Theo Guardian, Gone with the Wind chiếu lại vào ngày 25/6, nội dung không thay đổi nhưng kèm bốn phút giải thích việc tác phẩm "phủ nhận nỗi kinh hoàng của chế độ nô lệ".
Ở phần này, nhà nghiên cứu phim Jacqueline Stewart bàn những ẩn ý về chủng tộc trong tác phẩm kinh điển. Theo bà, phim tôn vinh vẻ đẹp miền Nam nước Mỹ trước thời nội chiến mà bỏ quên nỗi đau của các nô lệ. Những người Mỹ gốc Phi xuất hiện rập khuôn trong vai trò người hầu: lạc lõng và trung thành với những người chủ da trắng.
Đại diện HBO cho biết: "Cách phim mô tả sự phân biệt chủng tộc là sai trái vào thời điểm phim ra mắt lẫn ngày nay. Chúng tôi nghĩ sẽ thật thiếu trách nhiệm nếu giữ tác phẩm mà không giải thích và chỉ trích lối khắc họa trong phim".
Ngày 9/6, Gone with the Wind rời nền tảng trực tuyến của hãng này, sau khi một số người chỉ trích phim có một số tình tiết, quan điểm thể hiện sự phân biệt chủng tộc. Trên Los Angeles Times, John Ridley, biên kịch đoạt giải Oscar với phim 12 Years a Slave, nhận định: "Bộ phim không chỉ thất bại về tính đại diện (tức các chủng tộc, sắc tộc, giới tính được khắc họa ngang hàng nhau). Nó còn là một tác phẩm tôn vinh chế độ nô lệ, phớt lờ sự tàn ác và gieo rắc những định kiến đau lòng về người da màu". Nhiều người tán đồng quan điểm này, như diễn viên Queen Latifah, và yêu cầu ngừng chiếu tác phẩm.
Gone with the Wind của đạo diễn Victor Flemming lấy bối cảnh cuộc nội chiến Mỹ năm 1861. Tác phẩm đoạt tám giải Oscar, trong đó có giải Phim xuất sắc và được Thư viện Quốc hội Mỹ bảo quản bởi mức độ quan trọng về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Nhưng hơn 80 năm qua, phim nhiều lần nhận ý kiến trái chiều về nội dung. Gần đây, cuộc tranh luận được xới lại khi nhiều người Mỹ biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd.
Ân Nguyễn