Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), viện nghiên cứu chính sách độc lập hàng đầu ở Washington, Mỹ, ngày 14/8 công bố kết quả nghiên cứu về thiệt hại của các bên trong trường hợp căng thẳng ở eo biển Đài Loan leo thang thành xung đột vũ trang, với kịch bản Trung Quốc đại lục mở chiến dịch quân sự vào hòn đảo.
"Mỹ và Đài Loan nhìn chung sẽ thành công trong bảo vệ hòn đảo trước chiến dịch của Trung Quốc, song cái giá phải trả là rất lớn", Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại CSIS, cho biết.
Nhận định được Cancian đưa ra sau khi CSIS tổ chức các trò chơi chiến tranh mô phỏng được tiến hành trên sa bàn để hình dung xung đột trên eo biển Đài Loan sẽ diễn ra thế nào.
Theo ông Cancian, các bên sẽ thiệt hại hàng trăm máy bay cùng các tàu sân bay, trong khi nền kinh tế của đảo Đài Loan sẽ bị tàn phá nặng nề. Lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc cũng có thể chịu thiệt hại nặng.
Trong kịch bản tồi tệ nhất, Mỹ có thể mất tới 900 tiêm kích và cường kích trong vòng 4 tuần, tương đương nửa số máy bay của không quân và hải quân nước này, khi tham chiến với Trung Quốc để bảo vệ đảo Đài Loan trong một cuộc xung đột toàn diện.
Tuy nhiên, nghiên cứu của CSIS cho thấy Trung Quốc có thể là bên chịu nhiều thiệt hại nhiều hơn. "Trong hầu hết tình huống, hạm đội của Trung Quốc bị tổn thất lớn hơn, do các khí tài rất dễ bị tổn thương trước vũ khí Mỹ. Họ có thể mất tới hơn 100 chiến hạm trong một chiến dịch đổ bộ", ông Cancian cảnh báo.
Trò chơi mô phỏng xung đột giả định được CSIS thiết kế nhằm thể hiện sát thực tế nhất diễn biến của các kịch bản giao tranh. Họ đặt giả định cuộc xung đột sẽ diễn ra vào năm 2026, trong đó các bên đều sở hữu năng lực quân sự mà họ đã thể hiện trên thực tế.
Nhóm chuyên gia của CSIS đã chạy 18 trên tổng số 22 kịch bản xung đột mô phỏng. Họ dự kiến công bố báo cáo cuối cùng vào tháng 12.
Trò chơi chiến tranh của CSIS sử dụng hai sa bàn thể hiện khu vực tây Thái Bình Dương, trong đó có đảo Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản. Các khối gỗ được sơn màu khác nhau thể hiện cho các đơn vị quân sự được di chuyển trên sa bàn.
Nhóm nghiên cứu sử dụng mô hình máy tính và bảng kết quả chiến đấu để quyết định điều gì sẽ diễn ra dựa trên phân tích về các trận chiến trong lịch sử. Họ sử dụng xúc xắc để thêm yếu tố ngẫu nhiên.
Nhóm nghiên cứu sau đó chuyển sang bản đồ riêng của đảo Đài Loan, mô phỏng kịch bản quân đội Trung Quốc đổ bộ lên hòn đảo, trong khi phòng vệ Đài Loan tìm cách phòng thủ.
Ông Cancian cho biết nhóm nghiên cứu chưa chạy kịch bản xấu nhất, trong đó Mỹ bị phân tâm bởi một cuộc khủng hoảng khác trên thế giới như Ukraine và đảo Đài Loan phản ứng chậm do các chiến dịch gây nhiễu thông tin và phá hoại ở hậu phương của lực lượng Trung Quốc đại lục.
Nhóm nghiên cứu dự kiến tổ chức trò chơi với các giả định khác như đợt tiến công nhằm vào Trung Quốc đại lục hoặc tính đến vai trò của Nhật Bản. CSIS sẽ đề xuất một số cải tiến trong chiến lược của Mỹ nhằm răn đe Trung Quốc, như sở hữu thêm tên lửa tầm xa và xây dựng các hầm chứa ở đảo Guam và Nhật Bản để bảo vệ máy bay quân sự.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Căng thẳng quanh eo biển Đài Loan gần đây leo thang sau chuyến thăm hòn đảo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đầu tháng 8. Trung Quốc sau đó áp lệnh trừng phạt bà Pelosi và hạn chế thương mại với đảo Đài Loan.
Quân đội Trung Quốc sau đó tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài ở nhiều vị trí bao quanh đảo Đài Loan, khiến căng thẳng khu vực gia tăng. Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc ngày 10/8 thông báo hoàn thành nhiệm vụ tập trận quanh đảo Đài Loan, song tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì sức ép lên hòn đảo.
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)