Tháng 3, chính phủ Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vaccine Covid-19, ảnh hưởng tới nguồn cung cho các nước nghèo vốn tin tưởng năng lực sản xuất dược phẩm của nước này. Nhiều nước thu nhập trung bình mới chỉ tiêm vaccine cho một phần nhỏ dân số, bao gồm cả nhân viên y tế tuyến đầu.
Động thái của Ấn Độ còn cho thấy điểm yếu của cơ chế Covax, chương trình được tài trợ chủ yếu bởi các nước phương Tây nhằm đưa vaccine miễn phí tới 92 nước có thu nhập trung bình và thấp. Phần lớn nguồn cung vaccine AstraZeneca của Covax đang được sản xuất tại Ấn Độ. Các quan chức làm việc với Covax cũng chưa rõ khi nào việc xuất khẩu mới tiếp tục.
Người phát ngôn của Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), một trong những tổ chức đứng sau Covax cho biết: "Khi Ấn Độ đối mặt với làn sóng dịch nghiêm trọng, họ sẽ phải ưu tiên vaccine cho công dân của mình". Phát ngôn viên từ chối bình luận về việc liệu Covax sẽ phân phối 145 triệu liều vaccine vào cuối tháng 5 hay không. Covax hiện mới chỉ cung cấp được 49 triệu liều trong mục tiêu hai tỷ liều, số lượng đủ để tiêm hai mũi cho khoảng 20% dân số ở các nước được hỗ trợ.
Khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo trong cuộc đua tiêm chủng đang trở nên rộng hơn bao giờ hết kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu vào cuối năm 2020, theo ngân hàng UBS. Nếu tiến độ duy trì ở mức hiện tại, các nước phát triển sẽ tiêm phòng cho 93% dân số vào cuối năm 2021. Tỷ lệ đó ở các nền kinh tế đang phát triển chỉ khoảng 30%. Đến cả Ấn Độ cũng đang chật vật để tiêm vaccine cho 1/4 dân số trong năm nay.
Francis Dien Mwansa, quan chức Bộ Y tế Zambia phụ trách việc triển khai vaccine ở nước này, cho biết: "Có thể một số nước đã quá hy vọng vào Covax". Zambia mới nhận được 228.000 liều trong số 1,2 triệu mà Covax hứa hẹn sẽ chuyển đến vào cuối tháng 5.
Tiến sĩ Mwansa nói: "Càng gần đến tháng 5, hy vọng của tôi càng giảm".
Vấn đề thiếu nguồn cung của Covax đòi hỏi các nước giàu và các hãng dược phải nỗ lực nhiều hơn trong việc hỗ trợ vaccine cho các nước đang phát triển. Hôm 26/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ chia sẻ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca với các nước khác và không đề cập tới cơ chế phân bổ số vaccine đó.
Tuy nhiên, lượng vaccine này chỉ đủ cho 30 triệu người, con số tương đối nhỏ so với số ca Covid-19 toàn cầu tăng chóng mặt trong suốt tháng qua. Kể từ buổi đầu dịch, thế giới ghi nhận hơn 148 triệu ca nhiễm. Trong đó, Ấn Độ báo cáo hơn một triệu ca từ hôm 23/4. Một số nước tại châu Á, Mỹ Latin cũng chứng kiến số ca mắc kỷ lục.
Hôm 26/4, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết: "Số ca nhiễm toàn cầu của tuần trước cao gần bằng số trường hợp trong năm tháng đầu của đại dịch. Chúng ta phải nhanh chóng lật ngược tình thế".
Trung Quốc và Nga đã cố gắng lấp đầy khoảng trống vaccine. Đặc biệt, Trung Quốc xuất khẩu nhiều liều, ngang ngửa lượng vaccine sử dụng trong nước. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều gặp phải vấn đề trong quá trình cung ứng vaccine toàn cầu.
Ngày 26/4, cơ quan y tế Brazil từ chối cấp phép cho vaccine Sputnik V của Nga do sai sót trong quá trình điều chế và dữ liệu không đầy đủ. Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga, đơn vị phân phối vaccine Sputnik ra nước ngoài, nghi ngờ rằng Brazil ra quyết định như vậy do vấn đề chính trị.
Vaccine của Nga và Trung Quốc đều chưa được WHO phê duyệt khẩn cấp. Ban cố vấn kỹ thuật của WHO dự kiến sẽ đánh giá hai vaccine của hai hãng dược Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm trong tuần này, nhưng phải lùi cuộc họp với Sinovac sang tháng 5. WHO sẽ đánh giá vaccine Moderna vào ngày 30/4, nhưng hãng này không nằm trong khối Covax.
Trong khi đó, hơn 100 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã ủng hộ đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ về việc miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine Covid-19, nhằm cho phép các nước trên thế giới có thể tự sản xuất vaccine.
Vấn đề dự kiến sẽ được thảo luận tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong tuần này, nhưng vấp phải sự phản đối của Mỹ và châu Âu, với lý do việc này có thể làm suy yếu niềm tin của công chúng vào vaccine. Các nhà hoạt động kêu gọi các hãng dược nên hợp tác với nhiều nhà sản xuất hơn nữa và chuyển giao công nghệ cần thiết để tạo ra sản lượng vaccine phong phú hơn, góp phần vào cuộc chiến chống dịch toàn cầu.
Mai Dung (Theo WSJ)