Vài hôm trước, bác sĩ gây mê Nikicicz bước ra khỏi thang máy lúc 6h30 sáng, sau khi đặt nội khí quản cho một bệnh nhân ngoài 70 tuổi bị bệnh về đường hô hấp. Nhìn thấy một nhóm người đang tiến về phía mình dọc hành lang bệnh viện, Nikicicz kéo khẩu trang lên che kín mũi và miệng để cố gắng tự bảo vệ mình cũng như những người kia khỏi bị lây nhiễm nCoV.
Vài ngày sau, Nikicicz được thông báo rằng ông có thể bị đình chỉ công tác, vì Trung tâm Y tế Đại học ở El Paso, bang Texas, nơi ông làm việc, quy định cấm sử dụng khẩu trang tại hành lang bệnh viện.
"Đeo khẩu trang là điều cần thiết đối với tôi", Nikicicz, 60 tuổi, người mắc chứng hen suyễn và tăng huyết áp, nói trong một cuộc phỏng vấn. Sau khi từ chối tuân thủ quy định của bệnh viện, Nikicicz bị loại khỏi các ca trực. Ông bị đình chỉ công tác và không được nhận lương.
Không riêng gì Nikicicz, nhân viên y tế và ban quản trị của một số bệnh viện khác cũng đang nổ ra tranh cãi xung quanh chiếc khẩu trang, về việc liệu họ có nên đeo nó bên ngoài phòng điều trị hay không? Nếu có, họ nên sử dụng loại nào, khẩu trang y tế loại mỏng hay khẩu trang N95.
Nhiều bệnh viện cho phép đeo khẩu trang bên ngoài phòng điều trị, thậm chí bắt buộc nhân viên làm theo. Nhưng số khác lại cho rằng các y bác sĩ không cần thiết phải luôn đeo khẩu trang và cấm họ sử dụng chúng bên ngoài khu vực điều trị.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã vài lần thay đổi hướng dẫn cho các cơ sở y tế. Theo hướng dẫn mới nhất, nhân viên y tế không cần phải đeo khẩu trang mọi lúc. Mặt khác, vì tình trạng thiếu trang thiết bị, nhân viên y tế có thể sử dụng những vật dụng tự chế như khăn quàng thay cho khẩu trang.
Hôm 31/3, bác sĩ Anthony S. Fauci, thành viên cấp cao nhóm ứng phó Covid-19 của chính quyền liên bang, cho hay CDC còn đang cân nhắc những hướng dẫn liên quan đến việc liệu người dân bình thường có nên đeo khẩu trang không.
Giữa lúc rối ren và trong tâm trạng sợ hãi, các bác sĩ và y tá nói họ buộc phải dựa vào đánh giá của chính mình. Trong khi đó, các nhà quản lý phản bác rằng y bác sĩ vì quá sợ hãi nên đang tìm cách phá luật để làm theo cách riêng.
Một số bác sĩ tin rằng ban quản lý bệnh viện cấm y bác sĩ đeo khẩu trang bởi họ chỉ đơn giản là đang tìm cách bảo vệ hình ảnh. Họ không muốn bị nhìn nhận như một cơ sở nguy hiểm với đầy rẫy vi khuẩn.
Khi bác sĩ Nikicicz nhất quyết đòi đeo khẩu trang, ông nhận được tin nhắn từ trưởng khoa gây mê, cáo buộc ông phản ứng thái quá.
Hôm 30/3, bệnh viện xác nhận trong một thông báo rằng "bác sĩ Nikicicz đã bị loại khỏi lịch trình làm việc vì không tuân thủ quy định". Nhưng một ngày sau, Nikicicz cho hay ông lại được cấp trên khôi phục công tác và giờ đây có thể đeo khẩu trang y tế quanh bệnh viện cũng như đeo khẩu trang N95 khi làm thủ thuật.
Ming Lin, một bác sĩ phòng cấp cứu, viết trên Facebook rằng hôm 27/3, ông đã bị cho thôi việc tại Trung tâm Y tế PeaceHealth St. Joseph ở Bellingham, Washington, vì công khai bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu đồ bảo hộ và dụng cụ xét nghiệm của bệnh viện.
Tại Seattle, ban quản lý cơ sở Cherry Hill của Trung tâm Y tế Thụy Điển, đã đe dọa sẽ đình chỉ vô thời hạn bác sĩ gây mê Oliver Small vì đeo khẩu trang khi không trực tiếp tham gia chăm sóc bệnh nhân, ví dụ như đi bộ ở hành lang.
"Anh ấy bị gọi vào họp với ban quản lý bệnh viện do họ không muốn khiến nhân viên hoảng loạn vì nghĩ rằng họ cần đeo khẩu trang bảo vệ", Jessica Green, vợ bác sĩ Small, tuần trước viết trên Facebook. "Chồng tôi đeo khẩu trang để phòng trường hợp anh ấy là người nhiễm nCoV không biểu hiện triệu chứng, như bao người khác, và anh ấy không muốn lây bệnh cho những bệnh nhân chưa bị nhiễm".
Ban quản trị yêu cầu Small ngừng đeo khẩu trang, nếu không ông không cần tới bệnh viện nữa. "Hệ thống y tế của chúng ta gặp vấn đề gì vậy???!!!", Green viết.
Small xác nhận câu chuyện trên nhưng thêm rằng bệnh viện sau đó đã thay đổi quan điểm về khẩu trang và ông cảm thấy "rất hài lòng" với kết quả đạt được. Bệnh viện giờ đây cho phép y bác sĩ đeo khẩu trang bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào.
Những tranh cãi về việc đeo khẩu trang đang cho thấy một vấn đề của hệ thống y tế Mỹ, theo giới chuyên gia. Những năm gần đây, y bác sĩ đang ngày càng giống những công nhân làm việc cho các công ty luôn tìm cách cắt giảm chi phí, coi lợi nhuận lên trước việc điều trị. Covid-19 giống như mồi lửa khiến những bất cập bùng phát.
"Vài thập kỷ qua, chúng tôi đang bị mất đi quyền tự chủ", Christopher Garofalo, bác sĩ gia đình ở Bắc Attleboro, Massachusetts, từng giữ vai trò đại diện bang tại Hiệp hội Y khoa Mỹ, cho biết.
Theo ông, hơn một nửa bác sĩ hiện nay là người làm thuê cho những hệ thống bệnh viện hay các tập đoàn lớn. Thay đổi mang tính hệ thống này khiến các bác sĩ cảm thấy họ ít được trao quyền.
Jim Merlino, quản lý tại Phòng khám Cleveland, cho hay ông biết việc một số bác sĩ tại bệnh viện của mình cũng như trên cả nước đang hoang mang, nhưng ông cho rằng đây không phải đa số.
"Mọi người đang lo lắng và việc chúng ta cần làm là truyền đi thông điệp rõ ràng: Không vấn đề gì khi ta lo lắng, nhưng hãy chấp nhận rằng chúng tôi đang đưa ra những quyết định đúng đắn", Merlino nói. "Chúng ta phải kìm nỗi sợ hãi xuống, nếu không chúng ta không thể sống sót qua đại dịch này".
Phòng khám Cleveland cũng yêu cầu các y bác sĩ không đeo khẩu trang bên ngoài phòng điều trị.
Tuy nhiên, nhiều quản lý bệnh viện khác lại không đồng quan điểm với ông. Bệnh viện Đại học Stony Brook ở Long Island vừa thay đổi hướng dẫn, yêu cầu tất cả nhân viên đeo khẩu trang.
"Chúng tôi khuyên các y bác sĩ đeo khẩu trang khi làm việc. Việc làm này nên được áp dụng ở cả những không gian mở của bệnh viện", bản hướng dẫn mới lưu ý.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)