Khi lệnh cấm bia rượu đã chính thức có hiệu lực, người Mỹ biết rằng, chỉ một hơp bia, cũng có thể khiến họ phải ngồi tù. Nhà cầm quyền hy vọng chính sách lành mạnh này sẽ biến Mỹ thành một quốc gia "đáng kính", giảm tội phạm và tham nhũng; thúc đẩy nền kinh tế và cải thiện sức khỏe toàn dân.
Nhưng chỉ vài phút sau khi lệnh cấm được ban bố, 6 kẻ đột kích mang súng lục đã đánh cắp lượng whiskey trị giá 100.000 USD (1,3 triệu USD ngày nay), từ một chuyến tàu chở hàng ở Chicago. Ngay sau đó, kho hàng của chính phủ bị cướp 4 thùng rượu ngũ cốc và một xe tải whisky ngô.
Đây là những vụ án đầu tiên liên quan đến rượu, châm ngòi cho sự bùng nổ của các đường dây tội phạm toàn quốc, đến mức dư âm khốc liệt và đẫm máu còn đến ngày nay. Riêng ở New York, hơn 1.000 người bị sát hại trong các cuộc đụng độ giữa băng đảng ở thời kỳ đó.
Trên thực tế, các băng đảng đã sớm nhận ra cơ hội vàng do lệnh cấm rượu từ trước đó. Chúng âm thầm tích trữ trong nhiều tháng. Đến ngày luật có hiệu lực, chúng đã cung cấp rượu lậu cho hàng trăm nghìn quán bar. Các tay trùm thu nạp những người làm bia thất nghiệp do lệnh cấm, lái xe tải và nhân viên kho hàng, côn đồ đường phố để giết đối thủ cạnh tranh và hối lộ cảnh sát. Dưới đế chế của mafia rượu lậu thời đó, người Mỹ không bao giờ hết rượu, bất chấp lệnh cấm.
Một trong những trùm giang hồ đầu tiên xây dựng đế chế tội phạm khổng lồ từ lệnh cấm rượu là Arnold Rothstein. Hắn có tên trong danh sách những trùm giang hồ giàu có nhất trong lịch sử Mỹ, tài sản tích lũy từ rượu lậu được ước tính 10 triệu USD, tương đương 130 triệu USD ngày nay.
Nhưng tháng 11/1928, hắn được phát hiện nằm tại lối vào khách sạn Park Central ở Manhattan với vết thương do đạn bắt, chết ngay sau đó.
Bạn của Arnold, Charles 'Lucky' Luciano, thay chân ông ta điều hành băng đảng và đến năm 1925, đã thu về hơn 25 triệu USD mỗi năm. Luciano sau đó được biết đến như cha đẻ của tội phạm có tổ chức ở Mỹ sau khi thành lập National Crime Syndicate, mạng lưới các tổ chức tội phạm có chân rết trên khắp đất nước.
Trong khi đó, ở Chicago, tên trùm Al Capone cũng đã tận dụng lệnh cấm này, tạo ra tập đoàn mafia Outfit. Hắn kiếm được 100 triệu USD mỗi năm (1,3 tỷ USD hiện nay) nhờ rượu lậu song chỉ mất 500.000 USD mỗi tháng hối lộ cho các chính trị gia. "Tôi chỉ là một doanh nhân và mang đến cho công chúng những gì họ muốn", tên trùm thường nói.
Với tiền mặt chất đống hàng tháng, hắn phải thuê luật sư và kế toán để rửa những khoản lợi bất chính. Các tay mafia rượu lậu như Al Capone nhanh chóng trở nên quyền lực hơn cả chính trị gia và cảnh sát.
Tên trùm rượu lậu sống xa hoa cũng nổi tiếng là "Robin Hood thời hiện đại" khi chịu khó đánh bóng hình ảnh. Ông ta thường tự tay điều hành bếp từ thiện để cung cấp bữa ăn miễn phí cho dân nghèo địa phương. Nhưng sau những bát súp nhiều thịt nóng hổi bưng ra trước mặt công chúng, "triều đại" của Al Capone cũng khiến máu đổ chưa từng có trên đường phố Chicago.
Bạo lực đỉnh điểm xảy ra vào Lễ tình nhân năm 1929. Tay chân của Al Capone nguỵ trang cảnh sát và bước vào một gara, ra lệnh cho 7 thuộc hạ của băng đối thủ xếp hàng dựa vào tường và bắn 70 viên đạn. Sáu người chết tại chỗ, người thứ bảy, như các tay giang hồ thời đó, từ chối tiết lộ thủ phạm và cũng chết sau vài giờ.
Chưa bao giờ bị kết án vì những vụ thảm sát, Al Capone cuối cùng vẫn bị phạt 11 năm tù về tội Trốn thuế, trở thành một trong những tù nhân đầu tiên của Alcatraz. Ông ta chết vì cơn đau tim vào năm 1947 sau khi mắc bệnh giang mai.
Trong khi đó, những người Mỹ bình thường cũng tìm cách vượt qua lệnh cấm. Họ lót ván sàn giả trong ô tô, bình xăng dự phòng, vali có đáy giả để mua rượu lậu.
Một vài ngoại lệ dành cho các dược sĩ và hoạt động tôn giáo khi được phép dùng rượu cho một số đơn thuốc và nghi lễ. Kết quả, trong những năm cấm rượu, số lượng dược sĩ, con chiên và tu sĩ tăng lên gấp 3 lần, chỉ tính riêng ở New York. Nhiều người bán nước quả ép lách luật bằng cách bán nước ép nho cô đặc, kèm một cái nháy mắt: "Đừng để lâu quá, nước nho sẽ lên men và biến thành rượu đấy".
Việc buôn bán rượu bia không được kiểm soát cũng để lại những hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng. Nhiều tay bợm bất chấp nguồn gốc hay giá cả đã chấp nhận những thức uống rẻ tiền thường chứa cồn công nghiệp do các tay buôn rượu lậu cung cấp. Loại rượu độc này được cho là nguyên nhân gây tử vong hơn 10.000 người và khiến nhiều người khác bị mù hoặc mắc bệnh suốt đời.
Lệnh cấm rượu còn khiến nhiều thành phố từng thịnh vượng phải suy thoái. Trong khi hàng nghìn người mất việc làm do đóng cửa các nhà máy bia, nhà máy chưng cất và tiệm rượu thì tác động gây thiệt hại lớn nhất, lại trực tiếp đánh vào nguồn thu từ thuế của chính phủ.
Ở New York, gần 75% doanh thu của bang đến từ thuế rượu và khoản này đã bị mất chỉ sau một đêm khi lệnh cấm có hiệu lực. Ước tính, Chính phủ liên bang thất thu hơn 11 tỷ USD tiền thuế, trong khi tốn hơn 300 triệu USD để thực thi.
14 năm của lệnh cấm rượu đã cho thấy lượng tiêu thụ rượu bia tăng mạnh hơn cả khi chưa cấm. Số lượng băng nhóm tội phạm gia tăng, "tung hoành" tại các thành phố.
Howard Abadinsky, giáo sư tư pháp hình sự tại Đại học St John, New York, tác giả cuốn Tội phạm có tổ chức, cho biết: "Nếu không lệnh cấm, nước Mỹ sẽ không có loại tội phạm có tổ chức. Sự cấm đoán đã tác dụng ngược, trở thành chất xúc tác cho tệ nạn và hoạt động của xã hội đen".
Đại suy thoái kinh tế 1929 khiến người Mỹ nhận ra "cuộc cải cách đáng kính" đã thất bại thảm hại. Khi đắc cử Tổng thống năm 1933, Franklin D Roosevelt đã nói: "Tôi nghĩ một cốc bia sẽ tốt cho tất cả chúng ta". Cuối cùng, ngày 5/12/1933, lệnh cấm cuối cùng đã được chính ông bãi bỏ.
Ở New Orleans, quyết định này được tôn vinh bằng 20 phút bắn đại bác ăn mừng và đích thân Tổng thống đã đánh dấu sự kiện này bằng cách bắn hạ một ly dry martini.
Tuy nhiên, không phải tất cả các bang của Mỹ khi đó đều khép lại lệnh cấm. Kansas và Oklahoma vẫn tiếp tục duy trì cho đến năm 1948 và 1959, và người Mississippi phải đợi đến tận năm 1966 mới được công khai nhậu nhẹt. Ngày nay, tại 10 tiểu bang của Mỹ, vẫn có các quận cấm bán rượu.
Hải Thư (Theo Mirror)