Thông tin được Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Dương đưa ra trong buổi họp báo sáng 23/7, khi tỉnh đã ghi nhận 5.368 ca nhiễm, trong đó 13 ca tử vong.
Hiện, dịch bệnh đã lan ra 3 thành phố, 2 thị xã và 4 huyện. Trong đó tập trung nhiều nhất ở các đô thị đông công nhân như: TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát.
Kế hoạch xây dựng các bệnh viện dã chiến mới với tổng quy mô 10.000 giường sẽ được triển khai nhanh, bởi tỉnh hiện chỉ có 11 khu điều trị với hơn 4.000 giường và đang điều trị cho 3.498 bệnh nhân. Trong đó có 44 phụ nữ mang thai, 38 người trên 65 tuổi, 72 người có bệnh lý nền, 94 người có diễn biến nặng.
Trong đợt dịch thứ tư này, tỉnh phát hiện 46 ổ dịch, phần lớn từ chuỗi lây nhiễm tại TP HCM với biến chủng Delta. Trong đó, 42 ổ dịch chưa được kiểm soát, bao gồm: 20 ổ dịch trong tỉnh, 10 ổ dịch lây lan thứ phát có nguồn lây từ ổ dịch tại TP HCM và 12 ổ dịch chưa rõ nguồn lây (phát hiện qua test nhanh tại các cơ sở y tế).
Kết quả truy vết các ổ dịch ghi nhận gần 13.000 F1, 34.000 F2, hiện còn 12.000 người cách ly tập trung, 25.300 người cách ly tại nhà. Toàn tỉnh có 88 cơ sở cách ly tập trung, khả năng đáp ứng khoảng 50.000 giường, và đang tiếp tục mở rộng lên 100.000 giường trong thời gian tới.
Sau khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ ngày 9/7), có 3.084 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương châm "ba tại chỗ" (sản xuất, ăn, ở tại công ty) và "một cung đường, hai điểm đến" (một cung đường chở công nhân từ nơi ở đến công ty) với gần 369.000 lao động đăng lý làm việc.
Tỉnh có 12 máy RT-PCR với năng lực xét nghiệm 8.000 mẫu đơn mỗi ngày (tương đương 80.000 mẫu gộp 10 người), đang vận động thực hiện xã hội hóa xét nghiệm với doanh nghiệp có năng lực để nâng lên trên 100.000-300.000 mẫu gộp mỗi ngày.
Ngành y tế đang lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng Covid-19 bằng phương pháp test nhanh kết hợp Realtime-PCR cho 1,8 triệu người (toàn tỉnh hơn 2,4 triệu dân, năm 2019). Trong đó ưu tiên triển khai test nhanh tại các công ty, xí nghiệp và tầm soát bằng phương pháp lấy mẫu gộp cho người dân sinh sống trong các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch trong cộng đồng.
Để đảm bảo lấy mẫu nhanh có trọng tâm và nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh đã thành lập 600 đội lấy mẫu cơ động, huy động toàn bộ lực lượng cán bộ y tế, kể cả các cơ sở y tế tư nhân, các trường đào tạo y khoa, sinh viên từ trường y khoa do Bộ Y tế chi viện.
Ngoài công tác dập dịch, Bình Dương cũng đang đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine. Hiện, 63.091 người đã tiêm mũi một và 4.115 người đã tiêm mũi 2.
Phước Tuấn