Trả lời:
Cơ chế tấn công hệ hô hấp của virus cúm và Covid-19 tương tự nhau. Virus lây truyền trực tiếp qua ho, hắt hơi, khi người bệnh phát tán ra các giọt bắn chứa tác nhân gây bệnh. Các tác nhân này sau đó xâm nhập vào đường mũi họng của những người tiếp xúc gần. Có một hình thức lây bệnh gián tiếp nữa là thông qua tiếp xúc với bề mặt vật dụng chứa virus, sau đó chúng xâm nhập vào mũi họng con người.
Nhiễm cúm nặng nhẹ phụ thuộc bệnh nhân. Đa phần bệnh nhân mắc cúm ở mức nhẹ trung bình. Tuy nhiên, cúm cũng có thể để lại hậu quả khá lớn như biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, xấu nhất có thể tử vong ở những người yếu thế như người trên 65 tuổi, người có bệnh nền như tăng huyết áp, suy tim.
Tại các nước ôn đới, gánh nặng bệnh cúm theo mùa rõ hơn. Ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, bệnh cúm xảy ra quanh năm nhưng việc giám sát cúm chưa được thường xuyên nên không có số liệu thống kê rõ ràng về bệnh nhân mắc cúm và tử vong do cúm.
Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh cúm hiệu quả, giúp giảm tỷ lệ mắc, giảm nguy cơ diễn biến nặng. Nhóm người yếu thế nếu chưa tiêm vaccine thì khi nhiễm bệnh, virus dễ tấn công sâu xuống phổi, làm hệ hô hấp tổn thương mạnh hơn, dẫn đến suy hô hấp, nguy cơ tử vong.
Vaccine cúm cần tiêm nhắc lại hằng năm do virus liên tục biến đổi. Hệ thống giám sát cúm toàn cầu sẽ khảo sát chủng cúm nào phổ biến năm đó để các nhà sản xuất tạo ra vaccine phù hợp chủng cúm lưu hành. Hiện nay đã có vaccine phòng ngừa được 4 chủng virus cúm phổ biến là A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria, B/Yamagata.
ThS.BS Mai Mạnh Tam
Phó trưởng khoa Hô hấp, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội