Đến tối 23/7, đô thị đông dân nhất nước đã ghi nhận 50.474 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư, 9.525 người đang cách ly tập trung, 38.172 trường hợp cách ly tại nhà và nơi lưu trú.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá sau 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, dịch tại thành phố vẫn diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong toả, cách ly. Số đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng. Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị chống dịch đã quá tải... Vì vậy, trong thời gian tới thành phố phải tăng cường một số biện pháp mạnh để phong toả, kiềm chế tốc độ lây lan của Covid-19.
Cụ thể, cư dân ở các khu phong toả thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình"; tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp người xung quanh. Người dân chỉ ra khỏi nhà khi cần cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, dùng phiếu đi chợ, siêu thị do địa phương cấp).
Với một số khu vực nguy cơ rất cao, người dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng hộ; người đang cách ly tập trung tuyệt đối không được ra khỏi phòng và tiếp xúc trực tiếp người khác (trừ trường hợp cấp cứu).
Các gia đình có ca F0, F1 cách ly tại nhà cần thực hiện nghiêm theo hướng dẫn ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu). Chính quyền sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho những hộ dân này. Các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao, thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách giữa cá nhân với cá nhân.
Thành phố tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh; các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách. Ngân hàng, chứng khoán được hoạt động ở mức độ vừa phải để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết. Các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể làm việc luân phiên, bố trí nhân sự làm trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.
Chỉ những doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu được hoạt động, gồm: y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ...
Tại Hà Nội, sau khi ghi nhận 70 ca nhiễm mới trong một ngày - số ca mắc tính theo ngày cao nhất kể từ đầu dịch, với 6 chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, tối 23/7 chính quyền Thủ đô đã quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố trong 15 ngày từ 6h hôm nay. Hiện, thành phố ghi nhận 879 ca nhiễm.
Theo quyết định của Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh, Hà Nội sẽ cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh".
Với Chỉ thị 16, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất ở Hà Nội phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng... Chỉ có cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được hoạt động. Người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp...
Bình Dương - vùng dịch lớn thứ hai ở phía Nam, chỉ sau TP HCM với gần 6.000 ca nhiễm đã lên phương án xây dựng các bệnh viện dã chiến mới với tổng quy mô 10.000 giường. Hiện, địa phương này chỉ có 11 khu điều trị với hơn 4.000 giường và đang điều trị cho 3.498 bệnh nhân.
Ngành y tế Bình Dương đang lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng Covid-19 bằng phương pháp test nhanh kết hợp Realtime-PCR cho 1,8 triệu người (toàn tỉnh hơn 2,4 triệu dân, năm 2019). Trong đó ưu tiên triển khai test nhanh tại các công ty, xí nghiệp và tầm soát bằng phương pháp lấy mẫu gộp cho người dân sinh sống trong các khu vực nguy cơ cao bùng phát dịch trong cộng đồng.
Đồng Nai, địa phương giáp TP HCM, đến nay đã ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm, trong đó 1.878 ca được ghi nhận trong 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trưa 23/7 sau khi đi thị sát công tác chống dịch ở địa phương này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia cho rằng Đồng Nai thực hiện chưa nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đường sá vẫn đông người.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh phải làm nghiêm, kỷ luật người đứng đầu những tổ, ấp, phường, xã nếu có người về từ TP HCM mà không cách ly. "Đồng Nai cần rà soát từng xóm, từng xã, từng khu vực, khoanh vùng các khu phong tỏa để sớm làm sạch F0 trong cộng đồng. Xét nghiệm phải quây khu vực thật nhỏ không tràn lan, phải giãn cách thật tốt", ông Đam nói.
Ngày 23/7, Việt Nam phát hiện 7.295 ca nhiễm mới, tăng 1.131 so với hôm qua. Đây là ngày cả nước ghi nhận số ca nhiễm cao nhất từ khi Covid-19 xuất hiện . Các ca mắc mới ở 37 tỉnh thành, chủ yếu tại TP HCM (4.913), Bình Dương (608), Long An (602). Trong đó, 6.021 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (tăng 857 ca), 1.274 ca đang điều tra dịch tễ (tăng 274 ca).
Hôm qua, hơn 1,2 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca theo hợp đồng Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) đặt mua, về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là lần giao vaccine AstraZeneca thứ 5, với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều của VNVC .
Hữu Công