Điều Maria muốn làm nhất sau một ngày dài mệt nhoài ở viện dưỡng lão là tìm kiếm niềm an ủi nhỏ bé từ các con ở nhà, điều mà cô đã phải tự kìm lòng suốt gần một tháng nay.
"Tôi muốn ôm các con, nhưng tôi sợ đến mức không dám làm điều đó suốt ba tuần qua. Tôi chưa xét nghiệm nCoV nên không biết mình có bị nhiễm bệnh không", Maria nói.
Mỗi khi về tới nhà, thay vì ôm con, Maria cởi giày từ ngoài cửa rồi đi thẳng vào nhà tắm và luôn tự nhắc nhở mình đeo khẩu trang mọi lúc. Các biện pháp nghiêm khắc mà Maria tự áp đặt cho mình khiến cô thấy khổ sở, nhưng đó là điều cần thiết.
Giới chức y tế Tây Ban Nha đang chạy đua để khử trùng các viện dưỡng lão trên cả nước, nơi được xem là một trong những tuyến đầu của cuộc khủng hoảng y tế mang tên Covid-19. Tây Ban Nha đã ghi nhận gần 120.000 người nhiễm và hơn 11.000 người chết vì nCoV, trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Italy.
Theo tính toán của Maria, 50 cư dân của viện dưỡng lão ở ngoại ô thủ đô Madrid, nơi cô làm việc, đã qua đời trong ba tuần qua, trong khi khoảng 90 người khác bị cách ly.
"Tất cả thành viên trong viện từng được xét nghiệm đều có kết quả dương tính. Khi thông báo về số ca dương tính, bác sĩ đã nói 'Lạy Chúa, mọi thứ đã quá muộn rồi. Có lẽ mọi người ở đây đều dương tính'", Maria kể.
Mặc dù vậy, Maria và đồng nghiệp của cô vẫn chưa được xét nghiệm hoặc trang bị đồ bảo hộ cần thiết. Cô cho biết họ được cung cấp khẩu trang, nhưng phải tự chế áo bảo hộ từ túi đựng rác. Theo CSIF, công đoàn lớn nhất Tây Ban Nha, hai nhân viên viện dưỡng lão ở khu vực Madrid đã chết vì nCoV, trong khi 400 người khác bị nhiễm bệnh. Khoảng 14% số ca nhiễm nCoV của Tây Ban Nha là nhân viên y tế.
Chính quyền vùng Madrid hôm 26/3 kích hoạt kế hoạch khẩn cấp để đối phó với Covid-19 và huy động nhân viên y tế, nhân viên bảo vệ dân sự và lính cứu hỏa tới 470 cơ sở chăm sóc người cao tuổi trong khu vực. Các đội ứng phó đã tiếp cận được 100 cơ sở tính đến ngày 3/4.
Isabel Diaz Ayuso, chủ tịch vùng Madrid, hôm 2/4 cho biết khoảng 3.000 đã chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau tại các viện dưỡng lão của vùng trong tháng 3. Tuần trước, chính quyền của bà cho hay 1.065 cư dân của các viện dưỡng lão ở Madrid đã chết trong ba tuần đầu tiên tháng 3. Sự chênh lệnh này cho thấy số ca tử vong ở các viện dưỡng lão gia tăng rất nhanh chỉ trong vài ngày.
"Phải chứng kiến điều đó và biết rằng bạn không thể làm được gì là điều thực sự khó khăn. Hết người ngày tới người khác đều đang sắp chết. Bạn muốn làm tất cả những gì có thể, nhưng nhân viên cứ lần lượt nhiễm bệnh và viện dưỡng lão còn rất ít người", Maria nói.
Trong khi nhân viên viện dưỡng lão chạy đua với thời gian, người cao tuổi phải đối mặt với sự cô đơn khi phải cách ly. Một số người may mắn có điện thoại để trò chuyện với gia đình, nhưng số khác thì không. "Họ mắc kẹt trong căn phòng của mình. Họ hoang mang và sợ hãi không biết chuyện gì đang xảy ra", cô chia sẻ.
Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha tuần trước tiết lộ rằng các binh sĩ thuộc đội ứng cứu của quân đội Tây Ban Nha khi tới khử trùng các viện dưỡng lão đã phát hiện nhiều người già bị bỏ rơi đến chết trên giường. Đơn vị này không phải là lực lượng duy nhất ở Tây Ban Nha được giao nhiệm vụ khử trùng các viện dưỡng lão để cứu sống nhiều người già.
Javier Martínez Garcia, 50 tuổi, đã làm nhân viên kiểm lâm 14 năm. Tình huống tồi tệ nhất mà ông từng đối mặt là dập cháy rừng và đối phó với những băng lâm tặc. Nhưng trong hai tuần qua, ông cùng đội kiểm lâm và nhân viên tình nguyện khác được giao nhiệm vụ khử trùng các viện dưỡng lão ở vùng Soria, cách Madrid 230 km về phía đông bắc.
"Chúng tôi cố tỏ ra vui vẻ khi bước vào một viện dưỡng lão. Chúng tôi chào hỏi mọi người bởi có lẽ nhiều người già sẽ thấy rất kỳ lạ khi thấy chúng tôi ăn mặc như vậy. Họ chỉ nhìn thấy đồ bảo hộ này trong các bộ phim điện ảnh hoặc phim tài liệu", Garcia nói.
Garcia nói với bạn gái về nhiệm vụ đặc biệt này nhưng không tiết lộ với bố mẹ. "Tôi không muốn họ biết và phải lo lắng", ông nói.
Sau vài ngày thực hiện nhiệm vụ, nỗi sợ hãi ban đầu của Garcia giờ đã biến mất, thay vào đó là hành động và ý thức trách nhiệm.
"Tôi đoán nó giống như chiến đấu với một vụ hỏa hoạn: nếu bạn không quen, bạn sẽ lo lắng vì phải tìm cách xử lý những thứ chưa từng gặp trước đó. Nhưng một khi dập được lửa, bạn sẽ bình tĩnh hơn và biết mình phải làm gì", Garcia tâm sự.
Luis Encinas là người quen với những tình huống như thế này hơn, bởi anh là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm.
"Tôi có những kinh nghiệm nhất định để đối phó với dịch bùng phát khi có nguồn nhân lực, vật lực và hậu cần hạn hẹp", Encinas nói. Anh là điều phối viên của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF), người từng đối phó với hơn 10 đợt dịch sốt xuất huyết do siêu vi, trong đó có Ebola, và từng làm việc ở các vùng chiến sự như Afghanistan và Angola.
Tuy nhiên, khi phải làm những nhiệm vụ tương tự ngay trên chính quê hương mình, Encinas vẫn cảm thấy có điều gì đó lạ lẫm. MSF đã thiết lập các bệnh viện dã chiến để giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế Tây Ban Nha đang bị quá tải.
"Bạn muốn hỗ trợ cho hệ thống y tế nước nhà, nhưng điều đó thực sự kỳ lạ. Đó là cảm xúc lẫn lộn giữa nỗi buồn và ý chí giúp đỡ quê hương. Chúng tôi từng làm việc ở Tây Ban Nha trong cuộc khủng hoảng di cư, nhưng nó không giống tình huống này", Encinas chia sẻ.
Anh cho rằng không có hệ thống y tế nào trên thế giới đủ sức đối phó với đại dịch này, đồng thời thêm rằng châu Âu và nhiều khu vực phát triển khác chưa từng chứng kiến một cuộc khủng hoảng trên quy mô như vậy kể từ Thế chiến II và dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
"Điều đó có nghĩa chúng tôi đã có nhiều thế hệ lớn lên một cách bình yên và khỏe mạnh, khiến tuổi thọ cũng gia tăng hàng năm. Nên giờ, mọi người đều sẽ có chung suy nghĩ 'Ôi, làm sao tôi có thể tưởng tượng được chuyện này'. Giờ đây ưu tiên số một là cứu người, nhưng một khi đại dịch qua đi, điều quan trọng là phải phân tích và rút ra bài học từ nó", anh nói.
Một trong số những bài học này là sự khiêm tốn, lên kế hoạch và luôn có sự chuẩn bị. "Hãy nhìn vào những điều như kế hoạch sẽ là gì nếu 40 bệnh nhân Covid-19 đến phòng cấp cứu của tôi vào ngày mai? Nếu 400 hoặc 4.000 người thì sao? Điều cần làm là gì?", Encinas nói.
Kế hoạch cá nhân giờ đây của Maria là cố gắng vượt qua từng ngày, chuẩn bị để đối phó với ngày tiếp theo và kìm nén nỗi sợ hãi, mệt mỏi và nguy cơ lây nhiễm ở mức thấp nhất có thể.
"Tuần trước, tôi đã trải qua một ngày tồi tệ khi có quá nhiều người chết và dường như không ai quan tâm. Tôi quá mệt mỏi và chán nản tới mức khi trở về, tôi nói rằng 'Đủ lắm rồi. Mẹ cần nghỉ ngơi vài ngày để có thể khôi phục lại tinh thần'", cô nói.
"Nếu các cụ ông, cụ bà ở đó sắp chết, họ chắc chắn sẽ chết. Nhưng nếu mẹ không đi làm, mọi thứ với các cụ sẽ tệ hơn. Mẹ cần đi và làm tất cả những gì có thể", con gái Maria nhìn thẳng vào mắt mẹ và nói.
Câu nói của con gái đã giúp Maria xốc lại tinh thần và quyết định sẽ tiếp tục cố gắng tới khi nào còn có thể. Cô và những đồng nghiệp của mình là những người duy nhất còn tiếp xúc với những cư dân già cô đơn ở viện dưỡng lão.
"Một ngày, một bà cụ, người đã không gặp con gái trong suốt hai tuần, muốn ôm hôn tôi. Nhưng tôi không thể bởi chúng tôi không được phép làm thế. Nhưng bà cụ vẫn muốn được nắm tay tôi vì giờ đây chúng tôi là tất cả đối với bà", Maria nhớ lại.
Thanh Tâm (Theo Guardian)