Sau 44 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP HCM hôm nay bước vào hai tuần siết chặt giãn cách nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch trước ngày 15/9 mà Nghị quyết 86 của Chính phủ đã đặt ra.
Trong thời gian này, Bộ Quốc phòng huy động khoảng 35.000 dân quân tự vệ cùng hàng nghìn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân đoàn 4 tham gia. Đồng thời, hơn 2.000 bác sĩ và nhân viên y tế; 30 xe cứu thương của quân đội ở phía Bắc sẽ được điều động vào TP HCM tham gia xét nghiệm, chữa trị cho bệnh nhân.
"Quân đội nhân dân Việt Nam có ba nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Nhiệm vụ hỗ trợ TP HCM là thực hiện chức năng của đội quân công tác, gần dân, trọng dân", Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nói.
Để thực hiện triệt để giãn cách, trong hai tuần từ 23/8 đến 6/9, chỉ có 11 nhóm công việc được ra đường và thực hiện nguyên tắc "ba tại chỗ" hoặc "một cung đường hai điểm đến". Lực lượng chức năng sẽ kiểm soát chặt nhóm người được cấp giấy đi đường.
Người dân được yêu cầu không ra đường, không mua hàng trực tiếp. Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện, công an, quân đội sẽ "đi chợ hộ" cho người dân với tần suất một lần/tuần. Người dân khó khăn sẽ được cấp phát túi an sinh miễn phí, đảm bảo không bỏ sót.
Theo tính toán của thành phố, nhu cầu tiêu dùng bình quân một ngày của 9,4 triệu dân khoảng 11.000 tấn gồm gạo, lương thực chế biến khô, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, muối, nước chấm, dầu ăn... Ngoài ra, nhu cầu nước uống là 19 triệu lít mỗi ngày; khẩu trang gần 629.000 cái mỗi ngày.
Thành phố cũng sẽ lập 400 trạm y tế lưu động để chăm sóc, hỗ trợ điều trị nhằm quản lý, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác, tiêm vaccine..., giúp người dân nhanh chóng tiếp cận y tế.
Hai tuần này, TP HCM sẽ lấy mẫu xét nghiệm toàn dân. Trong đó, toàn bộ người dân trong "vùng cam" (nguy cơ cao) và "vùng đỏ" (nguy cơ rất cao) sẽ được xét nghiệm nhanh mẫu đơn. Đội tiêm vaccine di động đến tận nhà dân để tiêm; tổ chức đội tiêm ở địa điểm phù hợp, bên trong hoặc sát khu phong tỏa, mời từng hộ ra tiêm, có thể tổ chức vào buổi tối...
Bình Dương - vùng dịch lớn thứ hai cả nước sau TP HCM hôm qua ghi nhận 3.795 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư đến nay lên 70.242.
Từ 0h ngày 22/8, Bình Dương nâng mức giãn cách xã hội với 11 phường ở TP Thuận An và Tân Uyên, với tinh thần "ai ở đâu ở yên đó", tuyệt đối thực hiện "người cách ly người, nhà cách ly nhà". Tỉnh triển khai đợt 2 về chiến lược xét nghiệm diện rộng nhằm quét F0 ra khỏi cộng đồng; đồng thời tập trung vào khâu thu dung, điều trị, giảm nguy cơ tử vong.
PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 tại Bình Dương cho biết những ngày qua số ca mắc mới của Bình Dương tăng cao. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân ra viện cũng lập kỷ lục khi có ngày gần 5.000 người khỏi bệnh.
"Thời điểm này, Bình Dương đang ở đỉnh dịch, vì số ca nhiễm mới và số người ra viện đang đi song song", ông Hiếu nói và cho rằng hệ thống điều trị theo mô hình "tháp 3 tầng" của tỉnh đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, còn vô vàn khó khăn ở trước mắt, không thể chủ quan.
Hôm qua, cả nước ghi nhận 11.208 ca ở 36 tỉnh thành, nâng tổng số ca nhiễm cả nước trong đợt dịch thứ tư lên 343.973. TP HCM vẫn là vùng dịch lớn nhất với 175.994; tiếp đó là Bình Dương 70.242, Long An 17.805, Đồng Nai 17.688, Tiền Giang 7.284...
Hữu Công