Tôi xin gửi một số góp ý của mình đối với vấn đề giáo dục, các ý kiến sau đây chỉ là cảm nhận cá nhân, có gì thiếu sót mong mọi người lượng thứ.
Thứ nhất, đối với các chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS)
GS, PGS phải gắn với quyền hạn, nghĩa vụ đặc biệt và không nên để chức danh GS, PGS vĩnh viễn như bây giờ.
Chúng ta nên đặt thêm các quy định, điều kiện đối với các GS, PGS để họ không ngừng gìn giữ, phấn đấu, bảo vệ danh hiệu đó. Chẳng hạn như để duy trì danh hiệu GS, PGS thì mỗi năm phải hoàn thành bao nhiêu nghiên cứu khoa học, đưa ra ứng dụng bao nhiêu công trình, nếu không sẽ bị rút lại.
Có tiêu chí về số lượng chức danh GS, PGS cho từng đơn vị cụ thể. Ví dụ như Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc Gia… là những trường đại học lớn, được khu vực công nhận. Số lượng GS, PGS là 10 người thì các trường đại học khác quy mô, uy tín thấp hơn chỉ được phép có từ hai đến ba GS, PGS thôi chẳng hạn.
Như vậy các trường đại học sẽ không ngừng tìm cách phát triển, nâng cao thang điểm của họ để có nhiều hạn ngạch hơn. Các trường hợp đặc biệt, có cống hiến to lớn thì khi họ về hưu có thể phong GS, PGS danh dự để ghi nhận công lao của họ.
Thứ hai, đối với các trường đại học
Chúng ta có thể nghiên cứu để tìm cách cổ phần hóa các trường đại học, trong đó Nhà nước nắm khoảng 50- 51% cổ phần, qua đó quyết định về chiến lược, đường lối phát triển của trường.
Việc cổ phần này giúp các trường đại học huy động được nguồn vốn tư nhân để phục vụ đào tạo, giảng dạy. Qua đó, có thể đáp ứng tốt hơn đòi hỏi về đào tạo của xã hội, các trường sẽ tự quyết được lương, chế độ đãi ngộ cho giảng viên. Từ đó thu hút và nâng cao chất lượng giảng viên của trường.
Đối với các nghành khoa học, kỹ thuật, các giảng viên phải có kinh nghiệm thực tế từ hia đến năm năm mới được đứng trên bục giảng. Những giảng viên không có kinh nghiệm thực tế không thể nào giảng dạy tốt và khiến sinh viên tin phục được.
Thứ ba, đối với Bộ giáo dục và đào tạo
Việc để các trường đại học trực thuộc Bộ như hiện nay chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, lại phát sinh tình trạng “con đẻ, con nuôi” giữa các trường công lập, dân lập. “Bố mẹ” nào nỡ phạt nặng “con đẻ” của mình, thậm chí có “miếng gì ngon” cũng phải ưu tiên “con đẻ” trước đã.
Vì thế, tôi nghĩ nên tách hẳn các trường đại học ra khỏi Bộ. Bộ chỉ nên làm chức năng quản lý, nghĩa là nghiên cứu, đề xuất chính sách để phát triển giáo dục và kiểm tra xem các cơ sở giáo dục đã thực hiện, đáp ứng đầy đủ những gì mà Bộ đưa ra hay chưa, chưa đáp ứng được thì xử phạt mạnh tay, triệt để.
>> Xem thêm: Không nên đào tạo tại chức các ngành khoa học, kỹ thuật
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục tại đây.