Ngày 6/3, tiến sĩ - bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, thạc sĩ - bác sĩ Trần Anh Vũ bay gấp ra Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội để phẫu thuật dây chằng chéo cho cầu thủ Đức Chiến bằng phương pháp ghép gân tự thân. Gân cho được luồn vào gốc của gân tổn thương để giữ lại hai điểm bám. Gân mới tự tái tạo, tự lành nhanh chóng do còn giữ được các thụ cảm thể vị trí không gian và thụ cảm thể sức căng, giúp giảm các nguy cơ tái chấn thương sau này.
Theo bác sĩ Nam Anh, phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo đã được thực hiện thường quy tại Việt Nam, phổ biến nhất là phương pháp đường hầm all-inside. Đây là phương pháp hiệu quả nhất nhưng có hạn chế phải có "gân cho" để tái tạo "gân tổn thương". Hơn nữa, để hiệu quả cao trong phẫu thuật thì phẫu thuật viên cần tay nghề cao và chính xác... Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã ứng dụng robot Pheno Artis quét và dựng hình ảnh 3D chính xác trong mổ, tính toán và lựa chọn điểm đặt dây chằng hiệu quả.
Các bác sĩ của BVĐK Tâm Anh đã tiếp tục đưa các phương pháp mới vào điều trị những chấn thương thể thao, đặc biệt là phẫu thuật dây chằng.
Tháng 6, lần đầu tiên tại Việt Nam dây chằng nhân tạo thế hệ mới nhất đã được các bác sĩ BVĐK Tâm Anh đưa vào sử dụng thay thế "gân cho" (gân tự thân hoặc gân đồng loại). Bệnh nhân Trần Thanh Phong (quận Tân Bình, TP HCM) được thay dây chằng nhân tạo có thể đứng dậy tập đi gần như bình thường ngay sau mổ, đi nhanh sau hai tuần và chạy nhanh sau 2 tháng, khác biệt hoàn toàn với thời gian phục hồi của các ca phẫu thuật dây chằng trước đây.
Một chấn thương trong thể thao phổ biến khác là rách sụn chêm cũng đã được cập nhật công nghệ điều trị mới tại BVĐK Tâm Anh. Bác sĩ dùng súng khâu chuyên dụng trong phẫu thuật nội soi. Thay vì dùng kim để khâu mù, qua màn hình nội soi 3D phóng đại rõ nét, bác sĩ đưa đầu súng khâu chính xác vị trí rách một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.
Theo bác sĩ Nam Anh, sự phát triển y khoa giải quyết được rất nhiều vấn đề trở ngại trong điều trị chấn thương vùng khớp gối. Trước đây, chẩn đoán một tổn thương bên trong khớp, bác sĩ phải dựa vào kinh nghiệm, sờ - nhìn - gõ - nghe. Ngày nay, máy cộng hưởng từ MRI đã giúp chụp chính xác các tổn thương bên trong, từ đó bác sĩ chẩn đoán sớm mức độ và vị trí tổn thương, đưa ra phác đồ phù hợp.
"Trước đây, khi mới chấn thương bệnh nhân thường sẽ không được mổ ngay do thiếu hụt phương tiện đánh giá hoặc bác sĩ chưa đánh giá đúng mức độ tổn thương. Hiện nay với việc làm chủ các phương tiện kỹ thuật cao cấp và tiếp cận với những phương pháp điều trị tiên tiến, chúng tôi có thể thực hiện phẫu thuật sớm hơn, rút ngắn thời gian bình phục phong độ cho người chơi thể thao", bác sĩ Tăng Hà Nam Anh nhận định.
Theo thống kê tại Mỹ của NSC, năm 2020, bộ môn xe đạp gây ra khoảng 426.000 ca chấn thương, nhiều nhất so với bất kỳ loại hình thể thao và giải trí nào; thể dục (có hoặc không có dụng cụ) khoảng 378.000 ca; đua mô tô - minibike có 230.000 ca; ván trượt với 218.00 ca... Công nghệ điều trị chấn thương thể thao ngày càng được chú ý không chỉ nhằm mục đích giúp các vận động viên chuyên nghiệp sớm trở lại phong độ, mà còn giúp mọi người chơi nghiệp dư có thể tiếp tục theo đuổi đam mê thể thao lâu dài.
Từ ngày 13 đến 19/12 BVĐK Tâm Anh phối hợp cùng báo điện tử VnExpress.net tổ chức Tuần tư vấn "Công nghệ mới nhất điều trị chấn thương thể thao". Các chuyên gia y học thể thao sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về phương pháp điều trị - phục hồi chấn thương thể thao. Độc giả đặt câu hỏi tại đây.
Anh Vũ
Sau 9 tháng, ê-kíp phẫu thuật gồm tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh và thạc sĩ Trần Anh Vũ sẽ gặp lại bệnh nhân - tuyển thủ bóng đá quốc gia Nguyễn Đức Chiến trong chương trình tư vấn trực tuyến "Công nghệ mới nhất điều trị Chấn thương thể thao". Chương trình diễn ra vào lúc 20h ngày 13/12 trên fanpage của báo điện tử VnExpress và Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.
Người hâm mộ thể thao có thể cùng giao lưu với cầu thủ Đức Chiến và đặt câu hỏi tới ê kíp chuyên gia về những phương pháp điều trị mới và hiệu quả của ngành y học thể thao hiện đại. Đặc biệt là về dây chằng nhân tạo vừa xuất hiện tại Việt Nam. Đức Chiến sẽ chia sẻ về hành trình phục hồi sau phẫu thuật và tìm lại phong độ của mình.