Triều Tiên là xã hội nam quyền nhưng phụ nữ lại là lực lượng kiếm tiền chính khi nền kinh tế thị trường phi chính thức bắt đầu hình thành. Theo nghiên cứu của Viện thống nhất quốc gia của chính phủ Hàn Quốc, phụ nữ Triều Tiên kiếm hơn 70% thu nhập của gia đình. Họ phần lớn là những người buôn bán tại các khu chợ phi chính thức nở rộ trong nhiều năm gần đây.
Theo Reuters, hầu hết nam giới Triều Tiên làm công việc chỉ được trả một khoản tiền lương ít ỏi trong cơ quan nhà nước, hoặc phục vụ trong quân ngũ. "Chúng tôi, những người Triều Tiên, nói rằng đàn ông đang chiến đấu trên mặt trận xã hội chủ nghĩa còn phụ nữ chật vật trên mặt trận cuộc sống", nữ sinh họ Jung, 26 tuổi, hiện ở thành phố Seoul, cho biết.
Jung bỏ trốn tới Hàn Quốc vào năm 2012 và thường xuyên gửi tiền về cho gia đình. Khoản tiền của Jung giúp mẹ cô nuôi lợn và bán rượu ngô. Jung không dám công khai tên đầy đủ vì muốn bảo vệ người thân hiện vẫn ở Triều Tiên. "Cha tôi làm việc cho cơ quan nhà nước mà không được trả lương. Ông phải làm việc vì trách nhiệm", Jung cho hay.
Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Triều Tiên vẫn chưa phục hồi từ sau sự sụp đổ của liên bang Xô Viết, vốn hỗ trợ về quân sự và kinh tế cho Bình Nhưỡng suốt Chiến tranh Lạnh. Kéo theo đó, nạn đói những năm 1990 cướp đi sinh mạng của ước tính từ 800.000 đến 1,5 triệu người. Khi ấy, phụ nữ ở đây phải đi bán các loại nấm dành cho gia súc ăn và dây cáp lõi đồng bỏ đi để nuôi sống gia đình.
Ngày càng có nhiều người Triều Tiên chuyển sang nền kinh tế phi chính thức để trợ giúp gia đình. Phụ nữ đang đóng vai trò tích cực trong quá trình này. Đàn ông chiếm ưu thế trong chính phủ và quân đội ở quốc gia với 24,5 triệu dân. Số ít phụ nữ có địa vị xã hội ở Bình Nhưỡng đều là người thân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, như người em gái Kim Yo Jong và cô ruột Kim Kyong Hui.
Nền kinh tế được gọi là kinh tế thị trường "xám" vẫn được tồn tại với các quan chức tham nhũng nằm trong thành phần tham gia chính trường. Những người buôn bán, lập các quầy hàng ở một số trong khoảng 400 khu chợ, được cho là phải trả tiền bảo kê cho các quan chức.
Các ông chồng bất tài
Cuộc khảo sát của tổ chức vì nhân quyền Triều Tiên tiến hành với 60 phụ nữ rời khỏi quốc gia nghèo khó này năm 2011 và 2012 cho thấy nhiều người kiếm được khoảng 50.000 - 150.000 KPW (đơn vị tiền tệ Triều Tiên, tương đương 380 - 1.150 USD) hàng tháng theo tỉ giá chợ đen hiện thời. Trong khi đó, những người làm công ăn lương chỉ được trả khoản tiền ít ỏi 2.000 - 6.000 KPW (15 - 46 USD), theo số liệu của Daily NK.
"Nếu muốn sống nhàn hạ hơn ở đây, bạn nên bán đồ lặt vặt ở chợ; cưới một người chuyên ăn hối lộ hay nhận tiền bảo kê từ các bà bán hàng trong chợ; hoặc làm việc cho doanh nghiệp nhà nước", Kim Min-jung, một người Triều Tiên tị nạn ở Hàn Quốc và hiện điều hành dịch vụ mai mối cho 1.500 phụ nữ lưu vong, tiết lộ.
Kim cho hay phụ nữ Triều Tiên phàn nàn rằng nam giới ở đây giống như "đèn điện bị ngắt phích cắm cả ngày".
"Điều đó chỉ ra rằng nam giới vô dụng thế nào trong việc kiếm tiền nuôi sống gia đình", Kim nói.
Theo các chuyên gia, những phụ nữ nắm tài chính đang ngày càng có xu hướng muốn ly hôn vì chồng không kiếm ra tiền. Trong những năm gần đây, phần lớn những người rời bỏ Triều Tiên để tới Hàn Quốc là phụ nữ. Không bị trói buộc với nơi làm việc, họ thường có nhiều tự do di chuyển hơn.
Việc phái yếu nắm giữ nền kinh tế đường phố của Triều Tiên đang thay đổi văn hóa gia trưởng, vốn luôn xem phụ nữ lý tưởng phải là người vợ ở nhà để chu toàn cho gia đình.
"Chất lượng cuộc sống ở Triều Tiên phụ thuộc vào khả năng và kỹ năng kinh doanh của phụ nữ, không phải nhà nước. Phụ nữ đang thay thế vai trò của nhà nước qua nền kinh thế thị trường", Kim Eun-ju, người đứng đầu trung tâm chính trị và phụ nữ Hàn Quốc ở Seoul, cho biết. Chuyên gia này thường xuyên có các cuộc phỏng vấn với người tị nạn Triều Tiên. "Hiện giờ, nam giới thậm chí còn muốn tìm hiểu vợ tương lai ở chợ", bà Kim nói.
Bình Minh (theo Reuters)