Vào thời điểm đó, gần như mọi thành viên trong đội ngũ chính trị non trẻ của ông đều thúc giục Trump không đi thang cuốn. Họ lo lắng rằng làm vậy có vẻ nghiệp dư và không ra dáng tổng thống.
Nhưng Trump quả quyết rằng ông sẽ đi thang cuốn. Hình ảnh ông và bà Melania đi xuống bục phát biểu hôm đó bị giới truyền thông chế giễu là giống một "trò hề". Người quản lý chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton cho biết ông đã cười phá lên khi xem cảnh tượng đó và bài phát biểu của Trump.
Nhiều hãng truyền thông và ngay cả các quan chức đảng Cộng hòa ban đầu không nhìn nhận chiến dịch tranh cử của Trump một cách nghiêm túc. Họ cho rằng "cuộc dạo chơi" chính trị của tỷ phú bạo miệng với một loạt phát ngôn gây tranh cãi sẽ sớm kết thúc. Sau khi ông "đốn hạ" mọi đối thủ ở vòng bầu cử sơ bộ và giành được đề cử của đảng, nhiều tờ báo dự đoán "kẻ ngoại đạo" chính trị với một loạt bê bối như Trump gần như không có cơ hội chiến thắng trước chính trị gia lão luyện như Clinton.
Nhưng Trump đã làm nên kỳ tích. Sau khi đắc cử tổng thống, hình ảnh Trump đi thang cuốn trở thành biểu tượng cho việc ông phá vỡ mọi quy tắc và chuẩn mực chính trị. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên chưa từng giữ một chức vụ dân cử hoặc phục vụ trong quân đội.
4 năm trước, nhiều chuyên gia cho rằng những phát ngôn gây tranh cãi của Trump trong chiến dịch tranh cử là chiêu bài chính trị và ông sẽ tiết chế hơn, đi theo đường lối truyền thống hơn khi vào Nhà Trắng. Nhưng Trump vẫn là Trump. Ông vẫn dành nhiều thời gian để thể hiện quan điểm, thông báo chính sách hay "xả giận" trên Twitter. Lời hứa xây tường ở biên giới Mexico nghe có vẻ xa vời nhưng Trump vẫn cố gắng thực hiện nó, dù vấp phải nhiều thách thức về ngân sách và pháp lý.
Trump khuấy đảo thế giới trong suốt 4 năm cầm quyền với những quyết định khác hẳn với những người tiền nhiệm. Ông siết chặt quy định nhập cư, cố gắng hồi hương lính Mỹ từ các điểm nóng Trung Đông và rút Mỹ khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế. Trump còn trở thành tổng thống thứ ba của Mỹ bị xem xét bãi nhiệm.
Lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ là điểm nhấn trong nhiệm kỳ đầu của Trump. Những đòn thuế ăn miếng trả miếng đã gây ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung từ năm 2018, sau đó được xoa dịu nhờ thỏa thuận thương mại giai đoạn một ký hồi đầu năm. Nhưng quan hệ giữa hai nước còn căng thẳng vì nhiều vấn đề khác như công nghệ, Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, Biển Đông, Covid-19.
Trong khi đó, Trump phát triển mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim tháng 6/2018 đi vào lịch sử khi đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm Mỹ gặp một lãnh đạo Triều Tiên.
Tuy nhiên, quá trình đàm phán giữa hai nước vẫn bế tắc do bất đồng về lệnh trừng phạt và quy mô phi hạt nhân hóa. Một số chuyên gia cho rằng Trump "mắc bẫy câu giờ" của Triều Tiên và nỗ lực ngoại giao của ông không đi đến đâu, trong khi những người khác ca ngợi Trump dám thử những điều những người tiền nhiệm không làm.
Trump cũng bỏ qua các chuẩn mực và mở con đường riêng ở Trung Đông. Ông chuyển đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem, bất chấp nhiều sự phản đối. Thành tựu ngoại giao quan trọng của Trump là làm trung gian thúc đẩy Israel bình thường hóa quan hệ với một số quốc gia Arab.
Ông có nhiều động thái cứng rắn với Iran, như việc ra lệnh hạ sát một tướng cấp cao của nước này, khiến căng thẳng leo thang có lúc đẩy hai quốc gia đến bờ vực chiến tranh.
Trump đã thông báo ý định chạy đua nhiệm kỳ hai từ tháng 2/2017 và chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử vào tháng 6/2019. Sự ủng hộ của đảng viên Cộng hòa giành cho ông vẫn lớn đến mức ủy ban đảng quyết định không cần tổ chức tranh luận vòng bầu cử sơ bộ. Một hãng truyền thông đứng ra tổ chức cuộc tranh luận độc lập cho các ứng viên đảng Cộng hòa nhưng Trump từ chối tham gia. Một số bang còn quyết định không tổ chức vòng bầu cử sơ bộ vì người chiến thắng đã quá rõ ràng.
Cuối cùng, Trump chiến thắng ở tất cả các bang, nhận được 18 triệu phiếu - mức cao nhất cho một tổng thống đương nhiệm trong vòng bầu cử sơ bộ. Trump như "hổ thêm cánh" nhờ các sự kiện diễn ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, khi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt cho thấy không có bằng chứng chiến dịch của ông năm 2016 thông đồng với Nga và ông được Thượng viện tha bổng sau khi bị xem xét bãi nhiệm.
Tín nhiệm của ông hồi đầu năm cũng ở mức cao, khiến nhiều người tin chắc rằng Trump sẽ "thắng như chẻ tre" trong cuộc bầu cử cuối năm.
Tuy nhiên, sự xuôi chèo mát mái đó bị đảo lộn khi Covid-19 bùng phát. Các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người Mỹ không hài lòng với cách ông xử lý Covid-19, khi ông liên tục hạ thấp mức độ nghiêm trọng của virus và ngần ngại đeo khẩu trang. Đại dịch cũng khiến ông buộc phải thu hẹp quy mô hoặc hủy các sự kiện vận động tranh cử lớn.
Cho tới tháng ba, kinh tế Mỹ đạt được nhiều cột mốc lịch sử về việc làm, thu nhập và giá cổ phiếu. Đây được coi là vũ khí tranh cử mạnh mẽ của Trump. Tuy nhiên, những thành tựu này bị đảo ngược vì đại dịch. Hồi cuối tháng 8, Trump nói ông sẽ "băng băng" tái đắc cử mà không ai cản nổi, kể cả khi phải đấu với George Washington, nếu Covid-19 không xảy ra.
Chiến dịch của Biden coi đường đua vào Nhà Trắng như cuộc trưng cầu dân ý về khả năng lãnh đạo của Trump trong đại dịch. Biden liên tục công kích Trump về vấn đề này, nhấn mạnh Trump phải chịu trách nhiệm khi để Mỹ trở thành vùng dịch lớn và chết chóc nhất thế giới.
Một loạt cuộc thăm dò trước ngày bầu cử đã cho thấy Biden dẫn trước Trump. Tờ Economist hôm 12/10 công bố dự báo cho thấy ứng viên đảng Dân chủ có 91% cơ hội thắng phiếu đại cử tri.
Trong chặng nước rút của cuộc đua, Trump cố gắng hướng sự chú ý của cử tri vào những vấn đề khác như biểu tình sắc tộc biến tướng thành bạo lực, bổ nhiệm thẩm phán mới cho Tòa án Tối cao, nghi vấn gian lận từ hình thức bỏ phiếu qua thư và các cáo buộc về gia đình Biden. Tuy nhiên, việc Trump nhiễm nCoV hồi đầu tháng 10 và ca Covid-19 tăng mạnh tại nhiều bang cận kề ngày bầu cử đã khiến ông khó làm công chúng quên đi vấn đề này.
Cách Trump xử lý khủng hoảng làm mất lòng một số nhóm cử tri chủ chốt như người cao tuổi, phụ nữ da trắng có học vấn cao sống ở vùng ngoại ô. Tổng thống Mỹ thậm chí còn tỏ ra nài nỉ sự ủng hộ từ họ. "Các phụ nữ vùng ngoại ô, mọi người có thể vui lòng dành cảm tình cho tôi được không?", Trump nói trong một cuộc vận động ở Pennsylvania.
Trong mùa bầu cử năm 2016, Trump từng chiến thắng ở một số bang chiến trường quan trọng tại "Vành đai Rỉ sét" - những bang vùng Trung Tây từng là những "cỗ máy công nghiệp" hùng mạnh của nước Mỹ nhưng chứng kiến tình trạng suy thoái từ năm 1980. Tuy nhiên, Covid-19 đã làm một số cử tri thay đổi quan điểm.
"4 năm trước, tôi là người ủng hộ lớn nhất cho Trump. Nhưng ông ấy đã xử lý Covid-19 hỏng bét", nhân viên bán đồ nội thất Bill Bevec, 66 tuổi, tại Cortland, Ohio, nói.
Năm 2016, Trump có có những trụ cột chính để lập luận như nhập cư, thương mại, "rút cạn đầm lầy Washington" và cáo buộc Clinton có hành vi sai trái khi làm ngoại trưởng. Trump cũng đưa ra các khẩu hiệu rất hiệu quả như "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" hay "Xây tường Biên giới". Nhưng với chiến dịch 2020, Trump dường như không đưa ra một thông điệp mới hiệu quả nào.
Không chỉ vậy, các hãng truyền thông lớn năm nay tránh "quảng cáo miễn phí" cho Trump bằng cách ít truyền hình trực tiếp các cuộc mít tinh sôi động, nhiều người tham gia của ông. Chiến dịch của ông cũng chi ít tiền cho quảng cáo truyền hình hơn Biden vào những ngày cuối do đã "vung tay quá trán" trong giai đoạn đầu.
Truyền thông cũng không mặn mà với những lời cáo buộc tham nhũng chống lại gia đình Biden. Họ nghi ngờ về tính xác thực của những email trên laptop được cho là của con trai Biden, Hunter, khiến nó không thể trở thành "bê bối bom tấn" hay "món quà tháng 10" như kỳ vọng của Trump.
Cách đây 4 năm, cử tri có thể không chắc Trump sẽ điều hành đất nước thế nào và nhiều người sẵn sàng đánh cược vào một tỷ phú bất động sản khó đoán. Tuy nhiên, thất bại của Trump cho thấy sau 4 năm nhiều ồn ào, cử tri muốn tìm đến một người bình tĩnh, theo đường lối truyền thống hơn.
Mong muốn lập kỳ tích lần hai của Trump đã bị chặn đứng. Biden có một số hạn chế như tuổi tác cao, không có tài hùng biện và hình ảnh mạnh mẽ bằng đối thủ, thường xuyên nói nhầm, nhưng Covid-19 đã "cho Joe Biden một chiếc áo để 'tàng hình' khuyết điểm. Trong khi đó, Trump quấn mình trong lớp áo của một tổng thống thời chiến, nhưng trong một trận chiến mà nước Mỹ nhanh chóng thua cuộc", Nick Bryant, nhà phân tích của BBC, viết.
Bryant cho rằng một phần nguyên nhân thất bại của Trump là Tổng thống "trở thành đối thủ chính trị của chính mình". Ông tự hại mình khi không đánh giá Covid-19 đủ nghiêm túc, đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi như gợi ý tiêm thuốc tẩy để diệt virus và hùng hổ trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên đến mức gây phản tác dụng. Trong mắt những người ủng hộ, khoảnh khắc Trump trở về Nhà Trắng sau vài ngày vào viện vì nhiễm nCoV hiện lên giống như kết thúc có hậu của một bộ phim hành động. Nhưng trong mắt những người phản đối, nó giống như một cảnh trong một vở hài kịch.
Hồi tháng 10, cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon dự đoán Trump sẽ tái tranh cử vào năm 2024 nếu thất bại. Không chắc Trump có làm vậy không, nhưng có một điều chắc chắn: ông luôn muốn sự chú ý của thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn từ năm 2014 với nhà báo đoạt giải Pulitzer Michael D'Antonio, Trump nhấn mạnh ông yêu thích cảm giác khi bước vào một căn phòng khổng lồ và nhìn đám đông vây quanh mình, như thể ông là nam châm hút mọi thứ xung quanh.
D'Antonio hỏi ông những ánh mắt đổ dồn đó có làm ông lo lắng không. "Không", ông Trump nói. "Nếu điều đó không xảy ra, tôi mới lo lắng".
Phương Vũ (Theo BBC/NYTimes)