Tại Đồng Tháp, nhiều học sinh lớp 4-5 phải quay lại học lớp 1. |
Đó là các em L.T.H., L.V.T., đều là học sinh lớp 4/2 trường tiểu học Mỹ Trà 2 (thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp). Gia đình các em rất vô tư, thậm chí vui vẻ thừa nhận con em chưa biết chữ. Bà Nguyễn Thị Vành, bà nội của H., và cả mẹ em là chị Nguyễn Thị Hồng Khoa, khi kể những chuyện liên quan đến “sự học” của H. đều không nín cười: “Một lần nọ, chị Ba ở xóm trên viết một mẩu giấy hai chữ Khoa - Tài là tên của ba mẹ H., bảo cháu cầm về đưa cho mẹ và nói gạt rằng dì ba viết giấy nhờ mẹ mua giùm mấy bó rau".
Về nhà, cháu thuật lại y chang. Hỏi trong giấy chữ gì, H. nhìn một hồi rồi nhe răng cười lắc đầu. Bà nội H. và T. (hai em là anh em họ) cho biết thêm: “Tui dốt, ba mẹ chúng cũng dốt, nay lại thấy con cháu mình dốt nữa thì không đành. Học là cốt để biết đọc miếng giấy người ta đưa, biết viết cái đơn khi cần thiết chứ không phải để lên lớp 4-5”.
Thày Huỳnh Quang Toàn, giáo viên lớp 4/2, thừa nhận: “H. và T. không đọc được chữ, không đọc được âm và vần do mất căn bản từ lớp 1”. Vì thương hai em, thầy đã bàn với gia đình cho học “gửi” vào lớp 1 của cô Phạm Thị Minh Tâm. Từ đó, mỗi ngày H. và T. phải học lớp 1 với cô Tâm vào buổi sáng và lớp 4 với thày Toàn vào buổi chiều.
Nhưng ở trường Mỹ Trà 2 không chỉ có hai em H. và T. mà còn nhiều em khác không đọc được chữ. Một giáo viên (đề nghị giấu tên) cho biết một lần thày viết hai chữ đạo đức lên bảng cho hai em N.V.V., N.V.C., học sinh lớp 5/2, cả hai nhìn chữ rồi... cười. Còn lúc viết, hai em nhìn chữ trên bảng rồi viết vào tập thì được, nhưng lúc thày cô đọc cho các em viết thì... thua. Có học sinh lớp 5 như em M.T.B.L. ở trường tiểu học Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, phải học lại lớp 1, bị bạn bè chọc ghẹo nên ở nhà.
Ông Phạm Chí Năng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp, thừa nhận: “Chúng tôi đã cho kiểm tra và xác nhận tình trạng học sinh lớp 4-5 chưa thông thạo chữ viết như trên là có. Đây là hệ quả của căn bệnh thành tích từ nhiều năm qua". Ông Năng khẳng định sẽ kiểm tra toàn diện, cụ thể từng học sinh có học lực trung bình, kém, nếu không đủ điều kiện lên lớp thì cho ở lại, đồng thời bố trí giáo viên dạy kèm các em này để nâng dần trình độ.
"Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận không hoàn thành chỉ tiêu phổ cập giáo dục tiểu học để trả lại đúng thực chất kết quả học tập của học sinh. Về lâu dài, phải thay đổi cách đánh giá tiêu chuẩn thi đua giáo viên để tránh gây sức ép “hoàn thành chỉ tiêu”, tạo cho họ tâm lý thoải mái trong giảng dạy và hướng đến chất lượng hơn là số lượng”, ông Năng nhấn mạnh.
(Theo Tuổi Trẻ)