Naoto Ueyama, người đứng đầu Hiệp hội Bác sĩ Nhật Bản, cảnh báo việc vận động viên từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ tới tham dự Thế vận hội Toyko, dự kiến diễn ra sau 8 tuần nữa, sẽ gây nguy hiểm và nguy cơ tạo ra "biến chủng Olympic".
"Tất cả chủng virus đột biến ở những nơi khác nhau sẽ tập trung tại Tokyo. Chúng ta không thể phủ nhận khả năng một chủng virus mới xuất hiện", Naoto Ueyama nói trong cuộc họp báo ngày 25/5. "Nếu tình huống đó xảy ra, virus mới có thể được đặt tên là 'biến chủng Olympic Tokyo' và sẽ trở thành mục tiêu công kích, thậm chí trong 100 năm tới".
Kenji Shibuya, giám đốc Viện Sức khỏe Dân số thuộc Đại học Hoàng gia ở London, cho rằng đột biến virus chỉ xảy ra ở cơ thể những người bị suy giảm miễn dịch hoặc được miễn dịch một phần trong thời gian dài. Tuy nhiên, Shibuya cảnh báo tình hình tại Nhật Bản "nguy hiểm hơn trong Thế vận hội Tokyo".
Nhật Bản cam kết tổ chức một kỳ Thế vận hội an toàn tại Tokyo sau một năm trì hoãn vì Covid-19, song đang chật vật đối phó đợt bùng phát thứ 4 và chuẩn bị mở rộng tình trạng khẩn cấp trên khắp đất nước.
Các quan chức Nhật Bản, đơn vị tổ chức Thế vận hội và Ủy ban Thế vận hội Quốc tế (IOC) đều tuyên bố sự kiện này sẽ diễn ra và tuân theo các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Khán giả nước ngoài bị cấm tham dự các trận đấu. Nhật Bản dự kiến đưa ra quyết định với khán giả trong nước vào tháng 6.
Bất chấp các biện pháp này, nhiều người vẫn lo ngại nguy cơ nCoV lây lan khi các đoàn vận động viên và quan chức đổ về Nhật Bản, nơi chương trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp với chỉ hơn 5% dân số được tiêm vaccine Covid-19.
Tờ Asahi Shimbun ngày 26/5 đăng bài xã luận hối thúc hủy bỏ Thế vận hội Tokyo, song cựu phó chủ tịch IOC Dick Pound nói "sự kiện thể thao hoành tráng này nên được tiếp tục".
Các quan chức cho biết chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị gia hạn tình trạng khẩn cấp trên hầu hết địa phương, dự kiến kết thúc ngày 31/5. Tình trạng khẩn cấp có thể kéo dài sang tháng 6 và kết thúc vài tuần trước khi Thế vận hội khai mạc ngày 23/7.
John Coates, thành viên IOC, nói Thế vận hội có thể tổ chức ngay cả trong tình trạng khẩn cấp. Chuyên gia Ueyama bày tỏ phẫn nộ trước ý kiến này. "Dân Nhật Bản rất tức giận với điều này. Các chuyên gia y tế và chăm sóc sức khỏe càng phẫn nộ hơn nữa", Ueyama nói.
Mỹ hồi đầu tuần khuyến cáo công dân không nên đến Nhật Bản, song đơn vị tổ chức Thế vận hội cho biết điều này không ảnh hưởng đến sự kiện. Nhà Trắng ngày 26/5 thông báo đã được chính phủ Nhật Bản đảm bảo giữ liên lạc chặt chẽ về lo ngại liên quan Thế vận hội.
Tuy nhiên, các liên đoàn thể thao lớn của Australia và những người đặt niềm tin vào Thế vận hội vẫn tranh cãi về kế hoạch dự phòng, sau khi giới chức thông báo áp lệnh phong tỏa 7 ngày tại bang Victoria ở miền nam để ngăn đợt bùng phát Covid-19 ở Melbourne.
Tỉnh Chiba của Nhật Bản, giáp thủ đô Tokyo, ngày 27/5 thông báo hủy bỏ hoạt động rước đuốc Thế vận hội do lo ngại dịch bệnh lây lan. Đây là địa phương mới nhất của Nhật Bản thu hẹp quy mô các sự kiện liên quan Thế vận hội.
Covid-19 bùng phát tháng 12/2019, xuất hiện tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 169 triệu ca nhiễm, hơn 3,5 triệu ca tử vong và gần 151 triệu người đã bình phục. Nhật Bản là vùng dịch lớn thứ 35 trên thế giới với gần 726.000 ca nhiễm và gần 12.500 ca tử vong.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)