Yevgeny Prigozhin, ông chủ tập đoàn an ninh tư nhân Wagner của Nga, hôm 3/3 thông báo họ đã bao vây gần như toàn bộ Bakhmut và quân đội Ukraine chỉ còn một tuyến đường để rút quân. Bakhmut, thành phố ở tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, đã trở thành điểm giao tranh khốc liệt giữa lực lượng Nga và Ukraine suốt nhiều tháng qua.
Serhiy Rakhmanin, thành viên Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo Quốc hội Ukraine, trước đó nói rằng tình hình với các đơn vị cố thủ ở Bakhmut đang trở nên rất nghiêm trọng. "Sớm muộn chúng ta sẽ phải rời bỏ Bakhmut. Giữ thành phố bằng mọi giá là hành động vô nghĩa", ông nói.
Lữ đoàn Bộ binh cơ giới số 93, Tiểu đoàn bộ binh số 49 và một số lữ đoàn phòng vệ lãnh thổ vẫn tiếp tục cố thủ tại Bakhmut. Nhưng Ralph Thiele, đại tá Đức về hưu và từng làm việc cho Tư lệnh Đồng minh Tối cao của NATO ở châu Âu, cho rằng Ukraine có ít cơ hội giữ được Bakhmut, khi quân đội Nga đã siết vòng vây quanh thành phố.
"Quân Ukraine vẫn giữ được một dải đất nhỏ rộng 4 km để rút lui hoặc đưa quân vào tiếp viện. Nhưng 4 km sẽ không có ý nghĩa gì khi lực lượng Nga đang dần tăng sức ép để khép vòng vây", ông nói.
Thiele thêm rằng quân Nga áp đảo về số lượng so với Ukraine ở khu vực gần Bakhmut. "Nếu nhìn vào tình hình tổng thể, chúng ta sẽ thấy Nga còn có nhiều hơn thế, gồm xe bọc thép, pháo và máy bay", ông cho hay.
Trong khi đó, quân đội Ukraine dường như vẫn tìm cách kìm hãm đà tiến của Nga ở Bakhmut để có thêm thời gian, trong lúc chờ đợi nguồn viện trợ vũ khí hạng nặng từ phương Tây.
Thiele không thấy lạc quan nhiều về nguồn viện trợ này. "Với lượng đạn mà châu Âu sản xuất cho Ukraine trong một tháng ít hơn số đạn Nga khai hỏa trong một ngày, chúng ta có thể thấy việc đáp ứng mức hỗ trợ mà họ cần khó khăn đến thế nào", ông nói.
Cựu đại tá Đức chỉ ra ngay cả khi Ukraine nhận được xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây, họ cũng đối mặt rất nhiều khó khăn.
"Các lãnh đạo ở châu Âu liên tục nói rằng họ đồng ý chuyển xe tăng cho Ukraine, nhưng những chiếc xe tăng đó được đưa đến chiến trường bằng cách nào. Chúng phải được lái đến đó, nhưng nhiều cây cầu của Ukraine không đủ sức tải", ông nói. "Nếu một xe tăng bị hỏng, việc sửa chữa không thể được thực hiện ngay tại Ukraine, mà có thể phải di chuyển xe hơn 900 km tới Ba Lan hoặc Slovakia".
Marina Miron, thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Đạo đức Quân sự của trường King's College London, cho rằng trận chiến Bakhmut diễn ra rất quyết liệt, bởi hai bên đều coi trọng vai trò của nó. Nếu Nga kiểm soát thành phố, họ sẽ có bàn đạp để tiến xa hơn về phía thành phố Kramatorsk thuộc tỉnh Donetsk.
"Họ sẽ kiểm soát các tuyến đường quan trọng, chia cắt các đơn vị quân đội Ukraine ở miền đông và khiến nỗ lực phòng thủ của Kiev trở nên khó khăn hơn rất nhiều", Miron nói.
Bà cho rằng nếu Ukraine để mất Bakhmut quá dễ dàng, điều đó sẽ làm suy giảm tinh thần của quân đội và có thể khiến các đối tác phương Tây mất niềm tin vào năng lực phòng vệ của Kiev.
Đại tá Thiele cũng nhận định Ukraine hứng chịu áp lực rất lớn trong việc "buộc phải thắng" ở Bakhmut. "Họ phải liên tục thể hiện được rằng số vũ khí khổng lồ mà phương Tây trao cho Ukraine đang phát huy hiệu quả", Thiele nói.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng về tâm lý của việc bảo vệ Bakhmut. "Mọi người bằng cách nào đó phải bám trụ ở đây. Đó là tín hiệu được phát đi khắp Ukraine, gồm cả người dân và binh sĩ ở những nơi khác", Thiele nói.
Trong khi đó, Nga quyết dồn nguồn lực chiếm Bakhmut, bởi điều đó đáp ứng mục tiêu chiến dịch của Tổng thống Vladimir Putin là "giải phóng Donbass", theo Mike Martin, nhà nghiên cứu tại King's College London, Anh.
"Để kiểm soát được hai thành phố lớn ở phía tây Donetsk là Sloviansk và Kramatorsk, lược lượng Nga trước hết phải hoàn thành mục tiêu chiến lược là chiếm Bakhmut", Martin giải thích.
Markus Reisner, đại tá quân đội Áo, cho rằng thành công ở Bakhmut đồng nghĩa Nga sẽ có thể áp dụng chiến thuật tương tự để kiểm soát các mục tiêu khác. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa cục diện chiến trường đã thay đổi và Moskva có thể nhanh chóng đột phá vào trung tâm vùng Donbass, bởi họ sẽ vấp phải những phòng tuyến tiếp theo của Ukraine.
Ngay cả khi chiếm được Bakhmut, lực lượng Nga sẽ lập tức đối mặt với một thách thức lớn, đó là chiến dịch phản công mà Ukraine đang lên kế hoạch. Đại tá Reisner cho biết quân đội Ukraine đang xây dựng 8 lữ đoàn và tìm kiếm một địa điểm thích hợp để phát động đòn phản công.
Mũi nhọn phản công có thể tập trung vào khu vực phía bắc Melitopol. Nếu thành công, họ có thể chia cắt lực lượng Nga khỏi bán đảo Crimea, đồng thời lực lượng gần Zaporizhzhia và Kherson có thể bị cắt nguồn tiếp tế qua cầu Crimea.
"Bởi vậy, nếu chiếm được Bakhmut, quân Nga sẽ phải tập trung xử lý các vấn đề khác như làm thế nào để tiếp tế cho các đơn vị của họ trong khu vực, thay vì dồn lực tiếp tục thọc sâu vào phía tây tỉnh Donetsk", Reisner nói.
Trận chiến Bakhmut cho thấy xung đột Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dù giao tranh ác liệt đã kéo dài hơn một năm. Thiele cho rằng nhiệm vụ của phương Tây hiện nay là ngăn xung đột leo thang, trong khi vẫn đảm bảo nguồn cung vũ khí để Ukraine cầm cự.
"Chúng ta phải tìm cách thuyết phục Tổng thống Putin rút quân", Thiele nói. "Điều này về cơ bản sẽ phụ thuộc vào những bên ủng hộ Nga, như Trung Quốc, Ấn Độ, Arab Saudi, Brazil và Nam Phi. Đây là nhóm lớn và có thể gây áp lực với Moskva".
Về phía Ukraine, ông cho rằng các thành công quân sự sẽ giúp Kiev củng cố vị thế trước khi hai bên cân nhắc lệnh ngừng bắn.
Chuyên gia Mike Martin không tin rằng thiếu lực lượng là lý do để Ukraine ngừng kháng cự. "Tôi nghĩ với người Ukraine, điểm dừng cho cuộc chiến này là khi họ giành chiến thắng hoặc khi phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho họ", Martin nói.
Thanh Tâm (Theo DW)