Trước nhiều nghi ngờ về khả năng Facebook nghe lén trò chuyện của người dùng, giới chuyên gia bảo mật đã nhiều lần thử nghiệm và phủ nhận những đồn đoán trên. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy bất an trước khả năng quảng cáo nhắm mục tiêu một cách chính xác của nền tảng mạng xã hội này.
Độc giả Thành Nam bày tỏ băn khoăn: "Việc người dùng tìm kiếm sản phẩm trên Google, chia sẻ link sản phẩm sau đó, rồi bị dính quảng cáo sản phẩm tương tự trên Facebook thì quà đỗi bình thường. Thế nhưng, không dưới chục lần tôi thấy một hiện tượng rất lạ, đó là khi tôi nói chuyện với bạn bè của mình về một món hàng, dịch vụ nào đó thì chỉ sau ít phút, tôi lập tức thấy hàng loạt quảng cáo về đúng chủ đề đó trên Facebook mặc dù trước đó chưa bao giờ tôi thấy những quảng cáo này. Lý do là gì vậy?".
Cùng chung hoài nghi về việc bị Facebook nghe lén các cuộc hội thoại thường ngày, bạn đọc Vuthingoan đặt dấu hỏi: "Tôi và người bạn ngồi ăn tối, bạn hỏi tôi rằng muốn tìm chỗ mua bánh hạt dẻ trong khi tay đang ngồi lướt Facebook. Lúc đó, tôi không hề sử dụng điện thoại để tìm thông tin gì liên quan đến bánh hạt dẻ. Nhưng ăn tối xong, về nhà và mở Facebook ra, tôi giật mình khi thấy tràn ngập quảng cáo liên quan đến nơi bán bánh hạt dẻ. Nếu không phải Facebook nghe lén người dùng thì tại sao lại phân phối quảng cáo chính xác như vậy?".
"Nhớ mấy năm trước, tôi chỉ ngồi cùng bố mẹ trong lúc hai người nói chuyện về việc thuê giúp việc giúp chăm ông bà đang nằm liệt giường. Ấy vậy mà vài tiếng sau, tôi đã thấy Facebook chạy quảng cáo tới tấp về việc cung cấp dịch vụ giúp việc. Tôi không hề tìm kiếm gì trên Internet, hơn nữa tài khoản Facebook mà tôi sử dụng đó còn là tài khoản phụ, không hề kết bạn với bố mẹ tôi để mà nói Facebook dựa vào tìm kiếm của người thân để chạy quảng cáo. Vậy thì làm sao mạng xã hội này biết nhà tôi có nhu cầu thuê người để quảng cáo?", độc giả Bchthyl thắc mắc.
Bạn đọc Hoasonlo bổ sung thêm: "Tôi không biết người dùng có nghe lén hay không, nhưng tôi không hề tra tìm Google hay gì trên Internet trước đó, chỉ nói chuyện về một loại đồng hồ thông minh trong lúc ăn cơm. Vậy mà sau đó tôi lướt Facebook thì thật bất ngờ khi thấy xuất hiện nội dung quảng cáo y như loại sản phẩm mà tôi vừa nói. Vậy cái gì đã nghe lén và thông tin chính xác tới vậy?".
>> 'Facebook biết mọi nhu cầu riêng tư của tôi'
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia bảo mật, các nhà sản xuất điện thoại không được phép chủ động nghe những điều người dùng nói. Họ cũng không thể ghi lại cuộc trò chuyện để phân phối quảng cáo mục tiêu. Chưa kể việc này khiến điện thoại phải liên tục kích hoạt micro và gửi dữ liệu, khiến máy quá tải, nóng và nhanh cạn pin.
Đồng quan điểm, độc giả Hoàng Thanh phân tích: "Tôi làm ở một công ty lớn, nhập đủ loại hàng hóa sản phẩm nước ngoài. Và rất nhiều lần tôi nói chuyện với vợ và con về các sản phẩm đó. Vậy tại sao tất cả người trong gia đình tôi đều không nhận được các quảng cáo liên quan đến các sản phẩm này?
Ngoài ra, là một người am hiểu về kỹ thuật, tôi biết không thể có chuyện nghe lén. Bởi muốn nghe lén thì micro điện thoại phải bật liên tục và gửi gói tin âm thanh đi. Điều này sẽ gây hao pin và để lại dấu vết rằng Facebook đã thu thập các thông tin cá nhân của người dùng. Trong khi ứng dụng Facebook bình thường chúng ta đều thấy gói tin gửi đi chỉ là để xác thực dữ liệu nhận, nên tốn rất ít dung lượng".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Thanh Nguyen bình luận: "Đây thực sự là chứng tự kỷ ám thị của khá nhiều người. Nghe lén và phân tích nội dung đoạn hội thoại của hàng triệu người dùng vừa bất khả thi về mặt kỹ thuật, vừa rủi ro về mặt pháp lý, trong khi có nhiều cách tốt hơn và dễ thực hiện hơn để phân tích xu hướng tiêu dùng".
Trong bối cảnh chưa có nhiều bằng chứng cho thấy Facebook âm thầm nghe lén và thu thập thông tin của người dùng, câu hỏi đặt ra là làm gì để tự bảo vệ thông tin cá nhân? Độc giả Nam vo nêu quan điểm: "Tốt nhất là chúng ta nên khóa quyền truy cập microphone của Facebook là xong. Khi đó bạn có nói chuyện gì thì Facebook cũng không thể biết được. Lúc đó, kho dữ liệu người dùng khổng lồ đến mấy cũng giảm hẳn tác dụng. Chứ tôi thấy rất khó hiểu khi nói gì Facebook cũng biết để chạy quảng cáo dù chẳng chat với ai, thậm chí đã xóa cả ứng dụng Messenger".
"Nói chung là tránh rủi ro hoàn toàn thì không thể. Còn với tôi, cách tốt nhất để tự bảo vệ thông tin cá nhân trước tiên là tắt các thể loại trợ lý ảo, tắt quyền truy cập micro và camera ở những ứng dụng không cần thiết, bên cạnh đó cũng nên hạn chế tối đa số lượng mạng xã hội, xóa bỏ được Facebook thì càng tốt. Tất nhiên, làm vậy cũng sẽ khiến bản thân bị ảnh hưởng, bất tiện đôi chút, nhưng nếu đã quen rồi thì chắc chắn sẽ an toàn hơn nhiều", bạn đọc Tqthang kết lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.