Vừa qua, bầu Đức phát biểu: "Chỉ trích cầu thủ xuất ngoại là vô lý". Tuy nhiên, theo tôi, chính cách làm bóng đá của bầu Đức nói riêng và Việt Nam nói chung cũng đều tồn tại những nghịch lý so với quy luật phát triển của bóng đá thế giới.
Một nền bóng đá có quan hệ quốc tế sâu rộng phải là một nền bóng đá "có ra có vào", tức là có thuê cầu thủ ngoại và có CLB ngoại thuê cầu thủ nhà. Cầu thủ để được thuê nhất định phải có thành tích (trải qua bao nhiêu CLB, giúp CLB ấy giành giải gì, được ra sân bao nhiêu lần, bị bao nhiêu thẻ phạt...?), trừ cầu thủ trẻ.
Công Phượng có thành tích gì? Mỗi kỹ năng đá bóng – chuyền, sút, lấy bóng, cản người, bắt bóng, dẫn bóng, chạy không bóng, phạt góc, phạt trực tiếp, phạt gián tiếp, phạt đền, đánh đầu.... – đều có thang điểm 100 để đánh giá. Các ngôi sao thế giới thường có điểm trên 80 với các kỹ năng cơ bản và gần 100 với những kỹ năng cần thiết ở những vị trí chiến thuật mà họ đảm nhận. Thang điểm 100 ấy dựa vào đâu? Đương nhiên là thống kê. Cầu thủ trẻ đáng được mua để bồi dưỡng phải có thang điểm kỹ năng xấp xỉ từ 70 đến 80. Chúng ta có loại thống kê ấy không?
>> Xuân Trường, Công Phượng xuất ngoại thất bại vì 'đi tắt' ở V-League
Đó là chưa nói đến mỗi trận đấu trong giải vô địch quốc gia cũng có thống kê riêng – tốc độ trận đấu, đội nào sở hữu bóng bao nhiêu % thời gian, thực hiện bao nhiêu đường chuyền, bao nhiêu cú sút về phía khung thành đối phương, bao nhiêu đợt tấn công, bao nhiêu quả phạt, bao nhiêu thẻ phạt, bao nhiêu bàn thắng,...? Những chỉ số này người ta dùng để đánh giá HLV. Còn HLV trưởng thì dùng chúng để đánh giá các trợ lý của ông đồng thời chuẩn bị kế hoạch tập luyện ở tuần tiếp theo. Chúng ta có loại thống kê ấy không?
Chúng ta không có những loại thống kê ấy. Nó đòi hỏi phải có nhiều người có chuyên môn để theo dõi, đếm và đưa số liệu vào máy tính. Ban huấn luyện của các đội bóng nước ngoài lên tới hàng chục người nhưng lên mặt báo người ta chỉ biết mỗi HLV trưởng vì chỉ có ông này mới có quyền phát ngôn. Bóng đá của chúng ta, về mặt tổ chức, là lối bóng đá ở đầu thế kỷ 20. Nói bóng đá Việt Nam tương đương với giải hạng ba, hạng tư gì đó ở châu Âu, là thiếu cơ sở cơ sở nếu không có những thống kê để so sánh. Và chúng ta không biết được đẳng cấp của mình đến đâu? Không biết mình, biết người mà cho cầu thủ xuất ngoại để mở đường là điều vô lý.
>> 'Công Phượng sẽ thui chột nếu cứ tìm mọi cách ra nước ngoài'
Đội bóng Bỉ mua Công Phượng về và họ được cho biết anh là một trong số những cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam. Do vậy, người ta sẽ dựa vào đánh giá về Công Phượng bằng những thống kê để suy ra toàn bộ chất lượng cầu thủ Việt, nền bóng đá Việt Nam. Nếu Công Phượng thất bại, đây sẽ là bịt đường hay mở đường tương lai?
Muốn nâng cấp bóng đá Việt Nam, chúng ta cần phải biết các chỉ số thống kê của những nền bóng đá láng giếng. Chừng nào ta xấp xỉ hoặc vượt trội với họ, ta sẽ cho người mở đường ra châu lục (nơi chắc chắn có chỉ số thống kê cao hơn). Rồi, khi chỉ số của chúng ta tiệm cận châu lục, ta mới cho người đến châu Âu. Đi như vậy mới gọi là bài bản chứ không phải đi tắt nhờ quan hệ kinh tế.
Thực tế, người ta sẽ hỏi Công Phượng: "Ở Việt Nam anh là cầu thủ của CLB nào, CLB ấy bao nhiêu lần đoạt cúp vô địch quốc gia, có thành tích gì ở C1, C2 châu Á không, bản thân anh đã trải qua những CLB nào khác và giúp cho CLB ấy đạt thành tích gì, tổng số lần ra sân ở mỗi CLB của anh là bao nhiêu trận trên tổng số bao nhiêu trận của cả mùa bóng...?". Công Phượng sẽ trả lời như thế nào? Có lẽ, sau khi nghe câu trả lời, họ sẽ cho Công Phượng một suất dự bị và cho ra sân đúng số trận theo luật Bosman cho có thủ tục, chờ hết hạn hợp đồng rồi thanh lý. Ở châu Âu, cho dù là suất dự bị cũng phải cạnh tranh kịch liệt.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Tư duy VFF quyết định sự phát triển của bóng đá Việt Nam
>> 2 triệu USD thuê HLV Park để 'học' chứ không chỉ mua thành tích
>> 'Nhiều khán giả Việt dễ dãi vì lười suy nghĩ, không biết cách phê bình'
Người ta sẽ không bao giờ hỏi thành tích của anh ở tuyển quốc gia, giải trẻ lại càng không. Đối với họ, tuyển quốc gia là nơi cầu thủ tự PR chính mình vì chỉ có 10 ngày đến nửa tháng để làm quen, lắp ráp đội hình với những cầu thủ không cùng CLB, với phong cách chiến thuật của một HLV hoàn toàn xa lạ. Nếu họ biết tuyển quốc gia Việt Nam thường xuyên tập trung dài ngày tới hàng tháng trời, không biết họ sẽ nghĩ gì?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.