Ca nhiễm mới gồm 4.232 trường hợp phát hiện ở khu cách ly hoặc đã được phong tỏa; 6.407 ca cộng đồng. Tổng ca nhiễm hôm qua tăng 1.995 ca so với ngày trước đó. Ngày có số ca nhiễm cao hai là 14/8 (9.710 ca); ngày cao thứ ba là 8/8 (9.684).
TP HCM vẫn ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước, với 4.425 ca; Bình Dương 3.255. Cả nước đang có 660 bệnh nhân nặng điều trị ICU; 27 bệnh nhân nguy kịch điều trị ECMO.
Như vậy, từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận tổng số 312.611 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỷ lệ số ca nhiễm trên một triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 169 (bình quân một triệu người có 3.180 ca nhiễm).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam đến nay là 7.150 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc; tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
Bên cạnh số ca nhiễm tăng cao, hôm qua cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực khi 5.000 người được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca Covid-19 được chữa khỏi lên 120.059 người. Bắc Kạn, Quảng Ninh đã qua 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới; 5 tỉnh khác qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới.
Tại cuộc họp với TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai ngày 19/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ lập mô hình trạm y tế lưu động chăm sóc người nhiễm Covid-19. Các trạm y tế dự kiến được lập tại xã, phường, khu đông dân, nơi nhiều người nhiễm.
Bộ Y tế khuyến nghị chọn bất kỳ địa điểm nào từ nhà thi đấu, nhà văn hóa, UBND xã phường, phòng khám tư nhân; nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà dân rộng rãi, cách biệt khu vực xung quanh. Trạm có từ một đến hai bác sĩ và 5-7 cán bộ y tế khác tùy điều kiện từng nơi. Tại đây cần có ít nhất hai bình oxy trở lên với đầy đủ mặt nạ (để thay phiên nhau); túi thuốc cấp cứu lưu động.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, chiến lược điều trị Covid-19 của thành phố tập trung 2 trụ cột chính là theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà và chữa trị bệnh nhân tại bệnh viện.
TP HCM có khoảng 15.000 F0 đang chăm sóc, điều trị ở nhà, phân bố khắp các xã, phường. Họ là những người không có bệnh nền, không triệu chứng hoặc có nồng độ virus thấp sau 7 ngày điều trị ở viện.
Để tăng cường hiệu quả chăm lo F0 tại nhà, ông Phong đề nghị các địa phương phải xác định từng khu phố có bao nhiêu F0. Khoảng 10-20 F0 lại bố trí một trạm oxy gắn với tổ phản ứng nhanh. Các quận huyện ở TP HCM đang triển khai biện pháp này.
Ông Phong đồng tình với ý tưởng nâng cấp các trạm oxy này thành trạm y tế lưu động, bổ sung nhân lực, trang thiết bị, test nhanh...
Tại cuộc họp với 12 tỉnh, thành phía Tây Nam, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ mục tiêu khu vực này phải kiểm soát được dịch trước ngày 25/8. Từ ngày 27/7 đến nay, 12 địa phương này ghi nhận 19.754 ca Covid-19, chiếm 6,8% số ca nhiễm cả nước và 7,5% số ca ở 19 tỉnh phía Nam.
Ông Tuyên nhấn mạnh, các tỉnh kiểm soát, không cho dịch xâm nhập từ ngoài vào và không để dịch bùng phát từ bên trong. Nếu địa phương đủ năng lực tổ chức các khu cách ly tập trung thì đưa F1 cách ly tập trung. Đồng thời, các tỉnh đẩy nhanh tầm soát xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Khi phát hiện F0 phải truy vết nhanh, hạn chế nguy cơ "vòng xoáy lây lan" từ cộng đồng sang khu công nghiệp hoặc ngược lại.
Về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã kiến nghị Chính phủ cấp 130.000 tấn gạo để hỗ trợ cho 8,6 triệu người nguy cơ thiếu đói tại 24 tỉnh, thành. Theo đó, mỗi nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 15 kg gạo trong một tháng.
Các tỉnh, thành được đề xuất cấp gạo gồm: TP HCM 71.000 tấn (địa phương đề xuất 142.000 tấn); Bình Dương 11.325 tấn; Đồng Tháp 5.883 tấn; Cần Thơ 5.015 tấn; Bình Thuận 4.018 tấn; An Giang 3.362 tấn; Đồng Nai hơn 3.100 tấn; Tiền Giang 3.000 tấn; Cà Mau 2.862 tấn; Bến Tre 2.408 tấn; Bà Rịa – Vũng Tàu 2.283 tấn; Kiên Giang 2.278 tấn; Vĩnh Long 2.103 tấn; Phú Yên 1.852 tấn; Khánh Hòa 2.000 tấn; Trà Vinh gần 1.739 tấn; Đà Nẵng 1.630 tấn; Bình Định 1.000 tấn; Long An 807 tấn; Ninh Thuận 577 tấn; Đắk Nông 577 tấn; Đăk Lăk 534 tấn; Nghệ An 341 tấn; Tây Ninh 336 tấn.