Vietnam Mountain Marathon (VMM) là giải chạy địa hình lớn tổ chức hàng năm ở Sapa, tỉnh Lào Cai. Đường chạy đi qua nhiều núi non hùng vĩ, ruộng bậc thang trải dài, song rất thách thức với những con dốc dài và độ dốc lớn, nên thu hút những người thích chinh phục thử thách.
Tôi đã dự giải chạy VMM 2022 với cự ly 42km, nhớ hồi đó leo đồi Bò khá mệt, song cảm giác chiến thắng cung đường khó khăn và có huy chương sau chặng đường dài khiến tôi vẫn muốn quay lại. Lần này tôi đăng ký cự ly 70km, công việc bận rộn nên một tháng trước race mới tăng tốc tập luyện.
Giải VMM năm nay có hơn 5.000 runner tham gia các cự ly từ 10 đến 160km, nhiều runner nhất ở cự ly 21 và 50 km. Cự ly 100- 160km được coi là dành cho các "siêu nhân", tôi có vài người bạn đăng ký các cự ly này, họ thường phải chuẩn bị cả năm trước giải, cứ cuối tuần là lên núi Hàm Lợn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, tập.
Đường chạy 70km đi qua nhiều ngọn núi với tổng độ cao (gain) là 4.000m, nghĩa là cao hơn đỉnh Fansifan, và các VĐV phải hoàn thành trong 21 giờ. Có 7 điểm Checkpoint (CP) là nơi tiếp tế đồ ăn, nước uống cho runner, tại đây có COT (Cut of time), ai không về kịp thời gian quy định sẽ bị DNF (Did not finish - Không hoàn thành).
3h sáng ngày 30/11, nhóm runner cự ly 70km với hơn 500 người xuất phát dưới cái lạnh 8 độ C tại Expo gần nhà thờ đá Sapa. Tôi phải dán miếng dán nhiệt, bên ngoài mặc áo gió. Không khí cuộc đua rất sôi động, tôi hồi hộp vì sắp bước vào cuộc đua đầy thách thức, tôi đã đặt mục tiêu là về đích trước 1-2 giờ đóng đường chạy và có huy chương. Chặng đầu tiên dài gần 9km sẽ vượt qua núi Hàm Rồng đến CP1. Đông người ùa lên núi nên tôi lạc mất người em nên phải đi một mình. Thời tiết se lạnh, người còn sung sức nên đến được CP1 lúc hơn 5h theo kế hoạch.
Từ CP1 đến CP2 là một đường dài 13 km để đến bản Cát Cát, đường chạy qua nhiều đoạn rất lầy lội, giày bết đất. Qua bản Cát Cát, chúng tôi gặp nhiều khách du lịch, người dân địa phương, nhất là các em nhỏ chào đón trên đường rất vui. Tại CP2, mọi người dừng lại để ăn sáng rất đông, điểm này có cháo gà, tôi ăn liền 2 bát để lấy sức chạy tiếp.
Từ CP2 đến CP3 dài khoảng 8km, bắt đầu lên đồi Bò với gain khoảng 1200m. Lúc này nắng đã lên cao, đường dốc gắt, có đoạn dài đến 300-400m khiến ai cũng ngao ngán. Đi lên rồi lại xuống, qua những thửa ruộng bậc thang khiến mọi người phải đi chậm, có người nói vui là được Ban tổ chức cho đi thăm đồng ruộng chứ không phải đi chạy.
Từ CP3 đến CP4 là đoạn đường dài hơn 9km, chúng tôi phải vượt qua đỉnh đồi Bò rồi xuống núi để đến Tả Phìn. Nhìn đỉnh núi cao giữa trưa nắng mà muốn ngất. Đoạn đường phải uphill kéo dài cộng với phơi nắng giữa trưa khiến tôi và nhiều bạn thấm mệt, tầm 13h mới lên được đỉnh núi. Lên đến đỉnh, tôi chỉ kịp chụp vội hai tấm ảnh rồi vội vã chạy xuống núi, vì COT ở CP4 lúc 3h chiều. Có vài runner cùng tôi downhill, vượt qua nhiều người trên đường. Đoạn xuống núi gập gềnh, sơ sẩy là bị lật cổ chân, may mà tôi không bị ngã lần nào và đến CP4 trước COT 20 phút. Đây là điểm có nhiều anh em runner bị DNF vì không kịp thời gian quy định.
Tôi đi tiếp đến CP5 qua một cánh rừng với tổng gain 300m. Trên đường, tôi gặp khá nhiều runner chạy cự ly 100 và 160km, họ vẫn còn sung sức, bền bỉ. Một anh chạy 160km nói rằng đã qua 33 giờ không ngủ, thật đáng khâm phục.
Từ CP5 đến CP6 dài hơn 9km với toàn đường núi, tôi phải uphill liên tục, trời bắt đầu tối, cơ thể mệt mỏi nên tốc độ đi cũng giảm hơn. Tôi đến được CP6 trước COT chỉ khoảng 15 phút, nỗi bất an lớn dần vì đường trước mặt còn dài. Tôi vừa mệt vừa đói, ở đây có mỳ tôm thịt mà tôi không ăn nổi, tôi chỉ ăn được hạt điều và xúc xích mang theo..
Từ CP6 đến CP7 chỉ dài 5,6km, nhưng thời gian giới hạn chỉ 1,5 giờ, nhiều bạn trên đường giục nhau phải đi nhanh hơn mới kịp COT. Tôi đang xuống núi thì đèn bất ngờ tắt, chiếc đèn này tôi mới mua vì thấy quảng cáo đi được 12 tiếng, nhưng không ngờ nó lại hết điện chỉ sau 6-7 giờ. Tôi đành quay lại phía sau nhờ một bạn nam ở phía sau soi đường giúp. Bạn này đến từ TP HCM, rất nhiệt tình soi đèn để tôi downhill mà không bị ngã lần nào, tất nhiên tốc độ đi bị giảm. Cuối cùng, chúng tôi đến được CP7 trước COT chỉ 5 phút. Mấy em Crew của Ban tổ chức đứng đón trước CP hướng dẫn chúng tôi khẩn trương chạy qua vạch đo trước khi dừng lại lấy nước, đồ ăn.
Lúc này tôi đã trải qua 61km, còn chặng cuối từ CP7 về đích dài gần 9km sẽ phải đi trong 2,5 giờ, gồm leo 2,7km lên đỉnh núi Hòn Đá Bạc, rồi downhill 6km để về đích ở Topas Resort trước 12h đêm.
Ở CP7 đã có một vài runner quyết định DNF, vì mệt và tính bị tắc đường lên Hòn Đá Bạc nên không kịp COT ở đích, mấy em Crew động viên chúng tôi đi nhanh cho kịp. Lúc đó, tôi cũng đã nghĩ mình phải DNF vì leo lên Hòn Đá Bạc nguy hiểm, lại trong tình thế không có đèn. Nhưng bạn nam đi cùng bảo tốc độ thế này vẫn kịp về đích, thế là tôi lại quyết đi tiếp.
Đường lên Hòn Đá Bạc chỉ vừa một người đi, dốc nhiều lại sát vực, nên mọi người leo chậm khiến ùn cả đoạn dài, khiến những người đi sau càng lo lắng không kịp thời gian. Có đoạn tôi rất mệt vẫn cố gắng leo dốc vì dừng sẽ làm tắc đường. Rồi có lúc muốn nghỉ chân, bạn đồng run động viên tiếp tục đi, bạn lên trước dẫn đường, tốc độ vừa đủ để tôi và vài người nữa bám theo. Đoạn đường núi dài gần 3km mà cảm giác rất xa, leo mãi mới đến điểm tiếp nước trên đỉnh núi.
Qua đỉnh Hòn Đá Bạc, chúng tôi bắt đầu downhill để đến đích tại Topas Resort. Còn hơn một giờ cho 6km nên các runner đều vội vã chạy ào ào xuống núi. Đoạn này đường dễ đi hơn, song đầu gối lại đau, nên tôi bảo bạn kia đi trước để về đích, còn mình chầm chậm đuổi theo sau. Cuối cùng tôi may mắn cán đích 14 phút trước thời gian quy định, được nhận huy chương và áo finisher. Một cuộc đuổi theo COT thật đáng nhớ, khác hẳn kế hoạch ban đầu của tôi là về đích trước 1-2 giờ, cho tôi thêm kinh nghiệm cần chuẩn bị tốt hơn về thể lực và đồ dùng mang theo.
Trên đường tôi gặp nhiều runner có các lý do không thể hoàn thành cuộc đua, song họ đều đã nỗ lực hết mình, rất đáng khâm phục. VMM thực sự là cuộc chơi khắc nghiệt, đầy thách thức, không chỉ rèn luyện thể lực mà còn ý chí cho mỗi runner.
Độc giả Đoàn Loan