Không ít người dành vài tiếng đồng hồ mỗi ngày để lướt các sàn thương mại điện tử thâu đêm suốt sáng. Ngày nào cũng chốt đơn, tháng nào cũng tốn hàng triệu, chục triệu đồng vào việc mua sắm, phải vay mượn tiền để phục vụ nhu cầu shopping, nhiều người không nhận ra mình đã nghiện mua hàng online.
Cảnh báo những hệ lụy tiêu cực mà nghiện mua sắm online gây ra, độc giả Vuongdinhanh chia sẻ: "Cho đến khi bố mẹ, con cái gặp vấn đề về sức khỏe, cuộc sống của chính mình gặp rắc rối, thì khi đó các bạn mới ngẩn người ra vì không có tiền. Cuộc sống nếu chỉ nghĩ đến sở thích của mình thì bạn sẽ sớm nhận lại cái kết u tối mà thôi. Đáng tiếc rằng, giờ phần lớn lớp trẻ đều nghĩ 'mua càng nhiều thì kinh tế càng phát triển', nên rơi vào cái bẫy mua hàng online từ lúc nào không hay".
Câu hỏi đặt ra là làm gì để không bị nghiện mua hàng online? Bạn đọc VIP nêu quan điểm: "Vấn đề không phải là có nên mua online hay không, mà là món đồ đó có thực sự cần thiết với bạn hay không? Tôi cũng từng nghiện mua hàng online, có ngày nhận gần chục đơn, nhưng được cái toàn những thứ mình thích và cần cho cuộc sống, cần cho giải trí của cá nhân hàng ngày. Tôi mua nhiều nhưng không mua thừa, vì cảm giác khi cần là có luôn để dùng. Giờ thì mọi thứ cần thiết gần như tôi đã mua đầy đủ rồi, nên cũng đỡ nghiện".
Lấy dẫn chứng từ bản thân, độc giả LinhThanh nói về giải pháp cai nghiện mua hàng online: "Có một cách để kiểm soát lại một chút việc mua sắm online, đó là bạn chỉ bỏ sản phẩm vào giỏ hàng nhưng không thanh toán ngay, cứ để cái món đó thêm một tuần. Nếu sau đó, bạn vẫn thấy cần mua hoặc nhớ tới nó thì có nghĩa đó là sản phẩm đáng mua. Tôi đã giảm được kha khá tiền quần áo, mỹ phẩm nhờ cách đó, vì sau một tuần bản thân đã quên mất món đó hoặc không còn thích nó nữa".
>> Tôi cạch mặt các shop bán hàng online yêu cầu 'inbox hỏi giá'
"Kể từ khi dịch đến giờ, tôi đã quen với việc mua hàng online. Mua trên các sàn thương mại điện tử, giá thực sự rẻ hơn mua trực tiếp, mà còn được nhiều ưu đãi hơn mua offline. Thế nên, tôi ủng hộ tận dụng nó. Kinh nghiệm để không bị mua sắm quá đà là khi thích sản phẩm gì đó, bạn hãy khoan vội chốt đơn, mà chỉ bỏ vào giỏ hàng. Nếu vài ngày sau bạn vẫn còn muốn có nó thì hãy mua, còn không thì cho vào quên lãng. Tóm lại, chỉ mua những thứ thật cần thiết", bạn đọc Nguyenchuongdai nói thêm.
Đồng quan điểm, độc giả Phoenix nhấn mạnh ba câu hỏi để tránh bị nghiện mua sắm online: "Trước khi mua bất cứ thứ gì (không phải đầu tư) thì bạn hãy tự đặt ra ba câu hỏi:
1. Có cần thiết không? Tức là món đồ đó bạn có cần không, không có nó thì có vấn đề gì không?
2. Có khả thi không? Tức là bạn có tiền để mua không, có cần phải đi vay mượn gì không?
3. Có hiệu quả không? Tức là khi hai điều kiện trên đã thỏa mãn rồi thì bạn sẽ chọn loại nào, hãng nào, công năng ra sao...?
Trả lời được ba câu hỏi trên, tôi tin bạn sẽ không bị nghiện mua sắm hay mua phải những sản phẩm không đáng mua".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.