Kim Dong-shik được chọn làm điệp viên khi còn ngồi trên ghế trung học. Ông được cử đi học đại học chuyên ngành trong 4 năm, và được đào tạo nhiều kỹ năng như võ thuật, lặn biển, bắn súng và cài thuốc nổ. Nhiều năm sau khi được huấn luyện thành thục, ông mới được tiết lộ lý do mình được chọn.
"Khi được thông báo mình sắp trở thành điệp viên, tôi cảm thấy choáng váng," Kim chia sẻ với CNN hôm nay. "Từng có rất nhiều chuyện xảy ra với điệp viên. Nhiều người bị cử sang Hàn Quốc đã bỏ mạng, do đó, tôi cho rằng mình rồi cũng sẽ chết."
Theo Kim, ngoài huấn luyện kỹ năng, chuẩn bị tâm lý mới là khâu quan trọng nhất. Chúng tôi được dạy phải sẵn sàng chết cho chế độ, và một khi bị bắt, phải đảm bảo không bị bắt sống, ông nói.
Kim bị một sĩ quan Hàn Quốc bắn trọng thương năm 1995, khi đang làm nhiệm vụ ở Seoul. Do đó, ông không thể tự tử. Ông cho biết gia đình mình ở Triều Tiên đã bị xử tử, hình phạt dành cho ông vì không tự kết liễu số phận mình. Tuy nhiên, CNN không thể xác minh tuyên bố của Kim.
Nhiệm vụ đầu tiên của Kim là đến Hàn Quốc năm 1990, đưa về một điệp viên tay trong cao cấp có tên Lee đã làm việc tại đó một thời gian. Nhiệm vụ thứ hai là cố gắng tuyển dụng những người chống chính phủ Hàn Quốc, có tâm tư luôn hướng về Triều Tiên.
Thời đó ông liên lạc với trụ sở thông qua một kênh radio sóng ngắn. Đây là chương trình phát thanh nửa đêm của Bình Nhưỡng, ẩn chứa đoạn mã báo cho Kim biết nhiệm vụ tiếp theo. Tuy nhiên, Kim cho rằng, cách thức liên lạc ngày nay có thể tinh tế hơn nhiều.
Chiêu mộ
Kang Myong-do, cựu quan chức Triều Tiên, cho biết điệp viên nước này đang hoạt động khắp nơi trên thế giới, kể cả Mỹ, nơi ông ước tính có hàng trăm người. Một trong những mục đích chính của họ là thử chiêu mộ người Mỹ gốc Hàn có xu hướng thân Triều Tiên.
"Họ sử dụng ba chiến thuật khác nhau," ông nói. "Đầu tiên, cung cấp cho họ thị thực tự do đến Triều Tiên. Thứ hai, cho họ quyền kinh doanh và kiếm tiền ở đó. Thứ ba, dùng phụ nữ để lôi kéo. Chiến thuật này được sử dụng rộng rãi từ những năm 80."
Kang cho biết ông từng làm việc ở Ủy ban Thống nhất năm 1984. Một trong những nhiệm vụ của bộ phận này là gửi gián điệp đến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo Kang, ủy ban này vẫn tồn tại và điệp viên cùng trí tuệ của họ đóng vai trò lớn trong việc duy trì chế độ.
Đồng tình với Kang, Kim Dong-shik cũng cho rằng, "Triều Tiên đối xử với họ rất tốt. Điệp viên được đối xử ngang hàng với tướng lĩnh quân đội, bằng cấp hai bên cũng tương tự nhau. Do đó, công bằng mà nói, Triều Tiên rất coi trọng điệp viên."
Hồng Hạnh