Sáng nay tôi ghé quán hủ tíu ở quận 2 cũ (TP Thủ Đức, TP HCM) để ăn sáng trước giờ đi làm như thường lệ. Cô chủ quán bảo: "Bữa nay chỉ bán mang đi, người ta không cho khách ngồi ăn tại chỗ nữa". Bình thường giờ này, quán của cô đã nhộn nhịp khách.
Nhìn lên kệ hàng, tôi thấy hôm nay cũng ít thịt và bánh hủ tíu hơn. Tôi biết mặt bằng này cũng là nhà của cô luôn. Nếu đóng cửa hẳn để phòng dịch thì chắc cũng không sao. Ít nhất là đỡ hơn hàng nghìn người kinh doanh đang thuê mặt bằng khác ở thành phố.
TP HCM vừa ghi nhận thêm hàng chục ca nghi nhiễm, liên quan đến giáo phái Phục Hưng ở quận Gò Vấp. Đây được nhận định là ổ dịch nghiêm trọng trong đợt này. Như vậy để có thể phòng chống dịch nghiêm chỉnh thì tương lai tới rất có thể cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuần tra, xử phạt các quán ăn, quán nhậu tụ tập đông khách. Tối qua 26/5, một quán nhậu ở quận Bình Thạnh có hàng chục khách ăn uống - vi phạm quy định phòng dịch, bị cơ quan chức năng lập biên bản phạt 30 triệu đồng.
Nhiều người có thể chỉ trích khách là đang trong mùa dịch nguy hiểm, vậy mà còn ra quán nhậu, hoặc không mua về nhà mà nhậu. Nhưng đó chỉ là số ít. Thật ra tôi thấy khoảng một tuần gần đây, các hàng quán đã giảm lượng khách rất nhiều rồi. Hàng quán ế ẩm, chủ quán nào mặt cũng buồn so. Có một vấn đề nhiều người đặt ra là: Cần có quy định cụ thể về việc giãn cách vì dịch, để người kinh doanh có cớ năn nỉ chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng. Thà cấm thì cấm hẳn, chứ bán mang về hoặc phục vụ 20 người thì rất khó.
Nhưng tôi nghĩ rằng, dù sao dịch cũng đã tồn tại gần hai năm rồi. Ai nấy cũng có khó khăn riêng. Nhưng người cho mặt bằng nếu có thể hãy giảm tiền, hoặc nới thời gian đóng tiền cho khách hàng thuê. Làm như thế vừa có tình, có nghĩa. Vừa dưỡng sức cho người đi thuê trong thời điểm khó khăn. Vì đằng sau họ là rất nhiều nhân viên cũng cần tiền ít ỏi để sinh sống.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.