Khẳng định "không phong tỏa thành phố trong hai tuần tới", Ban chỉ đạo chống dịch TP HCM chiều 21/8 cho biết chỉ tiếp tục nâng cao các biện pháp, tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch.
Theo Ban chỉ đạo, việc siết chặt dựa trên 4 yếu tố: Trung ương tăng cường thêm quân đội, công an, y tế cùng với lực lượng thành phố sẵn có; thêm thiết bị, thuốc men phù hợp với tình hình dịch bệnh đang tăng nhanh; cung cấp thêm lương thực phẩm cho người dân và cuối cùng thực hiện nghiêm hơn Chỉ thị 16.
Hai ngày qua, người dân đã ùn ùn đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men sau thông báo "ai ở đâu yên đó" từ 23/8. Các siêu thị, hiệu thuốc nêm kín người.
Từ 0h ngày mai đến 6/9, thành phố tạm ngưng hoạt động của lực lượng giao hàng bằng công nghệ (shipper) tại 8 quận huyện Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 8, 12 và TP Thủ Đức. Đây là các đơn vị có ca nhiễm cộng đồng cao, từ 119 đến 320 ca trong ngày 21/8, theo dữ liệu từ Cổng thông tin Covid-9 TP HCM. Các quận huyện còn lại, shipper được hoạt động song không ra khỏi địa bàn và phải có dấu hiệu nhận diện riêng.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của thành phố, Trung ương đóng trên địa bàn thực hiện phương án "ba tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến", tối đa 1/4 quân số và phải có mặt tại cơ quan trước 0h ngày 23/8.
Chính quyền chia địa bàn thành các vùng với nguy cơ khác nhau. Người dân ở "vùng xanh" (an toàn), "vùng vàng" (nguy cơ thấp) và có điều kiện được tự đi chợ một lần trong tuần. Người dân ở "vùng cam" (nguy cơ cao) và "vùng đỏ" (nguy cơ rất cao) chưa cần hỗ trợ, tổ công tác sẽ đi chợ giúp một tuần một lần, người dân trả tiền. Người khó khăn ở cả bốn vùng trên sẽ nhận được suất hỗ trợ đồ ăn, nhu yếu phẩm.
Về y tế, thành phố sẽ lập 400 trạm lưu động. Nhân sự gồm y bác sĩ địa bàn và lực lượng tăng cường của thành phố hoặc trung ương. Các trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà, hỗ trợ điều trị bệnh lý nền khác, tiêm vaccine... đảm bảo nhu cầu y tế cho nhân dân.
Về an sinh, thành phố cùng lúc triển khai ba gói hỗ trợ lao động nghèo, người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM đang đề nghị hỗ trợ hơn một triệu hộ lao động nghèo và 669.000 lao động tự do, kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Số hộ nghèo được đề nghị bổ sung là diện sống trong các khu nhà trọ, lưu trú công nhân, khu phong tỏa. Mức đề xuất 1,5 triệu đồng mỗi hộ. Quận, huyện tạm ứng ngân sách địa phương để chi khẩn cấp.
Hôm qua, các chuyến bay liên tục khởi hành từ Nội Bài (Hà Nội), hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất (TP HCM), đưa hàng trăm công an, bộ đội quân y hỗ trợ thành phố chống dịch. 37 cảnh sát giao thông cùng 200 cơ động được tăng cường cho các tỉnh phía nam. Các chiến sĩ có nhiệm vụ giữ trật tự an toàn giao thông, phòng chống dịch tại cửa ngõ TP HCM.
Đoàn gần 300 quân nhân Học viện Quân y cùng trang thiết bị y tế cũng đã lên đường từ chiều 21/8. Đoàn sẽ chia làm 60 tổ đến nhà thăm khám, chăm sóc F0 và làm các nhiệm vụ khác khi được giao. Từ nay đến 23/8, thêm 600 cán bộ, nhân viên quân y và trang thiết bị sẽ theo đường hàng không vào Nam chống dịch. Tổng cộng, lực lượng quân y khoảng 2.300 người đang làm nhiệm vụ tại 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, điều trị Covid-19 ở TP HCM.
Ở miền Trung, Đà Nẵng, Nghệ An đối mặt với nguy cơ cao khi dịch lan rộng, ca nhiễm cộng đồng tăng. Đà Nẵng kéo dài chỉ thị "ở yên trong nhà" tới 26/8, trong bối cảnh ca nhiễm cộng đồng ba ngày không giảm. Hôm qua, thành phố ghi nhận 197 ca dương tính, cao nhất trong 5 đợt dịch bùng phát. Trong đó, 31 ca được phát hiện từ lấy mẫu đại diện hộ gia đình, cho thấy nguy cơ F0 còn lẩn khuất trong cộng đồng rất lớn.
Riêng ổ dịch tại chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu) có "nguy cơ rất cao" khi số nhiễm đã xấp xỉ 700 ca sau 9 ngày phát hiện. Thành phố đang tập trung xét nghiệm 100% dân cư. Hầu hết người dân được lấy mẫu lần hai, theo diện xét nghiệm đại diện hộ gia đình.
Các ca nhiễm cộng đồng ở Nghệ An đang tăng, ghi nhận 13 ca trong vòng 24h. Lần đầu tiên tỉnh phát hiện ca dương tính là công nhân trong nhà máy ở Yên Thành. Diễn biến dịch "hết sức phức tạp" khi tỉnh liên tiếp phát hiện ca nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây. Riêng TP Vinh đã tạm ngừng hoạt động 9 chợ do liên quan ca nhiễm.
14 huyện, thị trong tỉnh Nghệ An đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, các huyện thành còn lại áp dụng Chỉ thị 15.
Hà Nội sẽ cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 thêm nửa tháng, cho đến 6/9. Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu ngành y tế sẵn sàng phương án điều trị 30.000 ca nhiễm; Bộ tư lệnh Thủ đô cùng các quận huyện nâng công suất các khu cách ly tập trung đáp ứng 70.000 chỗ cho F1.
Hai ngày liên tiếp, chính quyền đã phong tỏa nhiều khu vực đông dân cư ở các quận Đống Đa, Hoàng Mai. Đống Đa phong tỏa hai phường Văn Miếu và Văn Chương với 21.000 cư dân vào chiều 21/8 sau khi ghi nhận tổng cộng 24 ca (Văn Miếu 22, Văn Chương 2).
Hôm 19/8, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cũng phong tỏa tòa chung cư HH4C thuộc khu đô thị Linh Đàm sau khi phát hiện 9 ca nhiễm.
Hôm qua, số nhiễm trong ngày tiếp tục lập đỉnh mới với hơn 13.400 ca. Bình Dương ngày thứ hai liên tiếp vượt TP HCM về số ca nhiễm trong ngày, sau khi bổ sung lên hệ thống hơn 2.000 trường hợp từ những ngày trước. Tổng nhiễm cả nước vượt 332.300 ca.
Hồng Chiêu