Cho đến vài tuần trước, Deburghgraeve là bác sĩ gây mê tại bệnh viện thuộc Đại học Illinois-Chicago, chủ yếu cho các ca đẻ mổ. "Đôi khi có những ca sinh rủi ro cao. Chúng tôi được huấn luyện để trở thành người bình tĩnh nhất", anh nói.
Khi Chicago trở thành điểm nóng Covid-19 ở Mỹ và khu hồi sức tích cực (ICU) của bệnh viện gần như chật kín người nhiễm nCoV, bệnh viện họp vào ngày 16/3 để vạch ra kế hoạch nhân sự. Họ thống nhất rằng cần hạn chế để nhân viên tiếp xúc gần với người nhiễm nCov nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm chéo dẫn đến thiếu nhân sự. Họ muốn chỉ định một người chuyên đặt nội khí quản vào ban ngày và một người khác vào buổi tối.
Thủ thuật đặt ống nội khí quản là giải pháp duy trì đường thở thông thoáng và thông khí nhân tạo bằng cách đưa một ống nhựa vào đường thở của bệnh nhân, nhằm hỗ trợ người bị suy hô hấp. Deburghgraeve nói rằng đây có thể là "công việc nguy hiểm nhất khi điều trị người nhiễm nCoV", vì bác sĩ tiếp xúc rất gần với mặt bệnh nhân, có nguy cơ lây nhiễm cao.
"Lúc đó tôi nghĩ tôi mới 33 tuổi, chưa có con, không sống với người thân lớn tuổi. Khoảng một giờ sau cuộc họp, tôi gửi email cho cấp trên, tự nguyện nhận việc này. Tôi là người phù hợp".
Deburghgraeve trực ca đêm 6 ngày một tuần, mỗi ca dài 14 giờ. 21h, nửa đêm, 2h rồi 3h30 sáng, mỗi ca trực anh phải đặt ống nội khí quản vài lần. Trong tuần này hoặc tuần sau nữa, con số này có thể lên tới 10.
"Đây là một thủ thuật thông thường", anh nói. "Nhưng với bệnh nhân thiếu oxy, mỗi giây đều quan trọng". Mỗi khi nhận được thông báo, Deburghgraeve cầm ba lô thuốc, túi đồ bảo hộ và chạy ra cầu thang. Anh không có thời gian chờ thang máy. Anh chạy bộ hai tầng lên ICU và mặc đồ bảo hộ bên ngoài phòng. Anh dính tất cả mọi thứ lại với nhau vì có một lần tay áo bị kéo lên, làm lộ ra cổ tay. Nhịp tim của Deburghgraeve tăng từ 58 nhịp/phút lên 130 nhịp/phút khi vào ICU. "Tôi rất căng thẳng và nóng nực khi mặc đồ bảo hộ. Nhưng tôi cố gắng không thể hiện điều đó".
Đôi khi Deburghgraeve bị sốc khi gặp các bệnh nhân. Hầu hết còn khá trẻ, từ 30 cho đến ngoài 50 tuổi. Họ phải cấp cứu sau khi bị ho một hoặc hai ngày, thậm chí vài giờ trước. "Khi tôi vào phòng, họ đã suy hô hấp nặng. Mức oxy có thể là 70 hoặc 80% thay vì 100%. Họ thở 40 nhịp/phút thay vì bình thường là 12 - 14 nhịp/phút", anh kể.
"Điều đầu tiên tôi làm là dựa người lên một chiếc ghế để cúi người ngang tầm mặt họ. Trong hầu hết trường hợp, họ nhìn tôi với ánh mắt sợ hãi. Nhưng đôi khi đó là sự nhẹ nhõm, giống như 'tạ ơn Chúa, tôi không thể tự thở nữa'. Họ còn không có sức để hoảng loạn", Deburghgraeve cho biết.
Deburghgraeve chụp mặt nạ oxy cho bệnh nhân và để mức oxy 100% trong vài phút rồi gây mê, sử dụng thuốc giãn cơ trước khi đặt ống nội khí quản. Khi anh bắt đầu đưa ống vào, virus có nguy cơ phát tán vì đường thở của bệnh nhân mở rộng mà không có gì che chắn. Bệnh nhân có thể ho hay sặc khi ống đi vào, phun những giọt nước bọt li ti lên mũ che mặt và khẩu trang của Deburghgraeve.
"Tôi nghiêng người về phía miệng bệnh nhân, đặt ngón tay lên lợi của họ, mở đường thở. Chỉ cần một cái ho hay nôn khan, nếu mọi việc không suôn sẻ, căn phòng có thể đầy virus", anh nói.
"Tôi đứng ngay bên cạnh 'lò phản ứng hạt nhân'. Tôi cần phải thực hiện dứt khoát và nhanh chóng, bởi vì nếu không thành công trong lần đầu tiên, tôi phải làm lại và có nguy cơ khiến virus phát tán nhiều hơn", Deburghgraeve cho biết thêm.
Khi đặt ống xong, Deburghgraeve quay lại phòng trực và tập thể dục, cố gắng giữ cho phổi khỏe mạnh. Anh bị hen suyễn nặng từ khi còn bé, phải sử dụng ống hít hai lần một ngày.
Khi biết Deburghgraeve tình nguyện làm nhiệm vụ nguy hiểm, cả gia đình anh đều phản đối. Bố và anh trai Deburghgraeve tự chế một hộp chắn mica để đặt phía trên mặt bệnh nhân khi đặt ống nội khí quản, giống như một tấm khiên nhằm giảm bớt nguy cơ phát tán virus. "Tôi chưa sử dụng nó. Nhưng họ rất lo lắng, họ đang cố gắng bảo vệ tôi", Deburghgraeve nói.
Tuần trước, Deburghgraeve gọi điện và email cho gia đình, nói với họ về những ước nguyện nếu không may anh bị lây nhiễm và qua đời. "Đó là một cuộc trò chuyện khó khăn. Nhưng tôi biết virus này nguy hiểm đến mức nào".
Khi Deburghgraeve ngồi trong phòng trực, anh có thể theo dõi dấu hiệu sinh tồn của tất cả bệnh nhân qua màn hình. Một bệnh nhân trẻ không còn cần dùng máy thở vào đầu tuần trước đã xuất viện. Tuy nhiên, các trường hợp khác thường đi theo chiều hướng xấu hơn.
"Tôi đang nhìn vào màn hình, một bệnh nhân đêm nay sẽ không qua khỏi. Ba người khác đang nguy kịch", Deburghgraeve viết trong một buổi tối tuần trước.
"Thật bất lực khi nhìn một bệnh nhân qua đời. Nồng độ oxy giảm, nhịp tim giảm, huyết áp giảm. Những bệnh nhân này chết khi vẫn đang dùng máy thở, đôi khi lúc nhân viên nhà xác đến mang thi thể đi, ống nội khí quản vẫn còn trên người họ".
Phương Vũ (Washington Post)