Theo Independent, Gone with the Wind bị loại khỏi nền tảng phim trực tuyến này từ ngày 9/6 do có một số tình tiết, quan điểm thể hiện sự phân biệt chủng tộc. Đại diện HBO Max cho biết: "Đó là phim thời xưa với nhiều khắc họa về sắc tộc không may đã ăn sâu vào xã hội Mỹ. Những khắc họa đầy sự kỳ thị này là sai trái, dù trong quá khứ hay ở hiện tại. Chúng tôi nghĩ sẽ thật vô trách nhiệm nếu tiếp tục chiếu phim mà không có một lời giải thích hay đính chính với khán giả".
HBO Max cho biết sẽ chiếu lại tác phẩm sau một vài ngày nữa. Bản phim mới sẽ đi kèm với những câu khuyến cáo về bối cảnh lịch sử của phim, cũng như những phê bình về sự khắc họa sắc tộc mà khán giả sắp xem. Tuy nhiên, đơn vị sẽ không chỉnh sửa bản phim gốc, bởi hành động đó giống như phớt lờ những vấn nạn từng xảy ra trong xã hội. "Chỉ có thể hướng tới một tương lai bao dung nếu chúng ta chấp nhận và hiểu lịch sử của chính mình", họ giải thích.
Gần đây, Gone with the Wind nhận sự phê bình từ John Ridley, biên kịch đoạt giải Oscar với phim 12 Years a Slave. "Bộ phim không chỉ thất bại về tính đại diện (tức các chủng tộc, sắc tộc, giới tính được khắc họa ngang hàng nhau). Nó còn là một tác phẩm tôn vinh chế độ nô lệ, phớt lờ đi sự tàn ác và gieo rắc những định kiến đau lòng về người da màu". Ông kêu gọi ngừng chiếu bộ phim trên nền tảng trực tuyến bởi những định kiến lỗi thời về sắc tộc.
Nhiều nhà phê bình khác cũng cho rằng Gone with the Wind là một tác phẩm làm nhẹ sự sai trái của chế độ nô lệ ở Mỹ thế kỷ 19. Trong phim, các nhân vật da trắng được mô tả là tao nhã, còn người Mỹ gốc Phi thường là người hầu, sống phụ thuộc, không có tính cách độc lập. Các nhân vật này cũng ca ngợi việc họ đang phục vụ cho những người chủ da trắng, giữ quan điểm "tô hồng" cuộc sống miền Nam nước Mỹ lúc bấy giờ.
Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió) của đạo diễn Victor Flemming là tác phẩm lấy bối cảnh cuộc nội chiến Mỹ năm 1861. Phim đoạt tám giải Oscar, trong đó có giải Phim xuất sắc và được Thư viện Quốc hội Mỹ bảo quản bởi mức độ quan trọng về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Tác phẩm bị gỡ khỏi HBO Max giữa lúc làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd.
Luân Nguyễn (theo Independent, Variety)