Virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 đã hoành hành trên hành tinh của chúng ta tính đến nay đã được hơn 17 tháng. Ngoài những cơ hội cho môi trường như tôi đã phân tích trong bài Covid-19 - 'thách thức và cơ hội chỉnh sửa thế giới', virus SARS-CoV-2 quái ác này cũng đã làm cho hơn 3,7 triệu người lìa trần, cuộc sống của hàng tỷ người còn lại phải khốn đốn, khổ sở.
Bằng logic toán học, tôi xin đưa ra xu hướng của đại dịch trong những tháng sắp tới. Qua đó mạn phép dự đoán khi nào cuộc sống chúng ta sẽ trở lại bình thường như trước đại dịch.
Đầu tiên, chúng ta hãy xem xu hướng đồ thị của hai quốc gia điển hình nhất, nơi có những biến thể nguy hiểm của virus, cũng như đại diện cho xu hướng của hai vùng lãnh thổ là Anh (đại diện cho xu hướng ở châu Âu và Bắc Mỹ) và Ấn Độ (đại diện cho xu hướng ở châu Á). Từ đó, cần tìm ra xu hướng dịch toàn thế giới sẽ như thế nào trong tương lai. Đây là đồ thị mô tả số lượng ca bệnh mỗi ngày (trung bình 7 ngày) ở Anh từ trước đến nay.
Hãy quan sát đỉnh dịch thứ hai khi biến thể Alpha của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở nước này. Độ dốc của đồ thị bắt đầu tăng tốc vào ngày 5/12/2020 và cần tầm 35 ngày để lên đỉnh vào ngày 10/1/2021. Nó cũng chỉ cần 32 ngày (12/2/2021) để leo xuống bằng với mốc 14,500 ca như ngày 5/12 mà thôi. Bắt đầu từ ngày 12/2, độ dốc của đồ thị bắt đầu dài ra, nó cần 60 ngày (đến ngày 12/4) để về con số không đáng kể (1.500 ca) như hiện nay. Với con số 1.500 ca mỗi ngày và gần 60% dân số đã tiêm vaccine như hiện nay, nước Anh đang xem xét bình thường hóa cuộc sống như trước đại dịch.
Bây giờ thì đến đồ thị số ca bệnh trung bình hằng ngày ở Ấn Độ (nơi phát hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2):
Xu hướng đỉnh dịch thứ hai ở Ấn Độ có xu hướng khá giống với Anh. Ttừ đỉnh dịch vào ngày 8/5, đến ngày 5/6 thì đồ thị có độ dốc giống như từ 11/4/2021 đến 8/5/2021. Theo như chúng tôi dự đoán thì giống như ở Anh, Ấn Độ cần 35 ngày (tính từ ngày đỉnh dịch 8/5/2021) để trung bình các ca bệnh trong vòng 7 ngày về mức 70.000 ca, tức là ngày 12/6/2021, và cần 2 tháng (12/8/2021) để đồ thị lài ra và số ca bệnh lúc đó chỉ còn 10.000 ca mỗi ngày.
Xét xu hướng trên lãnh thổ rộng lớn hơn, chúng ta có thể thấy xu hướng dịch ở châu Á khá giống với Ấn Độ, bởi Ấn Độ chiếm đến 65% trung bình số ca ở châu Á trong thời gian dài.
Nếu dự đoán, số ca mắc mới ở Ấn Độ vào khoảng 10.000 ca mỗi ngày vào 12/8/2021 thì số ca ở châu Á lúc đó sẽ vào khoảng 40.000 ca. Các châu lục khác cũng ổn, ngoại trừ Nam Mỹ. Chúng tôi không biết điều gì đang đến với Nam Mỹ, bởi xu hướng ca bệnh của châu lục này đang tăng trong 3 tháng vừa qua. Các nhà khoa học khi nghiên cứu về biến thế Alpha (xuất hiện ở Anh) và Delta (xuất hiện ở Ấn Độ) đều dự đoán các biến thể của virus âm thầm xuất hiện trước khi số ca mắc tăng tốc vào khoảng 2-3 tháng. Do đó, tôi lo sợ một biến thể mới nào đó đang xuất hiện ở Nam Mỹ hay chăng?
Nếu xu hướng ở Nam Mỹ ổn định (do họ tiêm vaccine cũng nhanh) thì có thể dự đoán khi đó (ngày 12/8/2021), thế giới sẽ chứng kiến khoảng 80.000 ca mắc mới mỗi ngày (tương đương với con số mắc mới vào đầu tháng 5/2020).
Dựa vào biểu đồ tiêm vaccine ở các nước Anh, Mỹ, Đức, Pháp thì chúng ta có thể thấy chỉ cần 30% người dân được tiêm vaccine thì các quốc gia bắt đầu tự tin rục rịch mở cửa. Ví dụ như Pháp, ngày 19/5/2021 (khi đạt được 32% dân số tiêm vaccine) thì họ bắt đầu tính đến mở cửa biên giới cho những người đã tiêm vaccine.
Vậy, để dự đoán khi nào cuộc sống bình thường sẽ trở lại, chúng ta có thể xét đến số lượng ca bệnh mỗi ngày ở mức chấp nhận được không quá tải hạ tầng y tế và khi nào 30% dân chúng toàn thế giới có thể tiếp cận được vaccine.
Như chúng ta đã biết, đến ngày 5/6/2021, đã có 1 tỷ 700 triệu người được tiêm trên toàn thế giới (chiếm 13,7% dân số). Với trung bình 420 triệu liều mỗi tháng, chúng tôi ước đoán đến ngày 12/8/2021, toàn thế giới có thể tiêm chủng cho gần 1 tỷ người nữa, tổng cộng 2 tỷ 700 triệu người được tiêm, chiếm 30% dân số toàn thế giới.
Hãy xem một yếu tố nữa: đại dịch lịch sử SARS 2003-04. Đại dịch SARS 2003-04 đã diễn ra từ tháng 11/2002 đến tháng 5/2004, tổng cộng 19 tháng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dự đoán là virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ biến mất như SARS 2003-04 mà nó sẽ trở thành một dạng virus cúm mùa, do vậy chúng ta cũng chỉ dự đoán khi nào cuộc sống bình thường mới "sống chung với virus" mà thôi.
Cũng trùng hợp như SARS, đại dịch Covid-19 bắt đầu từ 31/12/2019, và đến ngày 12/8/2021 là 19 tháng rưỡi. Từ những dữ kiện trên, tôi xin dự đoán cả thế giới sẽ rục rịch mở cửa sống chung với virus SARS-CoV-2 từ giữa tháng 8/2021.
Nhưng chúng ta đừng vội mừng, các bạn thấy đó, con virus này không tầm thường. Khi Trung Quốc ăn thịt động vật hoang dã, nó xuất hiện ở Trung Quốc. Khi chúng ta đang chuẩn bị hội hè ở Lễ Phục sinh ở châu Âu năm 2020, ăn Tết 2021 ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, hay tổ chức Olympic ở Nhật, nó lại xuất hiện nguy hiểm khiến chúng ta phải phong tỏa, giãn cách.
Khi Anh cổ vũ miễn dịch cộng đồng, nó quậy Anh. Khi Mỹ, Brazil khinh thường độc lực của nó, nó đưa tên 2 nước đó lên bảng vàng virus. Khi chúng ta trông chờ vào vaccine để diệt nó, nó tăng tốc ở công xưởng vaccine Ấn Độ.
Dự đoán là vậy, nhưng cho dù có đúng là mở cửa sống chung với virus như thế nào đi nữa, chúng tôi mong loài người hãy sống có trách nhiệm, không những với virus, mà còn có trách nhiệm với môi trường sống của muôn loài để tránh một sự trừng phạt của "mẹ thiên nhiên" như đại dịch lần này một lần nữa.
Lê Khắc Bá Tùng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.