Trong môi trường công sở, các sếp ái kỷ luôn sử dụng chiêu thức tam giác bằng cách đối xử không công bằng giữa các nhân viên, tạo ra những tin đồn hay những lời bàn tán gây bất lợi cho một hoặc một số người nào đó trong công ty.
Những việc này có thể là: Bỗng nhiên thay đổi thái độ với một ai đó; bỗng nhiên cho ai đó rời khỏi nhóm email trao đổi công việc; yêu cầu tất cả mọi người đột ngột thay đổi cách thức giao tiếp; buộc phải trao đổi mọi thông tin qua lãnh đạo mà không được trao đổi trực tiếp với nhau hoặc thay vì giao việc trực tiếp với bạn; sếp lại liên tục chuyển tiếp thông tin qua một bên trung gian; liên tục so sánh các nhân viên với nhau; tạo nên những cuộc đua tranh giành thành tích trong đó đề cao những đóng góp của từng cá nhân riêng lẻ hơn là một tập thể.
>> Bài viết cùng tác giả:
Những thay đổi có chủ ý này của sếp thường sẽ gây ra sự nghi ngờ, đồn đoán trong tập thể đó, dẫn đến việc, tất cả mọi người đều trở nên không đáng tin cậy, luôn trong trạng thái đề phòng, lo lắng, sợ hãi đến một lúc nào đó mình sẽ trở thành nạn nhân của sếp hoặc của đồng nghiệp khác chơi xấu sau lưng.
Từ đó, nhu cầu cấu kết lại thành một nhóm nào đó, hay nhu cầu phải là thành viên của một nhóm nào đó để được an toàn trở thành nhu cầu không thể thiếu của tất cả mọi người, từ đó hình thành những nhóm nhỏ riêng lẻ, thậm chí đối trọng nhau trong tổ chức của những lãnh đạo ái kỷ.
Không cần biết hậu quả về tinh thần cho những nhân viên trong tập thể đó ra sao, điều quan trọng là những lãnh đạo ái kỷ tin rằng họ đã đạt được các mục tiêu sau:
Thứ nhất, họ trở thành trung tâm để tất cả mọi người trong tổ chức luôn phải đấu đá và tranh giành, điều đó mang lại cho họ quyền lực cũng sự quan tâm chú ý không ngừng (khác hẳn với những nhà lãnh đạo cấp độ 5, là cấp độ cao nhất trong bậc thang lãnh đạo, họ luôn là người đứng sau cánh gà, luôn tạo động lực tích cực và thúc đẩy mọi người tiến đến mục tiêu, họ không bao giờ muốn trở thành trung tâm của sự chú ý như các lãnh đạo ái kỷ.
Thứ hai, họ sẽ thấy mọi người bóc mẽ nhau, tự phơi bày những cái xấu của nhau mà không cần tốn nhiều chi phí và công sức để tìm ra những cái sai của nhân viên; Thứ ba, việc cạnh tranh một cách công khai hay ngấm ngầm giữa các cá nhân, bộ phận có vẻ sẽ tăng năng suất lao động của tất cả mọi người trong tập thể đó.
>> Bài viết cùng tác giả:
Tuy nhiên, những kết quả này chỉ là bề nổi của một mớ hỗn độn. Sẽ không bao giờ có chuyện một tổ chức trường tồn và phát triển vững mạnh bằng một nền móng hỗn độn, nghi ngờ, lo lắng thường trực như vậy trong từng cá thể.
Bạn có nghĩ rằng, bạn sẽ hoàn thành xuất sắc công việc khi bạn thường xuyên làm việc với một tâm trạng lo lắng, bất an, đề phòng, mỗi sáng thức giấc lết đến chỗ làm vô hồn như một con robot hay đơn giản chỉ là một quân cờ trong tay người chủ quản. Điều này có thể sẽ khiến bạn luôn có cảm giác, bạn không được sống và không được đối xử những con người. Nếu từng cá nhân không thể hiệu quả thì làm sao có thể tạo nên một tổ chức thực sự hiệu quả?
Nếu một tập thể lúc nào cũng bình yên, các thành viên đoàn kết, hợp lực với nhau thì sẽ không có ai chú ý đến người lãnh đạo hay cha mẹ ái kỷ. Điều đó làm họ cảm thấy mất dần tự tin cũng như quyền lực mà họ luôn mong mỏi. Chiêu thức tam giác hiệu quả đến mức có thể gây nghiện cho những người thích thao túng và cho cả những nạn nhân.
Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, kẻ thao túng bắt buộc phải dùng đến chiêu thức tam giác này để lôi kéo thêm đồng minh tấn công bạn vì nếu chỉ có một mình thì họ không thể thắng nổi bạn. Nên nhớ rằng, trong những mối quan hệ lành mạnh, bạn sẽ không bao giờ thấy bản thân rơi vào một chiến thuật tam giác như thế này.
Sẽ không có bất kỳ bên thứ ba nào chen chân vào cuộc đối thoại của bạn với đối phương, tương tự, bạn cũng không cần phải trở thành bên thứ ba với vai trò giải quyết mâu thuẫn cho bất kỳ bên nào.
Có nhiều người nhảy vào thế trận tam giác một cách vô thức, nhưng nếu đó là những kiểu nhân cách độc hại như ái kỷ và thái nhân cách, thì họ sẽ cố tình sử dụng chiêu thức này để thao túng và kiểm soát người khác.
Nếu chẳng may bạn bị vướng vào một môi trường độc hại mà không có cách nào để thoát ra hoặc không thể từ chối cuộc chơi, hãy cố gắng liên quan đến càng ít người càng tốt. Khi bạn buộc phải đối đầu với ai đó, hãy chắc chắn rằng không có bên thứ ba nào giữa bạn và đối phương.
Nếu kẻ thao túng nói với bạn rằng những người khác tin những điều họ nói, đừng cố gắng thanh minh, giải thích với những người đó. Im lặng, không thanh minh, không giải thích, không nhảy vào cuộc chơi chính là cách tốt nhất để bạn thoát khỏi ảnh hưởng của chiến thuật tam giác.
Tam giác sẽ không còn là một tam giác nếu bạn từ chối nhận một góc trong tam giác đó. Thực sự chúng ta không xứng đáng để bị đối xử như những quân cờ vô tri vô giác trong một thế tam giác không lối thoát như vậy.
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thủy
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.