Ở trường đại học, khi học các môn Khoa học kinh tế, tôi được các thầy cô giảng rất kỹ khái niệm "ngoại ứng". Theo đó, ngoại ứng (ngoại tác) là hành động của một đối tượng có ảnh hưởng đến phúc lợi của một đối tượng khác, nhưng những ảnh hưởng đó lại không được phản ánh trong giá cả thị trường.
Ảnh hưởng đó có thể tốt, có thể xấu. Ví dụ, khi chúng ta điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, chúng ta xả ra môi trường các khí CO2, NOx, SO2, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, hay được gọi là ngoại ứng tiêu cực. Ngược lại, khi chúng ta trồng rừng, ngoài lợi ích trực tiếp là giá trị của gỗ trên thị trường, còn tạo cảnh quan, sinh dưỡng khí... đó là ngoại ứng tích cực.
Theo các nhà kinh tế học, giáo dục - đào tạo đem lại những ngoại ứng tích cực. Đầu tư vào giáo dục nghĩa là đầu tư vào vốn nhân lực, quan trọng không kém đầu tư vào vốn vật chất trong quá trình tăng trưởng kinh tế dài hạn của một quốc gia.
Chẳng hạn, một cá nhân được đào tạo bài bản trong một môi trường tốt sẽ tạo ra những hàng hóa và dịch vụ tốt nhất, không những đem lại lợi ích cho bản thân mà còn đem lại lợi ích cho xã hội.
Thật đáng tự hào khi Việt Nam đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng giáo dục của OECD, đoàn học sinh tham dự Olympic Vật lý châu Á 2015 thì cả 8 học sinh đều có huy chương.
Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện thì đầu tư vào giáo dục, đào tạo chưa mang lại ngoại ứng tích cực như chúng ta kỳ vọng. Vẫn còn tồn tại tình trạng học sinh còn "mù chữ" đến tận lớp 5, lớp 7.
Ở khía cạnh đào tạo chuyên nghiệp thì con số còn đáng buồn hơn. Trên 200.000 cử nhân ra trường vẫn chưa có việc làm, trong khi các trường vẫn đào tạo như cũ.
Việt Nam chưa có trường đại học nào đứng tốp 500 thế giới (ARWU - 2014)
Rất nhiều cử nhân trượt khi ứng tuyển vào các tập đoàn lớn vì kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ chưa tốt.
Để giáo dục, đào tạo mang lại ngoại ứng tích cực như sứ mệnh của nó, theo tôi cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trước hết là bản thân người học. Phải học thật sự, học để biết, để đem lại lợi ích cho bản thân và xã hội, không học vì thành tích, vì bằng cấp và phải định hướng tương lai rõ ràng.
Nhà trường và xã hội cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo ra những công dân có ích. Trước hết là phải hạn chế đào tạo một số ngành dư cung nhân lực, khuyến khích đào tạo nghề, đào tạo gắn liền với thực tiễn, khuyến khích học sinh, sinh viên sáng tạo, không chạy theo thành tích tuyển sinh.
Về mặt vĩ mô, các ngành phải có các chiến lược, các dự báo về cung cầu, về nhân lực để hạn chế tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" như hiện nay.
Chúng ta cũng phải thay đổi quan niệm, văn hóa về bằng cấp. Hiện nay, hễ học sinh nào học hết lớp 12 cũng nhằm cánh cửa đại học mà tiến, dẫn đến tình trạng thừa cử nhân, thiếu công nhân, để rồi cử nhân phải giấu bằng đi làm công nhân. Đó là một sự đầu tư lãng phí.
>> Xem thêm: Những việc đang 'hot' mà không cần tốt nghiệp đại học 4 năm
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục, học hành tại đây.