- Hơn 25 năm qua việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, tại sao Bộ Công an đề xuất tiếp nhận công việc này?
- Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực hơn 10 năm, mỗi năm trung bình gần 10.000 người chết do tai nạn giao thông, hàng trăm nghìn người thương tật suốt đời. Tình hình an toàn giao thông diễn biến phức tạp, nhưng Luật không phân định rõ đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm.
Thực tiễn cũng cho thấy công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe bộc lộ nhiều bất cập. Không thể vì lý do giữ ổn định cơ quan quản lý nhà nước mà để tình hình an toàn giao thông như hiện nay. Vì thế, chúng tôi đã cân nhắc, tham mưu đề xuất nếu tiếp quản sát hạch, đào tạo lái xe thì sẽ chịu trách nhiệm chính khi xảy ra tai nạn giao thông.
Bộ Công an cũng tham khảo nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Nga, Pháp, Đức, Hà Lan, Australia..., thấy rằng lực lượng cảnh sát làm tốt công tác này.
- Bộ đánh giá tác động của việc chuyển đổi cơ quan quản lý với đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thế nào?
- Theo thống kê, hiện nay từ cấp Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các tỉnh thành phố là 64 đơn vị, có 650 cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tính trung bình khoảng 9 người trên một đơn vị. Khi chuyển giao cho Bộ Công an, các cán bộ này sẽ do Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải địa phương sắp xếp công việc.
Ngoài ra, hiện còn 1.655 sát hạch viên, trong đó gần 600 người là giáo viên tại các cơ sở đào tạo được cấp thẻ sát hạch viên không trong biên chế nhà nước. Những người này chúng tôi đang đề xuất theo hướng sẽ làm việc khi hết hạn trong thẻ cấp, sau đó có thể thi nâng cao kỹ năng theo chuẩn quốc tế, nếu đáp ứng sẽ được sử dụng tiếp.
- Nếu được tiếp nhận nhiệm vụ mới, Bộ Công an sẽ phát sinh thêm chi phí gì?
- Chúng tôi đã báo cáo cụ thể khi làm đề xuất. Với việc tiếp quản công việc đào tạo, sát hạch, ngành công an sẽ không phát sinh thêm biên chế mà lấy sẵn từ các đơn vị đang làm công việc này thuộc lực lượng công an.
Ngoài ra, Bộ cũng tận dụng lực lượng công an 4 cấp (xã, huyện, tỉnh, bộ), trong đó bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo ba cấp (huyện, tỉnh, bộ) gồm 780 đầu mối nên chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế và đủ điều kiện tiếp nhận công việc chuyển giao từ 64 đầu mối của ngành giao thông.
Với công an cấp xã, chúng tôi tính toán sẽ là đầu mối để tiếp nhận hồ sơ sát hạch lái xe, cấp, đổi giấy phép, tạo điều kiện cho người dân không phải đi lại xa lên tới tỉnh, thành phố, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Khi tiếp quản từ Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an sẽ vẫn giữ nguyên các cơ sở đào tạo theo hình thức xã hội hóa, bước đầu giữ lại những cán bộ ở trung tâm, giáo viên phụ trách đào tạo, do vậy không phát sinh chi phí.
Hiện Bộ Công an có phần mềm quản lý lái xe, giấy phép lái xe và có cơ sở dùng chung đến cấp huyện, có máy in thẻ cấp giấy phép lái xe. Nếu được Quốc hội chấp thuận chuyển giao sẽ chỉ phát sinh chi phí mua máy chủ để lưu trữ.
- Ông nghĩ sao trước ý kiến việc chuyển giao công tác quản lý, sát hạch giấy phép lái xe về Bộ Công an là vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự?
- Trước khi đề xuất, chúng tôi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 17/2007 của Ban chấp hành Trung ương khóa 10 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, trong đó có nội dung "đối với một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Việc thực hiện chủ trương này phải bảo đảm thận trọng, chặt chẽ và hiệu quả".
Bộ Công an nhận thấy cần hiểu đúng thế nào là một số nhiệm vụ "có đủ điều kiện dân sự hóa". Đối với những nhiệm vụ liên quan đến kinh tế, kỹ thuật đơn thuần mà các ngành dân sự thực hiện được thì việc chuyển giao là phù hợp. Còn nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn như sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý người lái, phương tiện phải do Bộ Công an quản lý. Việc này cũng giống quản lý cư trú cấp căn cước công dân, chứng minh thư, hộ khẩu, quản lý, cấp giấy phép về phòng cháy chữa cháy... Bộ Công an đang làm.
- Để tránh tình trạng bình mới rượu cũ, Bộ có giải pháp gì để thay đổi những hạn chế hiện nay trong đào tạo, sát hạch lái xe?
- Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào đào tạo, giám sát là mục tiêu hàng đầu Bộ Công an sẽ hướng tới để giúp quá trình đào tạo, sát hạch lái xe minh bạch hóa và để mọi người dân có thể giám sát. Bộ sẽ sắp xếp lại chương trình đào tạo theo hướng ngắn gọn, đảm bảo tối ưu thời gian và tài chính nhất cho người học.
Cụ thể Bộ đưa ra các giải pháp tạo sự khác biệt, ví dụ sẽ yêu cầu cao khi sát hạch đường trường. Hiện người đi không xi nhan sẽ bị trừ điểm, nhưng chúng tôi nếu được quản lý sẽ cho trượt để người lái xe nhớ các quy tắc đảm bảo an toàn cho chính mình và người tham gia giao thông. Ngoài ra, chúng tôi sẽ bổ sung các kỹ năng lái xe vào ban đêm, sát hạch địa hình ban đêm để tài xế có thể xử lý toàn diện hơn, hay bắt buộc tài xế học thực hành sơ cứu người gặp tai nạn...
Bộ Công an cũng hướng tới chấm điểm, xếp hạng các trung tâm sát hạch lái xe và công khai để người dân nắm rõ. Ví dụ khi người dân đăng ký học sẽ biết trung tâm nào có xếp hạng thấp, bao nhiêu người vi phạm. Người học được lựa chọn ngẫu nhiên giáo viên, sát hạch thông qua hệ thống máy tính...
Để tránh tiêu cực, Bộ sẽ nâng cấp, lắp hệ thống camera có tín hiệu âm thanh ở các trường đào tạo, thi sát hạch; công khai đánh giá chất lượng giáo viên theo thang điểm để người học có thể nhìn vào đó lựa chọn giáo viên và các cơ sở uy tín. Tất cả giáo viên, sát hạch viên sẽ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế như các nước tiên tiến đã áp dụng.
- Người dân sẽ được lợi gì nếu Bộ Công an quản lý sát hạch, đào tạo, cấp giấy phép lái xe?
- Tôi có thể khẳng định việc chuyển giao cơ quan quản lý không ảnh hưởng đến người đã được cấp giấy phép lái xe. Người điều khiển phương tiện vẫn tiếp tục sử dụng giấy phép lái xe khi chưa đến thời hạn. Việc thay đổi hệ thống giấy phép lái xe theo dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ thực hiện đối với các trường hợp khi đi cấp đổi, cấp lại, do đó không phát sinh kinh phí và thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, người dân tiếp tục được thụ hưởng những chính sách xã hội hóa của nhà nước, được tiếp cận những tiến bộ, khoa học trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, được thống nhất sử dụng dữ liệu liên quan đến cá nhân được quy định trong cơ sở dữ liệu về Giấy phép lái xe, được lựa chọn cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, đơn vị cấp, đổi giấy phép lái xe theo nhu cầu.
Việc phân cấp quản lý đến cấp huyện, cấp xã cũng giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thiểu thủ tục hành chính, thuận lợi cho cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe cho người dân.
- Bộ làm sao để đảm bảo tính khách quan khi vừa quản lý sát hạch giấy phép lái xe, vừa xử phạt vi phạm?
- Khi tiếp quản công việc này, nhiệm vụ của cảnh sát giao thông sẽ nhiều hơn hiện nay, tuy nhiên sẽ gắn được trách nhiệm xuyên suốt của một lực lượng trong cả quá trình từ đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái, an toàn và tai nạn giao thông, thay vì hiện nay không có đơn vị nào chịu trách nhiệm.
Còn việc có khách quan hay không, chúng tôi từng hỏi cảnh sát Nhật Bản, Hàn Quốc để tham khảo và đưa ra thiết chế là tất cả sau này sẽ áp dụng xử phạt qua hình ảnh, bằng chứng cứ điện tử trong các trung tâm cho đến ngoài đường. Người dân và cảnh sát không còn phải đôi co việc ai đúng, ai sai mà cứ theo chứng cứ rõ ràng trên máy thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh làm căn cứ xử lý.
Hiện nay có cơ chế người dân, cơ quan báo chí được giám sát hoạt động của cảnh sát thông qua hình ảnh, vì vậy chúng tôi mong muốn cả xã hội cùng chung tay để quản lý nội dung này tốt hơn.