Cuộc hội đàm ngày 16/6 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gợi lại những ký ức sống động về hội nghị thượng đỉnh Geneva năm 1985, khi các đối thủ thời Chiến tranh Lạnh Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev gặp nhau lần đầu tiên.
Mặc dù thời tiết ở thành phố Thụy Sĩ rất giá lạnh vào tháng 11, quan hệ giữa Washington và Moskva bắt đầu tan băng khi Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Liên Xô gặp nhau tại đất nước trung lập.
36 năm sau, Biden và Putin cũng gặp nhau tại biệt thự bên hồ Geneva, nhưng cuộc gặp này mang lại ít hy vọng hơn.
Cựu phóng viên AFP Didier Lapeyronie, người đưa tin về cuộc đàm phán Reagan - Gorbachev, kể rằng trong hội nghị thượng đỉnh năm 1985, "bầu không khí rất thoải mái, cả hai đều đã chuẩn bị một điều gì đó để lấy lòng bên kia".
"Tất cả chúng tôi đều nhận thức được rằng đó là thời khắc lịch sử", Lapeyronie nói.
Hội nghị thượng đỉnh đã có một khởi đầu tệ. Ngay trước khi Tổng thống Mỹ Reagan đến một trong những địa điểm tổ chức, một lính Thụy Sĩ trong đội tiêu binh đã ngất xỉu vì cái lạnh buốt giá.
Diễn ra 6 năm trước khi Liên Xô tan rã, hội nghị thượng đỉnh Geneva năm 1985 tập trung vào việc giảm leo thang chạy đua vũ trang hạt nhân giữa hai siêu cường, đi kèm với hy vọng thúc đẩy quan hệ Đông - Tây tốt đẹp hơn. 3.500 nhà báo đã đưa tin về hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày.
Một trong những bức ảnh ấn tượng nhất từ hội nghị thượng đỉnh là cảnh hai người đàn ông quyền lực nhất hành tinh ngồi trên ghế bành bên lò sưởi, mỉm cười với nhau, giống như cuộc trò chuyện bên bếp lửa ấm cúng giữa hai người bạn già.
Các phóng viên cũng ghi lại hình ảnh hai phu nhân Raisa Gorbacheva và Nancy Reagan trò chuyện vui vẻ bên tách trà. Marie-Noelle Blessig, phóng viên phụ trách theo dõi lịch trình của hai phu nhân cho AFP, nhớ lại khoảnh khắc Gorbacheva đến thăm trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva "để chào hỏi các nhân viên, bà đã nhận được những tràng pháo tay vang dội".
Một khoảnh khắc ấn tượng khác thể hiện sự tan băng quan hệ là cái bắt tay đầu tiên giữa Gorbachev và Reagan, kéo dài 7 giây. Khoảnh khắc lịch sử diễn ra trước Villa Fleur d'Eau, dinh thự được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 bên hồ Geneva. Căn biệt thự đang được rao bán.
Claude Smadja, cựu phó tổng biên tập đài truyền hình TSR của Thụy Sĩ, người đã chứng kiến thời khắc lịch sử, cho biết vì phía Mỹ đã chọn căn biệt thự làm nơi diễn ra ngày đầu tiên của cuộc hội đàm, Reagan có mặt trước để chào đón Gorbachev, "với tinh thần rất tốt".
"Reagan đã có kiểu bắt tay rất Mỹ, rất California. Ông đặt tay còn lại lên vai Gorbachev và mời ông ấy vào trong, hai người trao nhau nụ cười", Smadja kể. "Cả hai muốn chứng tỏ rằng họ rất thoải mái".
Chỉ khi Gorbachev đến biệt thự, Christiane Berthiaume, người từng làm việc cho đài phát thanh Canada, mới nhận ra tầm quan trọng của khoảnh khắc này.
"Không một nhà báo nào đặt câu hỏi cho Gorbachev khi ông ấy bước ra khỏi xe. Tất cả chúng tôi đều không nói nên lời. Thật đáng kinh ngạc", Berthiaume kể. Việc lãnh đạo Liên Xô có mặt ở đó để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ "là dấu hiệu cho thấy Chiến tranh Lạnh, thời kỳ được đánh dấu bằng sự sợ hãi, sắp kết thúc".
Tuy nhiên, phái đoàn Mỹ và Liên Xô đã hoàn toàn không cung cấp thông tin cho truyền thông cho đến khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc. "Mặc dù họ có tương tác cá nhân nồng ấm, cuộc gặp gỡ ban đầu rất gay gắt. Lập trường của hai bên rất xa nhau", Smadja nói.
Chủ nhà Thụy Sĩ cũng nhận thức rõ khoảng cách giữa hai siêu cường, đến mức trợ lý của Tổng thống Thụy Sĩ Kurt Furgler, Walter Fust, đã phải chuẩn bị cho Tổng thống "hai bài phát biểu chào mừng khác nhau, vì sự khác biệt giữa hai nền văn hóa".
Sự khác biệt về văn hóa cũng thể hiện rõ trong cách ứng xử của hai phái đoàn. "Phái đoàn Nga đến theo đội hình, rất kỷ luật. Người Mỹ ít thì ít nghiêm ngặt hơn trong việc tuân theo các chỉ dẫn và trình tự giao thức", ông nói.
Trong khi đó, Nancy Reagan muốn thay thế những chai nước khoáng được chủ nhà cung cấp bằng những chai nước Mỹ. Đệ nhất phu nhân cũng muốn một phụ tá thử đồ ăn trước khi bà dùng bữa.
Phương Vũ (Theo AFP)