Xung quanh câu hỏi "cảnh sát có nên chặn xe vi phạm?" đang gây tranh luận trái chiều, nhiều độc giả VnExpress cho rằng, đây là hành động cần thiết, dẫu biết rằng tiềm ẩn nhiều rủi ro:
Không có lực lượng CSGT không biết giao thông ở ta như thế nào? Khi mà ý thức của bộ phận người dân còn kém, coi thường chính tính mạng của mình, không xót thương người khác, chế tài luật chưa được thi hành nghiêm, phạt nguội thì mới chỉ thuộc dạng tên gọi thì vi phạm còn nhiều. Ngay cả trường hợp này CSGT là cơ quan hành pháp mà nếu đứng ở lề đường ra dấu thì chỉ bụi bay vào chứ chả ai dừng lại. Cần phạt nghiêm, tuyên dương đúng người.
Phần lớn các giao lộ của chúng ta khi không có bóng CSGT thường khá hỗn loạn. Lượng xe máy rất lớn (chính chủ có, khác chủ có, xe "rác" có, xe che biển số có...), còn chúng ta thì chưa thể phạt nguội được xe máy. Nên người vi phạm hoặc không biết mình sai, hoặc nghĩ rằng cái sai đó không ảnh hưởng đến kinh tế sẽ mặc nhiên tiếp tục tái phạm. Vậy, vẫn cần CSGT đứng dừng xe để chỉ lỗi sai, để phạt tiền. Dù tiềm ẩn nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro, tôi vẫn ủng hộ các anh CSGT. Nhưng tôi vẫn sẽ lầm bầm trách móc các anh, nếu bị phạt tiền. Đâu đó, mong các anh thông cảm cho.
Nếu trong cốp xe đó là ma túy, vũ khí nóng thì sao? Nếu cha mẹ người lớn không dễ dãi cho trẻ dưới 18 tuổi chạy xe trên dung tích quy định thì có việc này không? Nếu cháu nó không bỏ chạy khi có hiệu lệnh của CSGT liệu có sự việc này xảy ra không? Cảnh sát có nhiệm vụ của họ, nếu trong trường hợp vừa rồi không ngăn chặn mà có 1-2 kg ma túy trong cốp xe tuồn vào tiêu thụ có phải cảnh sát, công an cũng bị chỉ trích không? Bản thân chúng ta là công dân phải tuân thủ luật pháp, chuyện cảnh sát có đúng hay sai thời điểm nào đó hãy dừng xe rồi tính. Ở Mỹ bạn không chịu dừng xe, cảnh sát còn có quyền nổ súng.
Mỗi người trong chúng ta khi lựa chọn công việc tức chúng ta phải có trách nhiệm của bản thân với công việc đó. Mỗi người mỗi nghề: với bác sĩ trách nhiệm (tự bản thân nhận thức) là cứu người bằng bất cứ giá nào... Cũng như đồng chí CSGT trách nhiệm của đồng chí đó là bảo đảm trật tự an toàn xã hội, cụ thể là đảm bảo an toàn giao thông. Việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội là cần thiết. Tôi nghĩ chúng ta không phải phân bua gì chuyện này thêm nữa, mỗi người mỗi nghề khi tình huống xảy ra chỉ tính bằng tích tắc thì mỗi người sẽ đưa ra những cách xử lý của riêng họ. Đừng lấy dẫn chứng ở các nước tiên tiến để áp dụng vào hiện trạng xã hội ở Việt Nam. Vì mọi sự so sánh đều khập khiễng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đâyhoặc qua email bandoc@vnexpress.net