"Giãn cách phải ra giãn cách, người dân còn đi đầy đường", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói với lãnh đạo Đồng Nai trưa 23/7, sau khi đi thị sát công tác chống dịch ở địa phương này. Hiện, số ca nhiễm ở tỉnh tăng lên 2.006, trong đó 1.878 ca được ghi nhận trong 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh phải làm nghiêm lại, sai ở khâu nào xử lý khâu đó. Kỷ luật người đứng đầu những tổ, ấp, phường, xã nếu có người về từ TP HCM mà không cách ly. "Đồng Nai cần rà soát từng xóm, từng xã, từng khu vực, khoanh vùng các khu phong tỏa để sớm làm sạch F0 trong cộng đồng. Xét nghiệm phải quây khu vực thật nhỏ không tràn lan, phải giãn cách thật tốt", ông Đam nói.
Chủ tịch UBND Đồng Nai Cao Tiến Dũng thừa nhận một số nơi thực hiện Chỉ thị 16 chưa nghiêm túc, ý thức của người dân chưa cao. "Lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo nơi nào thực hiện không nghiêm sẽ kỷ luật lãnh đạo địa phương đó", ông Dũng nói.
Riêng tại Biên Hòa - địa phương có 1,2 triệu dân ở 30 xã, phường, sau hai tuần giãn cách xã hội, thành phố đã lập biên bản hơn 1.059 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn một tỷ đồng. Trong đó, 20 tổ kiểm tra của thành phố xử phạt 644 trường hợp, số còn lại do 6 tổ tuần tra và lực lượng của 30 phường, xã phối hợp xử lý.
Theo ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, đợt dịch lần thứ 4, tỉnh xuất hiện ca dương tính đầu tiên là người về từ Đà Nẵng hôm 4/5. Đến ngày 27/6, Đồng Nai ghi nhận hàng loạt ca dương tính liên quan đến chợ Hóc Môn, TP HCM. Trong cuối tháng 6 và đầu tháng 7, phát sinh thêm các ca nhiễm liên quan đến chợ Bình Điền, chợ Thủ Đức (TP HCM) và các chợ ở Đồng Nai.
Ông Vũ đánh giá hiện dịch đã lây nhiễm thứ phát và len lỏi vào doanh nghiệp, nhà trọ... Phức tạp nhất là chuỗi lây nhiễm ở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (40.000 công nhân) đã lan rộng vào các xóm trọ tại TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu. Trong 10 ngày, số ca nhiễm ổ dịch này đã tăng từ khoảng 20 ca lên trên 300 ca.
Hiện, TP Biên Hòa ghi nhận 1.025 ca, huyện Vĩnh Cửu 290 ca, huyện Nhơn Trạch 186 ca, huyện Thống Nhất 157 ca, huyện Trảng Bom 118 ca. Hơn 40 doanh nghiệp phát hiện ca dương tính và gần 30 nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19. Tỉnh đã phong tỏa 100 khu dân cư với khoảng 400.000 nhân khẩu.
Là địa bàn chiếm hơn 50% ca nhiễm toàn tỉnh, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho biết, các ca nhiễm trong cộng đồng hiện rất phức tạp, đã lây đến F3, F4. "Các ca nhiễm bệnh khai báo y tế thiếu trung thực nên việc truy vết gặp khó khăn. Công nhân tập trung ở khu nhà trọ đông nên nguy cơ lây nhiễm cao và lây vào nhiều doanh nghiệp khác qua khu nhà trọ", ông Nguyên nói.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai, dịch vẫn đang có xu hướng lan rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh, nguồn lây nhiễm cộng đồng phức tạp, khó kiểm soát. Số ca ghi nhận hàng ngày vẫn theo chiều hướng tăng. Hiện, các địa phương tích cực test nhanh tầm soát, sàng lọc tại các chợ, khu nhà trọ, trong doanh nghiệp...
Đồng Nai đã thành lập 121 tổ liên ngành, đã kiểm tra được 1.298 trên 1.628 doanh nghiệp. Tổng số lao động được xét nghiệm là 98.000 người. 612 doanh nghiệp đang thực hiện mô hình "ba tại chỗ" (sản xuất, ăn ở tại công ty), "một cung đường, hai địa điểm" (một đường chở công nhận từ chỗ ở đến nơi sản xuất) với khoảng 84.000 lao động. Các doanh nghiệp không đủ điều kiện phải ngưng hoạt động.
Về công tác điều trị, Đồng Nai đã chuyển đổi công năng 3 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, một trung tâm y tế huyện thành các bệnh viện điều trị Covid-19. Thành lập 6 bệnh viện dã chiến và 2 khu điều trị ca nặng tại 2 bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 100 giường. Tổng số giường cho bệnh nhân Covid-19 đến nay là 4.000. Thời gian tới tỉnh sẽ lập thêm 2 bệnh viện dã chiến với quy mô 2.600 giường và một cơ sở hồi sức tích cực khoảng 140 giường.
Tại buổi làm việc, Bộ Y tế cho biết, những ngày tới sẽ điều động 2 máy xét nghiệm từ Bình Dương sang để hỗ trợ Đồng Nai xét nghiệm.
Phước Tuấn