Đây là một tuần bận rộn ở Washington. Tổng thống Joe Biden ngày 25/1 đảo ngược lệnh cấm người chuyển giới tham gia quân đội của cựu tổng thống Donald Trump, thúc đẩy chương trình "Mua hàng Mỹ", thiết lập mục tiêu đầy tham vọng mới về việc tiêm chủng 1,5 triệu liều vaccine mỗi ngày. Hạ viện đã chuyển điều khoản luận tội Trump tới Thượng viện hôm 25/1. Thượng nghị sĩ Rob Portman, thành viên Cộng hòa ở bang Ohio, bất ngờ thông báo sắp nghỉ hưu, trong khi Janet Yellen chính thức trở thành nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ. Biden ngày 26/1 tiếp tục ký sắc lệnh nhằm giải quyết vấn đề chủng tộc.
Tuy nhiên, đáng chú nhất trong hai ngày qua có lẽ là cuộc điện đàm đầu tiên giữa tân Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin chiều 26/1. Cuộc nói chuyện giữa hai lãnh đạo chỉ vỏn vẹn 58 giây, nhưng đã thay đổi bầu không khí giữa hai nước trong bốn năm dưới thời Trump.
Trong buổi trả lời phỏng vấn đầu tiên sau khi nhậm chức vào hôm 25/1, các phóng viên đã hỏi trực tiếp Biden về khả năng trừng phạt Nga liên quan tới nghi vấn lãnh đạo đối lập Nga Alexey Navalny bị đầu độc, hoặc liệu có phải nó đang bị trì hoãn khi chính quyền của ông cố gắng gia hạn hiệp ước hạt nhân New START với Nga.
Biden, người đã có hàng chục năm làm việc ở Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và đồng thời là tiếng nói hàng đầu về đối ngoại trong chính quyền của cựu tổng thống Barack Obama, biết chính xác những gì cần phải nói. Ông không chỉ đề cập tới hiệp ước giữa hai nước, mà còn nhắc tới các thông tin như Nga treo thưởng giết lính Mỹ ở Afghanistan, hoạt động tấn công mạng quy mô lớn gọi là SolarWinds, hay đánh giá tình báo đầy đủ về các động thái "gây rắc rối" mà Nga tiến hành.
"Tôi thấy rằng chúng tôi có thể hợp tác vì lợi ích chung của hai nước như hiệp ước New START, đồng thời muốn Nga hiểu rằng chúng tôi cũng rất quan ngại về các hành vi của họ, không chỉ là Navalny, SolarWinds mà còn là thông tin về việc treo thưởng giết lính Mỹ ở Afghanistan", Biden nói. "Tôi sẽ không ngần ngại nêu ra những vấn đề này với phía Nga".
Trong chưa đầy một phút điện đàm ngày 26/1, Biden đã tạo ra những thay đổi mới trong mối quan hệ hai nước và khiến Putin phải lưu ý. Khi nói chuyện với Biden, Putin cũng biết điều gì sẽ xảy ra. Theo các quan chức Mỹ, Biden đã làm đúng những gì ông cam kết một ngày trước đó.
"Ý định của ông ấy là cho thấy rõ ràng Mỹ sẽ hành động cứng rắn để bảo vệ lợi ích quốc gia trước các hành động ác ý từ Nga", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, nói.
Các cuộc điện đàm đàm giữa lãnh đạo Mỹ - Nga luôn được quan tâm trong bối cảnh quan hệ hai nước có nhiều căng thẳng. Nhưng cuộc trao đổi ngắn gọn của Biden rất đáng chú ý khi nó cho thấy sự khác biệt cả về nội dung và giọng điệu so với các cuộc điện đàm giữa Trump với Putin, khi thường kèm theo sự nhún nhường và khen ngợi.
"Cuối cùng chúng ta cũng có một tổng thống sẵn sàng đối đầu với Nga về các vấn đề đang thực sự xảy ra", Alina Polyakova, chủ tịch Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu tại Washington, nói. "Đây là tất cả những điều mong muốn được thảo luận trong 4 năm qua mà chưa được thực hiện".
Biden đã không cho thấy bất kỳ sự nhún nhường nào đối với Putin, mối quan hệ khiến Washington thấy "bối rối" ngay từ trước cuộc bầu cử năm 2016. Biden cũng không nhắc lại nỗ lực tái thiết lập mối quan hệ với Moskva của Washinghton bắt đầu từ năm 2009.
Lập trường của Biden cũng không giống như việc "nhìn thấu tâm can Putin" của George W. Bush hay hướng tới một động lực hoàn toàn mới hậu Chiến tranh Lạnh như Bill Clinton. Quan điểm của Biden được cho tương đồng nhiều hơn với Ronald Reagan, người nỗ lực tìm kiếm các thỏa hiệp có ý nghĩa, nhưng không quên đang phải đối phó với cái mà ông gọi là "đế chế ma quỷ".
Biden đã tranh cử với tư cách là "một ứng viên phù hợp" mang tới những thay đổi cho đảng Dân chủ và nước Mỹ. Ông đang thúc đẩy chương trình nghị sự thông qua các lệnh hành pháp tiến bộ hơn nhiều so với những người hoài nghi của đảng Dân chủ kỳ vọng, đồng thời cấp tiến hơn những gì phe Cộng hòa nghĩ ông dám làm.
Nhóm nhân sự đối ngoại của Biden cũng có những cái tên thuộc phe diều hâu Nga. William Burns, người được đề cử giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) của Biden, là một nhà ngoại giao từng đảm nhận vai trò đại sứ Mỹ tại Moskva. Tân Ngoại trưởng Antony Blinken cũng là một người có lập trường cứng rắn với Nga, đặc biệt về các vấn đề Ukraine hay can thiệp bầu cử.
Tuy nhiên, Philip Elliott, biên tập viên của Time, nhận định chính quyền Biden không được tạo nên từ "bản nhạc đơn âm" như vậy. Wendy Sherman, người được Biden đề cử cho vị trí thứ trưởng Bộ Ngoại giao, là một nhà đàm phán cương quyết và giàu kinh nghiệm, từng đối mặt với những đối thủ lớn nhất của Mỹ và mang về nhiều thỏa thuận ngoại giao với các nước như Iran hay Triều Tiên.
Bà là người đã góp phần giúp Mỹ thoát khỏi các thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao gần đây. Khi một số người xung quanh Biden theo đuổi lập trường diều hâu, những người như Sherman giống như "dây cương" để kiềm chế xu hướng này. Điều này cũng đúng với cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power, người đứng đầu chương trình nghị sự về phát triển của Biden. Bà đã từng tạo dựng mối quan hệ tốt với các nhà ngoại giao và xem người đồng cấp Nga như bạn.
Nhiều tháng qua, Biden đã đưa ra nhiều dấu hiệu cho thấy đường hướng đối ngoại với Nga mà ông theo đuổi, nhưng tuyên bố trước báo giới hôm 25/1 là một lời khẳng định chính thức cho điều đó.
"Điều đó không có nghĩa Biden sẽ sớm hét lên 'hãy đánh sập bức tường này'. Nhưng ông cũng không dựa vào những cú giật dây để giải quyết một trong những bài toán ngoại giao lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình", Elliott viết.
Thanh Tâm (Theo Vox, Time)