Tác giả James Raussen là doanh nhân, ông đã sống và làm việc tại Đông Nam Á và châu Á gần 5 năm, chia sẻ bài viết về bài học khó khăn mà Covid-19 đã dạy chúng ta về giao tiếp đa văn hoá trong năm 2020:
Cách đây gần một năm, tôi nhận được một email khẩn từ một người bạn cũ ở Mỹ. Covid-19 đã lan khắp châu Á hàng tháng trời, tuy nhiên, lúc bấy giờ nó bắt đầu xuất hiện ở các quốc gia châu Âu. Và cuối cùng nó cũng đã tới nước Mỹ. Nguời ta nhanh chóng nhận ra rằng nguồn cung cấp các sản phẩm thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) ở Mỹ không đủ để bảo vệ chính họ và cứu sống những người khác.
"James, ông có biết đầu mối nào ở châu Á cung cấp sản phẩm PPE không?" người bạn đã hỏi tôi như thế. Lúc đó, tôi không biết, nhưng đó cũng chỉ là câu hỏi đầu tiên trong số rất nhiều câu hỏi được gửi đến tôi (chủ yếu vì họ biết rõ tôi có chuyên môn trong lĩnh vực Chăm sóc sức khoẻ và tôi đang sống ở Việt Nam).
Tôi nhận được email từ bạn bè, cộng sự kinh doanh cũ và cả những người lạ đến từ Mỹ, châu Âu và thậm chí cả châu Phi. Hầu hết các yêu cầu này đến từ các cá nhân hoặc nhóm, những người có rất ít kinh nghiệm giao dịch với các quốc gia Châu Á. Họ không phải là những nhà nhập khẩu chuyên nghiệp, và ít kinh nghiệm về thương mại quốc tế. Họ đưa ra những giả định và kỳ vọng phi thực tế. Nói một cách ngắn gọn, họ không biết bắt đầu từ đâu.
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh" - câu thành ngữ mà chúng ta nói đi nói lại hàng ngày, lại cực kỳ phù hợp trong tình huống này. Việc thiếu sự chuẩn bị cho một thảm họa như Covid-19 không chỉ là vấn đề nội bộ của chính quyền địa phương, bệnh viện và lực lượng ứng cứu khẩn cấp quốc gia, mà còn về cách các nhóm này truyền đạt thông tin và nhu cầu của mình ra bên ngoài lãnh thổ. Giao tiếp đa văn hoá đã được thử nghiệm ở một cấp độ mới và chúng ta đã nhanh chóng nhận thấy kết quả thật thảm hại.
Ngoài cộng đồng khoa học, hầu hết các mạng lưới cần nguồn cung cấp hoặc thông tin về các sản phẩm PPE đều không được chuẩn bị về cách giao tiếp hiệu quả với hầu hết các nhà cung cấp châu Á.
Có quá nhiều giả định được đặt ra và không có đủ các câu hỏi cần được hỏi. Điều này không chỉ cho thấy sự thiếu kinh nghiệm của thế giới về cách thức giao tiếp giữa các nền văn hóa, mà nó còn chứng minh một lần nữa sự lãng phí về thời gian và tiền bạc trong những thương vụ đầu tư ra nước ngoài và các hoạt động kinh doanh quốc tế.
Không quan trọng bạn là nhà cung cấp nhỏ, nhà buôn hay một công ty thuộc top 500. Sự sắc bén trong giao tiếp đa văn hoá là một yếu tố quan trọng để đảm bảo việc kinh doanh xuyên biên giới hiệu quả.
Vậy thì bài học kinh nghiệm sâu sắc mà các tổ chức và cá nhân có thể học và áp dụng trong tương lai gần là gì? Tôi muốn gửi đến ít nhất những người trong lĩnh vực của mình ba điều cần ghi nhớ:
Thứ nhất, các mối quan hệ cần thời gian để phát triển và không có thời điểm nào tốt hơn là bắt đầu ngay bây giờ. Mọi người nên nỗ lực để xây dựng mạng lưới mối quan hệ quốc tế trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua bên thứ ba. Hiểu biết và làm quen với cả hai bên là rất quan trọng (đặc biệt là trong nền văn hóa châu Á). Điều này sẽ giúp ích rất nhiều khi các tình huống khẩn cấp phát sinh và giúp các bên hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn và kỳ vọng (sản phẩm, dịch vụ hoặc nhu cầu giao hàng).
Thứ hai, nói cùng ngôn ngữ không có nghĩa là có chung các giá trị và cách hành xử. Vì vậy, bạn cần có một thông dịch viên giỏi, hoặc các đối tác thương mại của bạn có thể nói cùng một ngôn ngữ. Tuy nhiên, chỉ vì thế giới toàn cầu hóa hơn không có nghĩa là không có sự khác biệt về văn hóa. Khi tương tác với đồng nghiệp hoặc khách hàng ở các quốc gia khác, bạn sẽ cần nghĩ đến bất kỳ sự khác biệt văn hóa nào có thể ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp giữa hai bên.
Thứ ba, trau dồi kỹ năng thấu cảm của bạn. Những người thấu cảm hòa hợp với những người có nguồn gốc và văn hóa khác biệt, đồng thời có thể bày tỏ ý tưởng của họ theo cách mà người kia có thể hiểu được. Kỹ năng này cực kỳ hữu ích trong những tình huống khẩn cấp và nó đòi hỏi sự lắng nghe và thấu hiểu ở cấp độ sâu hơn. Đây là một lĩnh vực mà nhiều doanh nhân châu Á phải vật lộn, tuy nhiên, họ bắt đầu hiểu tầm quan trọng của nó. Những giá trị thấu cảm được thể hiện khi bạn không chỉ chăm chăm vào các mục tiêu kinh doanh mà còn quan tâm đến nhu cầu và mong muốn của khách hàng.
Chúng ta không nên để sự việc này trôi qua mà không suy nghĩ về cách tất cả các nhóm tham gia vào quá trình kinh doanh quốc tế có thể cải thiện khả năng giao tiếp đa văn hóa của họ. Những người chiến thắng trong giao tiếp đa văn hóa không chỉ có doanh nghiệp và khách hàng, mà còn là những người mà chúng ta đang cố gắng giúp đỡ.
James Raussen
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.