Giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam, chia sẻ thông tin này tại lễ khởi động Dự án Happy Việt Nam ngày 17/1. Hơn 10 năm qua, tỷ lệ trẻ thấp còi ở Việt Nam giảm nhanh nhưng vẫn còn khá cao.
Theo giáo sư Dàng, hiện vẫn còn khoảng cách lớn giữa khu vực thành phố và nông thôn, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng khó khăn. Tỷ lệ trẻ thấp còi ở miền núi phía bắc là 27,1%, Tây Nguyên 29,8%.
Báo cáo của Tổ chức UNICEF tại Việt Nam, hiếu hụt về sức khỏe và dinh dưỡng khiến 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, để lại tổn thương não và thể chất vĩnh viễn. Trẻ suy dinh dưỡng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và đường ruột. Tất cả các cơ quan của trẻ đều giảm phát triển, như hệ cơ xương, ảnh hưởng trực tiếp chiều cao và tầm vóc.
"Tỷ lệ thấp còi ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực đã dẫn đến những bất lợi nhất định cho Việt Nam", giáo sư Dàng nói. Trẻ khó khăn trong học tập, ảnh hưởng khả năng lao động khi trưởng thành, thu nhập thấp, năng suất cũng như tăng trưởng chung của đất nước bị cản trở.
Giáo sư Dàng phân tích có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Do trẻ ăn kém, biếng ăn hoặc chế độ ăn uống không hợp lý. Người mẹ khi mang thai ăn uống kém hoặc không đủ các nhóm chất cần thiết, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Trẻ mắc các bệnh lý bẩm sinh như thiếu hormone tăng trưởng...
"Chiều cao của trẻ chỉ 20% do di truyền, còn 80% do yếu tố dinh dưỡng, rèn luyện, môi trường", giáo sư Dàng nói. Tại gia đình, nhiều phụ huynh còn thiếu kiến thức, thực hành dinh dưỡng. Đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở cộng đồng, trường học hay bệnh viện còn thiếu về số lượng và chất lượng. Hiện có tới 57% người Việt Nam ăn thiếu rau, thừa muối, thừa bia rượu...
Quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn. Dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời đóng vai trò rất quan trọng. Từ bốn tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao. Nếu chiều cao của trẻ tăng chậm hơn 4-6 cm mỗi năm hoặc luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi (theo biểu đồ theo dõi chiều cao), nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân.
Dự án Happy Việt Nam triển khai các chương trình đào tạo, tư vấn trong hai năm để nâng cao nhận thức, năng lực của giáo viên, nhân viên y tế các bệnh viện, phụ huynh và trẻ em, nhằm giúp giảm tỷ lệ trẻ em thấp còi. Các hoạt động của dự án diễn ra ở 7 tỉnh thành, ở những khu vực có tỷ lệ trẻ mắc bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng cao như Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Hà Nội, TP HCM.