Dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, xử lý, nhưng những năm qua, những quảng cáo về các bài thuốc Đông y vẫn xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội với "cam kết khỏi bệnh hoàn toàn" bằng các mô típ: "Nhà tôi ba đời chữa bệnh" khiến nhiều người tin theo và phải hối hận cả đời.
Mỗi lần vào Facebook, Zalo, YouTube, tôi lại bắt gặp những video quảng cáo như: "Nhà tôi ba đời chữa bệnh xương khớp", "tôi chỉ cho bài thuốc này khỏe mạnh đến già"; "ba đời nhà tôi chữa viêm gan xơ gan cam kết khỏi bệnh", "không tin cũng phải tin, tán sỏi không phải mổ"... Xem những quảng cáo các loại thuốc Đông y gia truyền với nhiều công dụng, có thể chữa đủ các loại bệnh từ tăng cân, giảm cân, viêm đại tràng, tiểu đường, gan thận cho đến ung thư... chắc chắn ai cũng phải thấy choáng ngợp.
Người bệnh chỉ cần nhấp chuột nhắn tin, hoặc gọi điện thoại để được tư vấn nhiệt tình. Thậm chí, người bệnh không cần đến tận nơi thăm khám mà sẽ được tư vấn và bốc thuốc từ xa qua lời kể về các triệu chứng, sau đó thuốc sẽ được ship tận nhà. Bất chấp đúng sai, những quảng cáo sai sự thật ngập tràn khắp không gian mạng về các bài thuốc dân tộc và cách chữa bệnh bằng y học cổ truyền không được kiểm chứng cứ thế tấn công người dùng. Không ít người đã tin tưởng mua và tự ý sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.
Tôi hiện công tác ở Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam (Hà Đông, Hà Nội) - cái nôi đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, chuyên sâu về Y học cổ truyền, Y khoa, Dược học và các ngành khác thuộc khối ngành sức khỏe; nghiên cứu khoa học, thừa kế, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền; chuyển giao tri thức, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại, dịch vụ khác đáp ứng yêu cầu phục vụ xã hội và đất nước. Cơ quan tôi có một đơn vị trực thuộc là Bệnh viện Tuệ Tĩnh, được thành lập năm 2006, đã xây dựng thương hiệu được 18 năm.
Theo các chuyên gia y tế, thuốc Đông y, hay còn gọi là thuốc Y học cổ truyền, ngày càng được nhiều người người sử dụng giúp bồi bổ sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật. Tuy nhiên, cũng giống như thuốc Tây y, khi sử dụng không đúng cách sẽ dẫn đến "tiền mất tật mang", thậm chí nguy hiểm tới cả tính mạng của người sử dụng. Điều đáng nói, dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, xử lý, nhưng thời gian qua, những quảng cáo về các bài thuốc Đông y vẫn xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội, truyền hình vượt phạm vi cho phép.
Người quen của tôi mắc bệnh thoát vị đĩa đệm đã lâu, từng điều trị và uống thuốc Tây nhiều nhưng bệnh vẫn tái phát. Một lần vào mạng, chị thấy giới thiệu một bài thuốc của bà lang nọ, chữa được các bệnh về xương khớp, trong đó có bệnh thoát vị đĩa đệm (có hình ảnh những bệnh nhân sử dụng thuốc nói lời cảm ơn sau khi khỏi bệnh). Ðang đau, nhức trong người, chị gọi ngay số điện thoại trên quảng cáo. Sau đó, đầu dây bên kia giới thiệu đây là thuốc gia truyền, thuốc được hái từ những lá, cây rừng, cam kết uống sẽ khỏi hoàn toàn. Thấy vậy, chị đặt mua về uống. Tuy nhiên, sau khi uống hai liệu trình, chị tái khám tại Bệnh viện 103, kết quả bệnh vẫn không thuyên giảm chút nào.
Một người quen khác của tôi được bác sĩ chẩn đoán bị u xơ tử cung. Tin tưởng vào những lời quảng cáo của thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các loại thuốc Đông y quảng cáo trên Facebook, với hy vọng uống thuốc sẽ ức chế sự phát triển của u, suốt hơn một năm trời chị đều đặn uống thuốc theo chỉ dẫn bên trong sản phẩm. Nhưng rồi, khối u của chị không những không nhỏ lại mà ngày một to lên. Cuối cùng chị phải đi bệnh viện để mổ cắt u.
>> Quảng cáo lừa đảo nhan nhản - 'Facebook không vô can'
Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều người vì quá lo lắng cho bệnh của mình, không tìm hiểu kỹ, ai mách gì cũng theo, không quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại thuốc. Chính những lời quảng cáo như "rót mật vào tai" cùng với sự tận tình hỏi han của người bán và các phản hồi tích cực từ những khách hàng sử dụng thuốc được đính kèm trên mỗi quảng cáo đã tạo niềm tin cho người bệnh, khiến họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để mua những sản phẩm thuốc không biết là thật hay giả, tác dụng đến đâu.
Bên cạnh đó, nhiều người có quan niệm rằng thuốc Đông y có nguồn gốc từ cây cỏ tự nhiên nên không chữa được bệnh cũng không ảnh hưởng sức khỏe... Cũng chính vì nắm bắt được tâm lý này của người bệnh cho nên các nhà sản xuất, công ty, thậm chí có người tự xưng là lương y ở các phòng khám, bệnh viện lớn tung ra các "chiêu trò" quảng cáo trên mạng xã hội, lừa dối bệnh nhân.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc Y học cổ truyền không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Do vậy, để hạn chế việc sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, cũng như ngăn chặn những "lang băm" bán thuốc không bảo đảm chất lượng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và sự tỉnh táo của chính người bệnh.
"Thầy thuốc trên mạng" nở rộ với các bài thuốc gia truyền đang là một vấn nạn cần phải bị dẹp bỏ. Trong điều trị Đông y, mỗi người bệnh có một cơ địa, mạch lý và các triệu chứng khác nhau sẽ sử dụng một bài thuốc khác so với người cùng được chẩn đoán một bệnh. Tuy nhiên, Đông y không phải là thần dược. Người bệnh không nên tin qua truyền miệng, qua quảng cáo mà không có cơ sở, tức không qua nghiên cứu, không qua kiểm định và cho phép của Bộ Y tế.
Hoạt động khám chữa bệnh đòi hỏi y đức rất cao, người thực hiện hoạt động khám chữa bệnh phải có chuyên môn trình độ phù hợp và phải được rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp. Trong khi đó, những đối tượng hám lợi, lừa đảo, không có chuyên môn lẫn y đức lại quảng cáo tràn lan về khám chữa bệnh. Họ thường giả danh đồng bào dân tộc, bài thuốc gia truyền để thực hiện hoạt động khám chữa bệnh trái phép. Do đó, hoàn toàn có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự những người này.
Tôi hy vọng rằng bài viết này sẽ cung cấp thêm kênh thông tin để mọi người tham khảo. Hãy luôn thật tỉnh táo trước những quảng cáo về thuốc Đông y tràn lan trên mạng. Đừng để bị lừa mất tiền mà bệnh vẫn không khỏi hoặc lại mắc thêm bệnh khác.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.