Chính quyền Barack Obama là mục tiêu công kích thường xuyên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là khi ông đối mặt với các thách thức hay khủng hoảng. Trump lên án thỏa thuận hạt nhân Iran "khủng khiếp" được ký dưới thời người tiền nhiệm, cũng như thường xuyên đổ lỗi rằng "hệ thống lỗi thời, bể nát" thời Obama đã cản trở nỗ lực ứng phó Covid-19 của Mỹ hiện nay.
Đây là lý do Trump nhiều lần tuyên bố sẽ phá bỏ mọi di sản mà Obama để lại, nhằm mục tiêu "khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại". Ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nhưng chưa thể xóa bỏ hoàn toàn những chính sách của người tiền nhiệm trong 4 năm qua.
Một trong số di sản nổi bật nhất của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama là Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA), hay còn được gọi là Obamacare.
Được ban hành hồi đầu năm 2010, Obamacare là cải cách chính sách quan trọng nhất về hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ kể từ những năm 1960. Đạo luật mới được xây dựng dựa trên các chương trình có sẵn như Medicare (chương trình hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe cho người từ 65 tuổi hoặc người khuyết tật dưới 65 tuổi) và Medicaid (hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe cho người có thu nhập thấp). Thay vì thay thế hoàn toàn hai chương trình, đạo luật mới mở rộng vai trò của chính phủ trong hệ thống y tế Mỹ.
Trong khi chính quyền Obama và thành viên Dân chủ ca ngợi Obamacare là thành tựu lớn, đảng Cộng hòa không ủng hộ chương trình này. Ngay sau khi nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1/2011, đảng Cộng hòa đã thông qua nhiều dự luật nhằm bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ Obamacare.
Khi tổng thống Obama vẫn tại vị và có quyền phủ quyết các dự luật, việc phản đối của phe Cộng hòa chỉ mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, làn sóng phản đối này cũng gây ra vấn đề. Chính quyền các bang nghiêng về Cộng hòa như Texas, với phần lớn người dân không có bảo hiểm, đã không hợp tác thực hiện các quy định chính của chương trình Obamacare.
Khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện quốc hội vào tháng 1/2017, triển vọng của Obamacare trở nên ảm đạm.
Song, bất chấp những lời cam kết "bãi bỏ và thay thế" Obamacare của chính quyền Tổng thống Donald Trump, di sản của Obama vẫn tồn tại khi nhiệm kỳ đầu tiên của Trump sắp kết thúc.
Năm 2017, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ, nhằm bãi bỏ phần lớn ACA. Lãnh đạo Cộng hòa sau đó đã tìm mọi cách gây sức ép lên Thượng viện để đạo luật mới được thông qua, nhưng nỗ lực này thất bại và ACA vẫn được duy trì.
Clodagh Harrington, phó giáo sư về chính trị Mỹ thuộc Đại học De Montfort, và Alex Waddan, phó giáo sư về chính trị và chính sách đối ngoại của Mỹ thuộc Đại học Leicester, đều ở Anh, nhận định chính nỗ lực nhằm xóa bỏ ACA của đảng Cộng hòa đã khiến chương trình này trở nên nổi tiếng.
Trong suốt nhiệm kỳ của tổng thống Obama, đa số người Mỹ nói rằng họ không thấy ACA mang lại lợi ích, nhưng quan điểm này đã thay đổi khi nó bị đe dọa xóa bỏ và truyền thông đưa tin về số người có thể mất bảo hiểm khi không còn ACA.
Xuyên suốt nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền Tổng thống Trump không ngừng nỗ lực tìm cách loại bỏ Obamacare. Chính quyền của ông đang ủng hộ một vụ kiện tại Tòa án Tối cao sau bầu cử vài ngày, có nguy cơ khiến chương trình ACA sụp đổ.
Chăm sóc sức khỏe cũng là một chiến trường quan trọng trong cuộc đối đầu giữa Trump và ứng viên Dân chủ Joe Biden năm nay. Trump tuyên bố rằng chương trình y tế của Biden sẽ đe dọa việc bảo vệ những người Mỹ có tiền sử bệnh và điều này chỉ được duy trì nếu ông tái đắc cử. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự bảo vệ này chính là kết quả của Obamacare, chương trình mà chính quyền Trump đang cố phá bỏ.
Chiến thắng của Biden cùng với việc đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát hai viện sẽ có thể giúp Obamacare được duy trì và phát triển.
Di sản nổi bật thứ hai của chính quyền tổng thống Obama là chương trình Tạm hoãn trục xuất trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA), chính sách có hiệu lực từ giữa năm 2012. Chương trình này đã cho phép khoảng 700.000 trẻ em được đưa tới Mỹ bất hợp pháp, đa số là người Mỹ Latinh, tiếp tục sống, làm việc và học tập ở nước này mà không có nguy cơ bị trục xuất.
Năm 2017, Trump đã cố hủy chương trình này nhưng Tòa án Tối cao Mỹ hồi tháng 7 ra phán quyết rằng chính quyền của Trump không đủ căn cứ pháp lý để hủy bỏ và DACA vẫn được giữ nguyên.
Điều này khiến cuộc bầu cử năm nay trở nên quan trọng, đặc biệt với những người sống ở Mỹ nhưng không có quyền bỏ phiếu. Chính quyền Tổng thống Trump chắc chắn sẽ cố đảo ngược DACA nếu tái đắc cử và đang có cơ hội thứ hai để làm điều đó.
Trong khi đó, chính quyền Biden sẽ tìm cách biến DACA, vốn là một sắc lệnh hành pháp, thành luật, đồng thời theo đuổi thêm các cải cách để mở đường cho những người không giấy tờ khác được sống hợp pháp ở Mỹ.
Di sản quan trọng tiếp theo mà chính quyền Obama để lại là cải cách về môi trường, trong đó có Hiệp định Khí hậu Paris ký năm 2015.
Tổng thống Trump hồi năm 2017 nói rằng hiệp định này làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, khiến nhiều người mất việc làm, gây xói mòn chủ quyền quốc gia và đặt Washington vào thế bất lợi so với các nước khác trên thế giới. Quyết định rút khỏi thỏa thuận này là minh chứng rõ ràng nhất cho tham vọng của Trump nhằm xóa bỏ di sản của Obama.
Nhưng không riêng hiệp định Paris, nhiều cải cách khác của chính quyền tổng thống Obama cũng bị liệt vào "danh sách đen" của Trump. Kế hoạch Năng lượng sạch (CPP), được giới thiệu năm 2015 nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính là một trong số đó.
Từng được xem là bước đột phá của chính quyền Obama, CPP đã cho thấy cường quốc hàng đầu thế giới thừa nhận tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra và đưa ra sáng kiến nhằm giảm lượng phát thải carbon về mức năm 2005 cho tới năm 2030.
Tuy nhiên, CPP lập tức vấp phải sự phản đối của hàng chục thống đốc, khi họ nhanh chóng tiến hành hành động pháp lý để ngăn chặn kế hoạch được xem là mối đe dọa cho nền kinh tế. Tới đầu năm 2016, 24 bang đã khởi kiện CPP, khiến Tòa án Tối cao phải tạm hoãn kế hoạch của Obama.
Khi Tổng thống Trump vào Nhà Trắng, con đường phá bỏ kế hoạch này đã được dọn sẵn. Tới tháng 3/2017, ông ký sắc lệnh yêu cầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) tiến hành đánh giá CPP.
Thời điểm đó, EPA do cựu tổng chưởng lý Oklahoma Scott Pruitt lãnh đạo, người luôn phủ nhận khủng hoảng khí hậu là hiện tượng do con người gây ra. Tới tháng 6/2017, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris và 4 tháng sau, EPA thông báo CPP sẽ bị bãi bỏ.
Tuy nhiên, thời hạn sớm nhất mà Mỹ có thể hợp pháp rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris là 4/11, một ngày sau bầu cử tổng thống Mỹ. Là một phần trong kế hoạch hai nghìn tỷ về môi trường, Biden thề sẽ tái tham gia hiệp định nếu đắc cử.
Trái ngược với Trump, ứng viên Dân chủ cũng cam kết sẽ đưa Mỹ, quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, trở thành nước sử dụng 100% năng lượng xanh vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa di sản của Obama vẫn có cơ hội được bảo vệ.
Harrington và Waddan cho rằng di sản cuối cùng của Obama mà Trump khó có thể xóa bỏ là khoảnh khắc ông ghi dấu chiến thắng năm 2008. Từ một người trẻ tuổi, có trình độ và tư tưởng chính trị cấp tiến, Obama đã trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.
Obama là người đã phá bỏ các rào cản "vô hình" tồn tại từ lâu đối với người da màu ở Mỹ. Tuy nhiên, nhà văn Ta-Nehisi Coates cho rằng bước tiến này đã bị đẩy lùi khi năm 2016, nước Mỹ một lần nữa có tổng thống da trắng.
Năm nay, vấn đề phân biệt trở thành tâm điểm ở Mỹ sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì gáy gần 9 phút ở thành phố Minneapolis hồi tháng 5. Tổng thống Trump đã vấp nhiều chỉ trích khi có những bình luận khiến tình hình thêm căng thẳng.
Giới phân tích nhận định cuộc bầu cử tháng 11/2020 có ý nghĩa rất lớn, khi cử tri Mỹ đứng trước lựa chọn tiếp tục phủ nhận những tiến bộ mà tổng thống da màu đầu tiên đã làm trong 8 năm cầm quyền khi để Trump đắc cử, hoặc cho Biden cơ hội để tiếp tục bảo vệ di sản của chính quyền Obama.
Thanh Tâm (Theo CNA)