Đọc bài viết 'Mức lương 2 triệu USD/năm của HLV Park Hang-seo không quá đắt' tôi đồng ý với bạn Nicolai nhưng ở một góc nhìn khác.
Chúng ta bỏ tiền ra để học chứ không phải để "mua" thành tích. Học từ phong cách cầm quân, sơ đồ chiến thuật cùng với các biến hóa, đến chức năng của các trợ lý... Nếu các CLB giành được thành tích tại giải C1, C2 thì mới gọi là "học" được gì đó, không uổng tiền thuê HLV ngoại. Còn cứ quanh quẩn tại V–League rồi ca bài ca "đào tạo trẻ" mãi thì coi như chưa học được gì.
Đội trẻ đạt được hạng nhì châu Á bằng lối đá "phá bóng", lọt vào vòng 1/8 giải châu lục của các đội tuyển chính thức một cách hết sức may mắn (nhờ ít hơn một đội hạng 3 ở bảng khác một tấm thẻ vàng). Bao giờ Việt Nam mới thật sự có một đội tuyển chính thức không mang cái mác "trẻ"?
>> Trả 2 triệu USD/năm cho HLV Park Hang-seo để vô địch SEA Games có đáng không?
Về phần ông Park, ông là người có duyên với tuyển Việt Nam, nhưng nếu để ông làm HLV một CLB nào đó, thành tích của ông chưa chắc vượt qua được HLV nội. Cầm tuyển đòi hỏi phải giỏi biến hóa chiến thuật, còn cầm CLB thì đặt nặng vấn đề sơ đồ vì chiến thuật dễ bị bắt bài do đội tuyển lâu lâu mới đá một trận, vào giải nhiều lắm là 6 trận (nếu đi được đến chung kết), còn CLB thì tuần nào cũng phải ra sân. HLV nội biết dùng sơ đồ nhưng thiếu biến hóa, cầm tuyển như cầm CLB nên thua là điều dễ hiểu.
CLB thua một trận không có nghĩa là thua cả giải nhưng đội tuyển mà thua một trận thì con đường đi tiếp sẽ rất khó khăn. Những CLB lớn trên thế giới chẳng những đoạt cúp quốc gia ở nước họ mà thi đấu Cúp C1, C2 cũng có thành tích. Nhiêu đó đủ biết HLV của họ vừa giỏi dùng sơ đồ vừa giỏi biến hóa.
Tuy nhiên, rất ít HLV giỏi ở CLB chịu cầm tuyển. Đội tuyển các nước chỉ được tập trung nhiều lắm là 10 ngày đến nửa tháng trước khi vào giải, HLV còn chưa kịp quen thuộc với cầu thủ, không giỏi biến hóa làm sao thi đấu? Trong khi đó tuyển Việt Nam được tập trung với nhau hàng tháng trước khi vào giải, không khác gì một CLB độc lập. Không có quốc gia nào mà HLV trưởng quen thuộc với từng cầu thủ như với người thân trong nhà như tuyển Việt Nam. Nếu đội tuyển của chúng ta cũng như nước ngoài thì thành tích khỏi phải nghĩ.
>> 'Không sớm giữ chân HLV Park, bóng đá Việt sẽ phải hối hận
Rời tuyển về CLB, nhiều tuyển thủ nhanh chóng bị vùi lấp. Ở CLB, sơ đồ thiếu biến hóa đòi hỏi cầu thủ phải có tư duy chiến thuật cao. "Trẻ" làm sao có tư duy chiến thuật bằng "già" dù kỹ thuật cá nhân các mặt hơn hẳn. Bóng đá hiện đại đòi hỏi cầu thủ phải khỏe, có kỹ thuật cá nhân và tư duy chiến thuật. Các ngôi sao bóng đá thế giới có đầy đủ ba tiêu chuẩn này. Cầu thủ chưa phải là ngôi sao chỉ có hai trong ba tiêu chuẩn. Cầu thủ Việt Nam thiếu sức khỏe, còn tư duy chiến thuật chỉ có vài người có. Bù lại, chúng ta "đi tắt" bằng cách cho tuyển tập trung dài ngày để tăng sự ăn ý với nhau. Một phần là nhờ giải vô địch quốc gia chỉ kéo dài đến chưa đến 10 tháng (mỗi bảng không đủ 18-22 đội).
Ngay cả Hàn Quốc, Nhật Bản - những ông lớn ở châu lục nhưng vào World Cup vẫn chỉ là "lót đường". Việt Nam muốn có đẳng cấp nhất thời buộc phải bỏ nhiều tiền ra. Đó là chưa nói NHM gần như không quan tâm bóng đá nước nhà, họ chỉ cần "bữa nay có rượu, bữa nay say" theo kiểu lứa cầu thủ này có thành tích thì cứ hưởng thụ, lứa sau thế nào không quan tâm. NHM có tư duy "ăn xổi" thì nền bóng đá cũng khó mà khác được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.