"Thật là một cảm giác kỳ lạ, từ thói quen chạy cùng một nhóm vào mỗi cuối tuần trong hơn năm năm, đến việc không gặp ai trong hầu hết một năm qua", cua-rơ bán chuyên người Anh Stephen Adjaidoo nói về những thay đổi của bản thân sau một năm Covid-19.
Kể từ khi bùng phát trên toàn thế giới trong tháng 3/2020, đại dịch đã làm được việc ấy - thay thế nhịp điệu đều đặn trong cuộc sống của mỗi người bằng một sự trống trải lặng lẽ. Nhiều người ban đầu bối rối, tự hỏi bản thân phải làm gì. Họ không nhận ra bản thân gắn liền với những gì, cho đến khi nó biến mất.
Khi thế giới xung quanh trở nên hỗn loạn, các hoạt động thể thao cộng đồng trở nên khó thực hiện. Các vận động viên cảm nhận rõ nhất việc họ đánh mất những thứ quý giá trong cuộc sống, dù người ngoài khó có thể cảm nhận được. Đó là các giải đấu, những cuộc đua bị huỷ bỏ, các buổi tập luyện theo nhóm không còn, những bữa cafe sau khi hoàn thành bài tập để động viên nhau cũng biến mất. Nếu so với những mất mát khác trên thế giới này trong hơn một năm trải qua Covid-19, ngần đó quả là không đáng để nhắc tới. Nhưng thay đổi trong đời sống - tập luyện của các VĐV vẫn mang lại những tổn thất.
Tại sao một người lại duy trì việc đạp xe mỗi sáng sớm? Tại sao chúng ta tự đẩy bản thân tới những giới hạn của mình và tiến xa hơn nữa để phá vỡ các rào cản về thời gian? Hãy nhìn lại cái cách mà thể thao đã thay đổi mỗi người trong 12 tháng qua. Nó đã dạy mỗi người điều gì? Tại sao chúng ta vận động cơ thể? Hãy nghe chính những vận động viên chia sẻ kinh nghiệm chơi thể thao của họ trong thời gian diễn ra Covid.
Tập luyện trong nhà
Vào tháng 3/2020, thế giới "đóng cửa". Với nhiều người, cuộc sống cũng thu hẹp lại. Mọi thứ bị dồn nén lại trong không gian của một ngôi nhà, một căn hộ, khi mọi chính phủ yêu cầu người dân ở nhà nhiều nhất có thể. Phòng khách được trưng dụng làm phòng tập thể dục tạm thời. Các hoạt động thể thao bên ngoài đi kèm với khẩu trang và không có bạn đồng hành.
Carla Alfonso là một nhà khoa học thần kinh, có bằng thạc sĩ Tâm lý học Thể thao đến từ Barcelona, Tây Ban Nha. Cô dành thời gian giãn cách xã hội ở nhà, mơ về những chuyến phiêu lưu trên chiếc xe đạp và tập luyện bằng cách đạp tại chỗ, trên ru-lô.
"Thời gian khó khăn nhất là tháng cách ly đầu tiên ở Tây Ban Nha, từ tháng Ba tới tháng 4/2020. Lý do khiến tôi tập thể thao là có cơ hội ra ngoài trời, ngắt kết nối với công việc - học tập và chia sẻ trải nghiệm với mọi người. Nhưng tất cả điều này đột nhiên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thách thức của tôi là tìm ra những động lực khác, định hướng lại bản thân và thay đổi kỳ vọng, mục tiêu cho các giải đấu, để tiếp tục theo đuổi thể thao", cô nói.
Stephen Adjaidoo là người sáng lập LDN Brunch Club, một nhóm điều hành có trụ sở tại London và là giám đốc dự án cấp cao của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Anh dành thời gian cách ly để tập thể dục tại nhà và đạp xe trong nhà.
"Chỉ đến khi tất cả các cuộc đua bị hoãn hoặc hủy bỏ, tôi mới nhận ra mình đã sắp xếp cuộc sống của mình như thế nào - tập luyện, nghỉ ngơi... - xoay quanh các cuộc đua", Adjaidoo kể. "Nếu không có điều này trong đại dịch, tôi đã đánh mất vài thói quen mình có trước đây. Lúc đó, nếu muốn chạy marathon vào mùa xuân hoặc mùa thu, tôi biết khi nào mình nên bắt đầu luyện tập và khi nào mình được nghỉ ngơi".
Latoya Snell là một VĐV được tài trợ để tập luyện ở New York, Mỹ. Cô cũng là người sáng tạo nội dung và sáng lập blog thực phẩm và tập luyện Running Fat Chef. Trong thời gian giãn cách xã hội, cô đã kêu gọi trên mạng xã hội, quyên góp được hơn 20.000 USD ủng hộ các tổ chức hỗ trợ cộng đồng người da màu.
"Chỉ vài tháng trong đại dịch Covid-19, tôi đã mất đi 13 người quanh mình và gặp một số vấn đề sức khoẻ khác, tinh thần của tôi thật sự bị ảnh hưởng. Theo cách nào đó, tình yêu của tôi dành cho hoạt động ngoài trời đã trở thành cuộc đấu tranh không ngừng. Tôi thích vận động, nhưng thay đổi đột ngột sang tình trạng bình thường mới - đeo khẩu trang và được khuyến khích ở nhà - đã thay đổi suy nghĩ của tôi một chút. Là người thích hoạt động ngoài trời, tôi hạn chế tiếp xúc bằng cách tạo ra một phòng tập riêng cho mình ở phòng khách, đôi khi chuyển ra sân trước nhà và phòng ngủ".
Aline Carvalho ở Rio de Janeiro, Brazil, là kỹ sư sản xuất tại một công ty hậu cần. Cô là VĐV nghiệp dư trong gần 20 năm và từng tham gia 18 cuộc thi chạy marathon. "Việc phải tập luyện trong nhà là thử thách rất lớn. Chủ yếu bạn phải tạo ra một thói quen mới. Sự tự do giả tạo khi ở trong nhà và có thể tập luyện bất cứ lúc nào khiến bạn phải có nhiều kỷ luật hơn để vượt qua cảm giác lười biếng, trì trệ. Tôi phải mất một thời gian để điều chỉnh lịch thức giấc, ngủ, tập luyện, học tập", cô kể.
Frédéric Paupert là một cựu võ sĩ judo. Anh phẫu thuật tim vào mùa hè năm ngoái và đang hồi phục tại nhà riêng ở Paris, Pháp cùng ba đứa con và người bạn đời. "Tôi là một HLV và phải làm gương cho người khác. Thể lực là một phần của cuộc sống. Tôi bị rung tâm nhĩ vào tháng 5/2020. Suốt hai tuần sau phẫu thuật, tôi không tập bất cứ môn thể thao nào, thậm chí không đi xe. Tôi đã mua một chiếc xe điện. Cho tới tháng Bảy, tôi tiếp tục đạp xe và tập tạ. Tôi vẫn tập thể thao, nhưng không thể duy trì cường độ như lúc đầu. Tôi phải đợi đến cuối tháng Tám để quay lại hoàn toàn với các hoạt động thể chất, trong khi vẫn phải giữ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt", anh nói.
Tập thích ứng
Năm 2020, có rất ít sự kiện thể thao được tổ chức. Ngay cả việc tập theo nhóm cũng không thể thực hiện được. Các VĐV phải tìm động lực mới và điều chỉnh việc tập luyện cho phù hợp.
Clélia Edouard ở Saint Germain en Laye, Pháp là một chuyên gia truyền thông và huấn luyện viên cá nhân (PT). Cô dành thời gian thực hiện các bài tập tại nhà để huấn luyện #StrongLadiesClub mà cô là sáng lập viên.
"Tôi đã tận dụng thời gian nghỉ này để tập luyện các kỹ năng khác, đặc biệt là tăng cường cơ bắp và rèn luyện sức mạnh", Clélia nói. "Mỗi ngày, tôi thức dậy với một mục tiêu cụ thể và một bài tập được xác định trước. Ít nhất bạn không cần nghĩ về nó và có thể bắt tay ngay vào hành động. Tập luyện và tập luyện, bạn sẽ tiến bộ. Với mỗi tiến bộ, bạn lại có thêm chút động lực".
Maria Donadeu ở Barcelona, Tây Ban Nha là một VĐV đua xe đạp và chạy bộ. Cô làm việc trong ngành thể thao và kỹ thuật số được 12 năm và dành thời gian tập luyện ở nhà, nhắm tới mục tiêu là các cuộc phiêu lưu trên núi.
"Một trong những khám phá của tôi trong năm nay là thiền định - niềm vui của sự im lặng và để tâm trí trống rỗng. Dành 15 phút mỗi ngày để không khiến bạn phải lo lắng và thậm chí tạo động lực cho bạn. Đây là bài tập thư giãn cơ bắp rất tốt. Tôi bật nhạc nhẹ nhàng, hoặc một podcast hướng dẫn và cố gắng tập trung vào bản thân, thư giãn".
Yassine Diboun là VĐV điền kinh, HLV và đồng sở hữu một phòng tập ở Portland, Mỹ. "Việc bị gián đoạn luyện tập này cho tôi thấy tôi nhớ nó nhiều thế nào và nó quan trọng thế nào với sức khoẻ của tôi", anh kể. "Hơn nữa, tôi thấy may mắn khi tìm ra lối thoát ở các cuộc chạy đường mòn (trail), không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn cho tình cảm, tinh thần của tôi. Đi vào rừng là ân huệ cứu rỗi tôi, đặc biệt là trong năm qua. Nhưng tôi vẫn rất nhớ những cái ôm của đồng đội".
Yui Ueda ở Tokyo, Nhật Bản đã bỏ nghề giáo viên tiểu học vào tháng 4/2020 và tìm đến đạp xe như một thú vui mới để thay đổi chế độ tập luyện. "Tôi nhận ra thể thao giúp cân bằng cuộc sống và công việc như thế nào. Tôi cảm thấy ổn hơn khi tập thể dục. Tôi cố gắng hoàn thành công việc và việc nhà hiệu quả để đảm bảo có thời gian tập thể dục", cựu giáo chức này kể.
Debora Taylor ở Sao Paulo, Brazil là một marathoner và là bà mẹ ba con. Cô là người sáng lập đội PRJCT RUN - một nhóm chạy đường phố. "Thử thách lớn nhất của tôi là vượt qua nỗi sợ hãi khi ra đường. Sau nhiều tháng ở nhà mà không hiểu virus này là gì, tôi dần trở lại, hoàn toàn lạc nhịp và không giữ được mức cân nặng cũ. Những cơn stress liên tục xảy ra và tôi cần phải làm gì đó để giữ tâm trí ổn định. Chạy, cuối cùng là liệu pháp của tôi. Ngay cả khi gặp trở ngại là phải đeo mặt nạ, chạy giúp tôi duy trì sức khỏe tinh thần của mình".
Kiki Randell ở Mỹ là VĐV điền kinh, đam mê thể dục và là bà mẹ của em bé 5 tuổi. Cô từng thắng căn bệnh ung thư và yêu thích những cuộc phiêu lưu ngoài trời. Với cô, bình thường mới khó khích thi, nhưng vẫn là trải nghiệm bổ ích. Randell nói: "Điều tôi đánh giá cao sau trải nghiệm năm nay là có nhiều cách khác nhau để đối mặt thử thách và tìm thành tựu ở những điều đơn giản nhất. Tôi thực sự yêu thích những con đường mòn và thiên nhiên ngay ngoài cửa nhà mình".
Minh Hoàng - kỹ sư công nghệ thông tin, runner bán chuyên ở Nanterre, ngoại ô Paris, Pháp - xem bình thường mới trong Covid-19 là một cơ hội để cải thiện cường khối lượng tập luyện. "Trước đại dịch, mỗi tuần tôi chỉ có thể chạy nhiều nhất là ba cử, thường tranh thủ thời gian nghỉ trưa để tập cùng một số đồng nghiệp, rồi vài tháng lại dự một giải chạy", runner sinh năm 1982 nói. "Từ khi giãn cách xã hội, tôi làm việc ở nhà và bắt đầu tập nhiều hơn, khoảng năm đến sáu buổi mỗi tuần. Phải chạy một mình là trải nghiệm hoàn toàn mới, thách thức hơn, mệt hơn. Đổi lại, tôi được dịp tận hưởng nhiều hơn bầu không khí trong lành ở đường chạy sát bờ sông gần nhà. Các chỉ số thể chất của tôi đều được cải thiện rõ rệt trong một năm qua. Nhưng dù sao, tôi vẫn rất nhớ cảm giác háo hức trước mỗi cuộc thi và sự phấn khích được sải bước chạy đua với mọi người sau khi vượt qua vạch xuất phát".
Mani Arthur ở London, Anh là một VĐV đua xe đạp và người sáng lập Mạng lưới Cua-rơ da màu (BCN) - cộng đồng đạp xe lớn nhất châu Âu dành cho các tay đua da màu. Thay vì đạp offline như trước Covid-19, Mani đã tổ chức các cuộc đua trên Zwift - ứng dụng đua xe đạp online - để tạo kết nối cho các thành viên BCN, trong thời gian chờ đợi được quay lại đường đua thực.
"Điều tôi nhớ nhất là sự cạnh tranh. Tôi nhớ lúc đi đến CLB, trao đổi với các đối thủ khác, trò chuyện trong cuộc đua. Điều duy nhất tôi đánh giá cao khi phải giãn cách xã hội là bản thân có chút thời gian thư giãn", người đứng đầu BCN nói.
Xuân Thắng tổng hợp