Là vùng dịch lớn thứ hai cả nước, Bình Dương ngày 20/8 ghi nhận 4.223 ca, vượt số ca nhiễm ở TP HCM (3.375) - vùng dịch lớn nhất nước. Tổng số ca nhiễm ở địa phương này trong đợt dịch thứ tư đã xấp xỉ 60.000 ca.
Giáp Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và TP HCM, Bình Dương có 2,5 triệu dân, là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất phía Nam với gần 50.000 doanh nghiệp, 1,2 triệu lao động. Nhiều khu nhà trọ đan xen với nhà máy, xí nghiệp. Vì vậy, theo Sở Y tế, mầm bệnh xâm nhập từ các khu trọ vào công ty, nhà xưởng, rồi từ công nhân lan ra nhiều khu trọ khác, tạo thành các ổ dịch lớn.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hồng Chương, tổng cộng Bình Dương có 22 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, với 15.627 giường, 2.851 người phục vụ, chăm sóc. Số bệnh nhân quá đông, hệ thống điều trị và nhân lực y tế tại Bình Dương đang chịu nhiều áp lực.
Làm việc với tỉnh Bình Dương 3 hôm trước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ tiếp tục chi viên thêm lực lượng y tế để hỗ trợ tỉnh này chống dịch, đồng thời yêu cầu Bình Dương sắp xếp lại nhân lực điều trị cho hợp lý hơn.
Ông Long cũng đề nghị tỉnh Bình Dương nghiên cứu, áp dụng công thức 5 điểm chống dịch mà Bộ trưởng đã đề nghị triển khai tại TP HCM, bao gồm: Thực hiện nghiêm giãn cách là cơ bản, quan trọng và quyết định; An sinh xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Xét nghiệm là then chốt; Giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; Vaccine là chiến lược lâu dài.
TP HCM hôm nay ghi nhận 3.375, giảm 1.050 ca so với hôm qua. Tổng số ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư ở đô thị 10 triệu dân là 167.717, nhiều nhất nước.
Sau 82 ngày giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ 15, 16, 16 tăng cường, hôm qua Ban chỉ đạo chống Covid-19 TP HCM công bố sẽ tiếp tục nâng cao biện pháp chống dịch với yêu cầu "ai ở đâu yên đó" từ 0h ngày 23/8.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng, để người dân thực hiện quy định giãn cách trên, thành phố dự kiến cung cấp các mặt hàng thiết yếu theo giá trị dinh dưỡng, từ đó tính cụ thể, chi tiết số lượng hàng hóa (gạo, đường, nước mắm, dầu ăn...) mỗi ngày.
Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương, phối hợp 22 quận huyện triển khai xuống phường, xã để thống kê số lượng cửa hàng tiện lợi, tiện ích cũng như khảo sát nhu cầu của người dân, từ đó siết chặt hơn một bước, không để người dân tự đi chợ mà tổ chức "cung ứng" theo 2 hình thức (người dân tự trả tiền và được hỗ trợ miễn phí).
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ cho biết, lực lượng quân đội sẽ lập các đội công tác đặc biệt với sự tham gia của cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên... vừa làm công tác tuyên truyền vận động, giám sát người dân thực hiện nghiêm việc cách ly vừa đưa lương thực, thực phẩm, gói an sinh, gói thuốc điều trị đến từng hộ.
Ngoài ra, lực lượng quân y cũng sẽ cùng các trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng tham gia điều trị, hỗ trợ y tế cho người nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà cũng như các trường hợp y tế khẩn cấp khác.
Để bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân trong 15 ngày, Thượng tướng Võ Minh Lương đề nghị các bộ, ngành, trong đó có quân đội, công an, ngành công thương hợp tác giải quyết vấn đề này.
TP Hà Nội đã bước qua 27 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Đến nay, toàn thành phố ghi nhận 2.474 trường hợp dương tính (không tính số ca nhiễm ghi nhận tại các bệnh viện tuyến Trung ương). Trong gần một tháng giãn cách, số ca bệnh mới của thành phố trung bình 60-80 ca mỗi ngày, hôm cao nhất hơn 100 trường hợp.
Ngày 20/8, Thủ đô quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày đến 6h ngày 6/9, sau khi hết giãn cách đợt 2 vào ngày 23/8.
Hôm qua là ngày ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất từ khi dịch xuất hiện với 10.650 ca, nâng tổng số ca nhiễm cả nước trong đợt bùng phát dịch thứ tư lên 319.210.
Hữu Công