng giám đốc nên không xem xét những cái quá nhỏ hơn nữa lĩnh vực này "không biết".
"Nhàn giới thiệu bị cáo vào làm tư vấn kỹ thuật mà bị cáo nói không có hiểu biết thì có hợp lý không?", chủ tọa Mai Văn Quang chất vấn. Bà Dung thề thốt: "Bị cáo khai báo rất thật thà"
Khi biết truy tố, bà Dung nói "rất sốc", thấy đã sai khi thiếu giám sát nhân viên trong quá trình làm việc tại dự án. Một nguyên nhân khác là thời điểm đó, năm 2013, Luật Đấu thầu mới đưa vào áp dụng nên bà "thiếu nhận thức pháp lý, hiểu biết hạn chế".
"Bị cáo chỉ giáo dục nhân viên cố gắng làm hài lòng chủ đầu tư mà không quản lý nhân viên trong quá trình giao tiếp, để họ bị điều khiển quá giới hạn nhiệm vụ của một người tư vấn", bà khóc khi trình bày.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Thanh Lam - Phạm Dự