Cung đấu từng là một chủ đề nóng hổi, xuất phát từ những cuộc tranh giành, đấu đá lẫn nhau của những vị "nương nương trong phim cổ trang Hoa ngữ. Thể loại này từng tạo hiệu ứng mạnh, thu hút quan tâm của người xem.
"Cung đấu trong công sở" cũng có nhiều drama như thế. Trong số những người đi làm, có những người mà mối quan tâm của họ là kiếm tiền lo cho gia đình, có những người phát triển bản thân là nhu cầu cần được thỏa mãn, ngoài ra còn có một dạng người mà niềm vui mỗi ngày đi làm là để hít hà "drama" hoặc nếu không có thì họ sẽ tạo ra nó.
Chú Bảo - một tài xế cho công ty, nằm trong số này. Thoạt nhìn, chú là người sở hữu khuôn mặt điềm tĩnh cần thiết của một người tài xế. Bên cạnh công việc chính là chở các sếp đi làm và về nhà, chú thường dành một khoảng thời gian trong ngày để ngồi "bẩm báo" cho chị quản lý công ty những hành động của các tài xế khác.
Câu chuyện qua lời chú Bảo sinh động, lôi cuốn như một bộ kiếm hiệp nhiều phần và nó đủ sức làm mất sự tập trung của bất kỳ người nhân viên tò mò nào. Bối cục thường có ba phần rõ ràng: mở chuyện là một hành động bất thường của một người tài xế khác, thân chuyện là những diễn biến chi tiết kết hợp cùng những từ như: rất, thường...
Ví dụ: anh tài xế A đánh xe vào bãi rất mất thời gian, anh tài xế B thường ngáp khi ngồi chờ sếp, và kết bài là những lập luận, nhận xét mang kinh nghiệm cá nhân từ chú Bảo.
Tất niên là sau những câu chuyện mà chú kể, chị quản lý ngay lập tức gọi điện góp ý với các tài xế khác mà theo chị đó là quy định công ty. Với những công ty có tính chất gia đình thì cuộc tỉ thí có phần không cân sức, khi đại diện cho một phe là gia đình sếp - phe còn lại là những người nhân viên có tâm làm việc cần mẫn.
Kết quả trong những cuộc cung đấu này không hẳn là thắng thua mà bản chất nó là "cuộc chiến đấu sinh tồn" của những nhân viên làm việc có tâm, cần mẫn để góp nhặt những tháng lương trễ hạn trang trải cuộc sống mưu sinh khó nhọc này.
Trường hợp của Tuấn có thể coi là hình mẫu. Tuấn tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế tại một trường tầm trung và anh xem công việc hiện tại là chén cơm chính của mình. Ngày ra trường, Tuấn đầu quân cho một công ty chuyên về thiết kế và xây dựng nội thất ở quận 7 (TP HCM).
Năm năm làm việc tại đây, Tuấn dốc hết tâm trí vào các bản thiết kế, dốc phần lớn "nội công" cho các tối overtime (tăng ca) mỗi tuần 5 ngày. Nhờ đó, công ty có nhiều dự án hơn, doanh thu tăng đáng kể.
Tuấn cố gắng một phần vì lương, một phần vì thưởng và một phần vì anh giám đốc có hứa hẹn rằng những vị trí cao hơn thường dành cho những người nỗ lực hơn. Có lẽ lời nguyền "Sếp vô tình buông vài câu hứa, ta dại dột cống hiến cả thanh xuân" đã ám vào Tuấn.
>> Thất nghiệp tuổi 35 vì 'ngủ quên' lúc đôi mươi
Ba năm tròn cống hiến, nhiều lứa nhân viên ra vào, vị trí cao hơn vẫn trống, nhưng Tuấn vẫn đang là một anh thiết kế kỳ cựu chăm chỉ. Sếp mỗi lần phát giác ra sự "động tâm" của Tuần, liền có những đối sách hợp lý nhằm trấn an tinh thần đang biến động của anh thiết kế kỳ cựu, chăm chỉ. Nghĩ thật thương Tuấn. Thật là còn nhiều vô số những câu chuyện cung đấu chốn công sở. Và việc tham gia vào trận chiến này là một điều bình thường ở môi trường làm việc tại Việt Nam.
Nếu nhìn nhận một cách khách quan, "cung đấu chốn công sở" là môi trường tôi rèn sức chịu đựng, tính kiên nhẫn, sự khiêm tốn, tư duy khéo léo mà mỗi người nhân viên đi làm cần có. Như con diều nương theo gió tung bay, chúng ta cần khéo léo trong môi trường chốn công sở để thực hiện những mục tiêu của bản thân.
Mai Thanh Tùng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.