Tôi thấy rất vui khi đọc những tin tức về việc Việt Nam xúc tiến đàm phán mua, nhận vaccine Covid-19. Tiêm chủng có thể chưa phải là cách hoàn hảo nhưng là cách nhanh nhất để giúp nhân loại thoát khỏi bệnh dịch. Các biện pháp "đuổi theo" Covid-19 sẽ còn mất nhiều công sức, tiền bạc một khi chiến dịch tiêm chủng chưa hoàn thành.
Tuy nhiên, khi đọc một số bài gần đây về việc đẩy nhanh tiến độ mua vaccine Pfizer, tôi đọc thấy rất nhiều ý kiến đang có xu hướng "nâng cao" vaccine này và "dìm" loại khác. Có nhiều ngươi khẳng định dù có tốn tiền hơn, có phải bỏ tiền túi cao hơn cũng sẽ chỉ tiêm vaccine, được cho là, "xịn" cho bản thân và gia đình.
Quan điểm này rất có hại, vì sao?
Thứ nhất, hiệu quả của các loại vaccine là tương đương và chênh lệch không nhiều trong việc tạo ra kháng thể. Đó là nhiệm vụ quan trọng nhất của vaccine. Còn về an toàn, thì loại nào cũng có rủi ro nhất định, kể các các vaccine chúng ta tiêm từ hồi được sinh ra đến giờ. Vì thế, điều phải làm là tiêm vaccine càng nhanh, rộng càng tốt chứ không phải tiêm loại nào cho "cao cấp" hơn.
>> Lối chơi của Việt Nam và Đức trong 'trận bóng' Covid-19
Thứ hai, một chiến dịch tiêm chủng chỉ có thể thành công khi nó phủ ít nhất 70% người trưởng thành. Để có được con số này, các quốc gia, kể cả giàu có thừa thãi vaccine, hệ thống y tế mạnh và rộng cũng phải dốc sức lực rất nhiều chứ không phải chuyện dễ như cái búng tay. Việc tạo một thứ "rào chắn" trong suy nghĩ của mọi người về vaccine này xịn hơn, vaccine kia dỏm hơn sẽ như một thứ phanh kìm hãm tốc độ tiêm chủng. Nhiều người sẽ băn khoăn vì lựa chọn, cân nhắc, chỉ chịu cái này không chịu cái kia, nếu không có cái mình muốn sẽ nhất quyết không tiêm.
Hoặc trong tình huống lô này về kịp, lô kia chưa về thì muốn chờ đợi thêm để được tiêm "hàng xịn" cho dù các bác sỹ khuyên răn. Hay một tỉnh nào đó điều kiện kho lạnh chưa đủ để bảo quản "hàng xịn" thì cũng nhất quyết đi tỉnh khác để tiêm. Tất cả các tình huống trên đều có thể xảy ra nếu trong duy nghĩ mọi người còn sự phân biệt vaccine.
Thứ ba, tôi rất hiểu một tâm lý cực kỳ phổ biến của người Việt, đó là cảm giác tự ti, tự ái và dễ tổn thương. Điều này có liên quan gì đến tiêm vaccine? Việc phân biệt vaccine sẽ khiến cho những ai chưa thể tiếp cận vaccine "được cho là xịn", cho dù lý do là tài chính hoặc lý do khách quan khác như tốc độ giao nhận sản xuất, điều kiện bảo quản, cảm thấy mình thấp kém hơn.
Đây là suy nghĩ rất sai lầm và sẽ khiến tốc độ tiêm càng trì trệ. Ở châu Âu, các nước đều tiêm vaccine rất đa dạng. Bất kỳ vaccine nào được cơ quan chức năng EU thông qua đều được đưa vào tiêm chủng. Người dân cũng được quán triệt tư tưởng "có gì tiêm nấy" và tiêm nhanh nhất có thể. Không ai ngồi bàn luận hay băn khoăn cái nào là đồ xịn hay đồ dỏm.
>> Dịch nCoV - nên để bà hay cháu đi chợ?
Vì vậy tôi mong rằng sắp tới, khi chiến dịch tiêm chủng ở Việt Nam mở rộng, chúng ta sẽ tiến hành nhanh, mạnh và không phân biệt các loại vaccine, miễn là nó được chính phủ chấp thuận. Việc này không những có lợi cho bản thân và gia đình chúng ta, mà còn giúp cho toàn bộ 90 triệu dân được tiêm nhanh nhất và tránh những thứ "rào cản" vô hình trong suy nghĩ của mọi người về vaccine. Nếu không, con đường thoát khỏi Covid-19 còn rất xa vời.
Hoàng Nhiên
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.