Shimada gần như đã có mặt trên truyền hình Nhật Bản vào khung giờ vàng trong hơn hai thập kỷ. Cho đến khi giã từ sự nghiệp, Shimada đã xuất hiện không dưới năm chương trình truyền hình mỗi tuần. Người Nhật mở tivi là thấy Shimada, tới 48 giờ mỗi tháng.
Người đàn ông này từng có 32 năm là thành viên của Yamaguchi-gumi, băng đảng xã hội đen lớn nhất Nhật Bản.
Yakuza là thuật ngữ chung để chỉ các nhóm tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản, tương tự mafia. Tính đến năm 2011, nước này vẫn có 70.300 yakuza nhưng con số đã giảm xuống còn 25.900 vào năm 2020, theo Trung tâm Quốc gia Phòng chống tội phạm băng đảng.
Nó khác xa so với thời kỳ hoàng kim của những năm 1960, khi các băng nhóm có thành khắp cả nước, với hơn 184.000 thành viên.
Thời còn đánh đấm trong Yamaguchi-gumi, vũ khí ưa thích của ông là con dao, nhưng cũng mang theo súng để đề phòng. Satoru nói không thể nhớ đã nhận bao nhiêu án tù, chỉ biết rằng lâu nhất là 5 năm vì một vụ hành hung.
Tuy nhiên, đến năm 2005, ông vỡ mộng khi việc kiếm tiền ngày càng trở nên khó khăn hơn, còn các thành viên trẻ tuổi đang dần phớt lờ "truyền thống", thứ tạo nên tên tuổi của băng đảng.
"Năm 1972, khi tham gia giới xã hội đen, tôi bị thu hút vì cảm giác vinh dự và ý thức chiến đấu vì cộng đồng của chúng tôi. Nhưng với thành viên trẻ ngày nay, mọi thứ đã thay đổi. Chúng chém giết vô nghĩa", ông giải thích.
Khi con trai ông chủ bị bắn chết trong cuộc tranh chấp băng đảng, quân số sa sút đáng kể, Satoru thấy mình đã già, muốn rửa tay gác kiếm và sống chậm lại. "Tôi sẽ ra đi", ông tuyên bố ngay trước khi chuẩn bị được "thăng chức" trong băng nhóm.
Rời tổ chức, ông chịu hàng nghìn con mắt nhuốm màu nghi hoặc về sự không trung thành. Ngay đêm đầu tiên sau khi xách va ly rời đi, Satoru nghe thấy năm phát súng găm vào các cánh cửa trước nhà mình. Tiếng kính và đồ đạc vỡ tạo thành hiệu ứng chói tai đầy ám ảnh và ghê rợn. Từ đó, ông luôn ngủ với một thanh kiếm đặt ngay đầu giường.
Nhưng hóa ra, việc ra đi, là một quyết định sáng suốt. Sau đó, băng nhóm này tách ra thành các phe phái đối địch và đi vào cuộc chiến thảm khốc khắp các đường phố ở Kobe và Osaka. Keiichi Furukawa, một trong những người đứng đầu phe phái, đã bị đối thủ bắn 10 phát trên một con phố yên tĩnh vào một buổi tối tháng 11/2019.
Ông Satoru đã đi con đường khác. Ngay sau khi rời khỏi băng đảng, ông lập tổ chức phi chính phủ ở thành phố Hyogo để giúp đỡ những người có hoàn cảnh của mình thoát khỏi cuộc sống tội ác và bị xã hội tẩy chay.
Xã hội Nhật Bản vẫn cực kỳ cảnh giác với cựu thành viên băng đảng. Chỉ một số rất ít trong số họ có trình độ học vấn hoặc kỹ năng làm việc, vì vậy hầu hết đều chuyển sang làm xây dựng, lao động chân tay hoặc các công việc tương tự. Gojinkai, tổ chức phi chính phủ của ông Satoru, tập trung giúp đỡ những cựu thành viên băng đảng mới ra tù tìm một nơi để ở và một số công việc lương thiện.
"Tôi muốn giúp những người rời bỏ băng đảng nhưng không có nơi nào để đi để được hỗ trợ hoặc giúp đỡ," ông nói. "Một số người ra khỏi tù và không biết làm gì nên rất dễ quay lại con đường cũ". Ông Satoru tự ước tính, tổ chức của mình đã giúp khoảng 60 người từ bỏ lối sống yakuza.
Tháng 8/2011, ngôi sao giải trí kiêm người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng nhất Nhật Bản, Shinsuke Shimada phải lau nước mắt giã từ sự nghiệp khi đang trên thời kỳ đỉnh cao, vì bị phát hiện duy trì "tình bạn" với một thành viên khét tiếng của yakuza.
Trớ trêu thay, mối liên hệ của Shimada với tội phạm có tổ chức được đưa ra ánh sáng khi một loạt email gửi đến "thủ lĩnh" băng đảng Yamaguchi-gumi, bị rò rỉ với phương tiện truyền thông.
Sự việc bị phanh phui sau khi Shimada chọc giận một thành viên cấp cao khác của băng đảng này. Và để trả thù, gã yakuza này đã tung hê toàn bộ số tin nhắn và tài liệu về "tình bạn" của ngôi sao truyền hình với giới xã hội đen.
Ngày đó, việc "làm bạn" với một thành viên của một nhóm tội phạm có tổ chức không phải là bất hợp pháp theo luật Nhật Bản. Song trong nỗ lực trấn áp mới của chính phủ, mọi thứ đã thay đổi rõ rệt.
Một trong những điều luật mới nhất mà chính phủ Nhật Bản vừa thông qua là bất kỳ công ty nào thực hiện bất kỳ hình thức kinh doanh nào với thành viên băng đảng đều là bất hợp pháp. Một luật khác đã quy định việc một doanh nghiệp trả tiền bảo kê cho một băng nhóm là bất hợp pháp, làm mất đi nguồn thu nhập chính của các yakuza.
Điều này không khác gì chặt đứt vây cánh của băng đảng này. Ví dụ, các công ty bảo hiểm, không còn muốn, cũng không có thể bảo hiểm cho xe ôtô của xã hội đen.
Mùa hè năm nay, các nhà chức trách đã phát đi tín hiệu rõ ràng, rằng thời của các băng đảng yakuza hoạt động kinh doanh trong sự bảo kê của cảnh sát đã trở thành quá khứ.
Một tòa án ở thành phố Fukuoka, miền nam nước này, ngày 24/8 đã tuyên án tử hình Satoru Nomura, kẻ đứng đầu nhóm thế giới ngầm Kudo-kai, vì đã ra lệnh cho thuộc hạ thực hiện 4 vụ tấn công, trong đó có vụ bắn chết một cựu cảnh sát.
Đây là lần đầu tiên một thủ lĩnh yakuza bị tuyên án tử hình. Nomura, 75 tuổi, đã rất ngạc nhiên với phán quyết đến mức ông ta đe dọa từ bến tàu rằng thẩm phán sẽ "hối hận" về quyết định của mình.
Nhật Bản cũng đã thông qua các luật mới nhằm khiến yakuza khó kiếm sống bất lương hơn nhiều. Được trang bị những quyền lực mới, cảnh sát đang có những hành động cứng rắn đối với các nguồn thu nhập của yakuza từ cờ bạc, mại dâm, ma túy và bảo kê.
Ông Satoru cho biết, các điều này có thể không hoàn toàn khiến mọi thành viên băng đảng "quay đầu", nhưng nó sẽ tạo ra một chuỗi những điều bất tiện nhỏ, có thể khiến một số người nản lòng trên con đường phạm pháp.
Giáo sư Shinichi Ishizuka, Giám đốc trung tâm nghiên cứu tội phạm học tại Đại học Ryukoku ở Kyoto thì nhận định: "Các luật mới đã dần làm tê liệt các băng nhóm".
"Cách đây không lâu tôi có nghe một câu chuyện về một thành viên băng nhóm đi chơi golf. Phía tổ chức khoá học không cho phép anh ta chơi vì họ sợ sẽ bị truy tố vì tội lấy tiền từ một yakuza. Ở rất nhiều nhà hàng hay quán bar hiện nay cũng vậy", giáo sư Shinichi kể.
"Điều này, cùng với sự già đi của xã hội, cùng với sự thật là ngày càng ít nam thanh niên muốn gia nhập băng nhóm, tôi mong rằng các băng đảng yakuza, cuối cùng sẽ đến ngày tàn. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là sẽ không còn tội phạm nữa, mà chỉ là những nhóm có tổ chức như thế này, sẽ không còn nữa".
Hải Thư (Theo The Telegraph)