"Vì sao Black Friday ở Việt Nam năm nay kém náo nhiệt?", nhiều độc giả VnExpress cho rằng nguyên nhân nằm ở việc nhiều cửa hàng lợi dụng dịp này để nâng giá bán sản phầm trước khi khuyến mại, khiến khách hàng mất lòng tin:
Tôi để ý một cái tủ lạnh 680 lít. Trước khi Black Friday có giá 17 triệu. Trong khi sau giảm giá và tặng quà toàn ngót nghét 20 triệu. Làm ăn kiểu này thì khi bình thường cũng sẽ mất hết khách chứ đừng nói đến lúc kinh tế đang khó khăn như thế này.
Nếu thật sự giảm giá thì tôi nghĩ khách sẽ tự đi sắm đồ. Hôm thứ sáu, tôi có ghé vào một trung tâm thương mại vì thấy đông đúc. Vào hỏi thử quầy mỹ phẩm, cùng mặt hàng mua từ trang thương mại điện tử giá chỉ 109 nghìn đồng giao tận nhà, trong khi hàng ở đây sau khi giảm giá 40% vẫn còn tận 129 nghìn đồng. Cái kiểu nâng giá lên để giảm xuống vẫn còn lãi đậm của dân kinh doanh thì đừng nghĩ có thể lừa người tiêu dùng mãi.
Thời đại công nghệ 4.0 rồi, khách hàng biết quá rõ về giá. Black Friday là ngày mà các công ty kinh doanh tri ân khách hàng (ở ngước ngoài là ngày lễ Tạ Ơn) sau gần một năm khách hàng mua sắm. Không ngờ một số công ty lại chơi trò nâng giá rồi giảm giá lên tới 50%.
Tôi ở Nhật nhưng cũng chẳng mặn mà với Black Friday vì hàng giảm giá 30-50% gần như lúc nào cũng có. Hơn nữa, đồ giảm giá vào ngày này đều là hàng model cũ, size quá cỡ không bán được nên có chọn cũng khó có cái ưng ý.
Tôi đang kinh doanh một mặt hàng đến nay cũng 20 năm rồi. Đầu tháng 11, bên công ty báo tăng giá 5% và đầu tháng 12 sẽ tăng thêm 5% nữa. Từ ngày ra kinh doanh, chưa một lần tôi treo bảng khuyến mãi và giảm giá. Trong khi những cửa hàng khác cũng kinh doanh mặt hàng tương tự nhưng của những hãng khác thấy toàn sale off đến 30%. Rốt cục họ chỉ tồn tại được vài năm thì trả mặt bằng rồi biến mất.
Thứ nhất là vì dịch, kinh tế chưa phục hồi, túi tiền dự trữ của người dân đang xài gần cạn. Thứ hai là vì một số thành phần hạ giá bằng thủ thuật nâng lên rồi hạ xuống, khiến khách hàng nghi ngờ.
Sai lầm lớn nhất của nhiều người bán hàng là nghĩ Black Friday như một dịp để tống khứ hàng lỗi, và đánh lừa cảm giác người tiêu dùng. Tóm lại là vì hám lợi trước mắt, mà không nghĩ những dịp đó chính là những cơ hội marketing tuyệt vời. Chỉ có những thương hiệu mạnh họ rất chăm chút Black Friday, thậm chí bán giá vốn. Tiền lãi thâm hụt xem như tiền quảng cáo, tạo ấn tượng mạnh cho khách hàng. Hiệu quả là sau Black Friday chứ không phải chỉ thứ sáu hôm đó.
Thành Lê tổng hợp
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.